Tràn lan tình trạng mua bán thông tin cá nhân

09/10/2018 15:59

(kiemsat.vn)
Tình trạng mua bán thông tin cá nhân đã diễn ra tràn lan từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng này đến nay vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Bán thông tin cá nhân như... bán rau

Hiện nay, việc mua bán thông tin cá nhân trên mạng internet đang diễn ra hết sức công khai và rầm rộ. Chỉ cần gõ từ khóa “mua thông tin cá nhân” hay “danh sách khách hàng” lên google, lập tức có ngay hàng loạt trang điện tử hoặc tài khoản Facebook rao bán đủ loại “data” cá nhân như tên tuổi, số điện thoại, email, ngành nghề, chức vụ và thậm chí cả thu nhập hay số dư tài khoản ngân hàng… Những dữ liệu này được phân loại rất rõ ràng để chọn lựa, từ “danh sách doanh nhân VIP”, “danh sách cư dân chung cư các toà nhà”, “danh sách phụ huynh có thu nhập cao ở các trường tiểu học” đến “danh sách những người gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng từ 200 triệu đồng trở lên”…

Tra cứu trên mạng dễ dàng tìm thấy rất nhiều trang web công khai rao bán thông tin cá nhân (Ảnh: SGGP)

Mức giá của những danh sách này dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy theo loại dữ liệu, số lượng thông tin mà người mua yêu cầu (số lượng khách hàng, mức độ cập nhật, tầm quan trọng của thông tin). Không chỉ mua với giá “hữu nghị”, nhiều người còn được khuyến mãi nếu mua nhiều với các gói danh sách đã được lọc theo ngành nghề, vùng miền, khu vực...

Phương thức thanh toán cũng hết sức đơn giản, người mua chỉ cần nhắn tin mã nạp thẻ điện thoại di động với giá trị tương đương, khi người bán nạp tiền thành công, lập tức danh sách sẽ được gửi ngay.

Theo phản ánh của báo Lao động, trong cơn sốt đất tại TPHCM vừa qua, không chỉ trên web, nhiều “cò đất” đã lập cả fanpage xưng danh “Hiệp hội môi giới bất động sản”, “Đất nền Sài Gòn”... để rao bán đất nền. Cũng tràn ngập trên đó, thông tin khách hàng bị rao bán công khai với lời mời rất “hấp dẫn” như: “Chuyển nhượng lại bộ data khách hàng đã mua những dự án của công ty Hưng Thịnh”; “Chuyển nhượng bộ khách hàng gởi tiết kiệm tại các ngân hàng…”.

Việc mua bán này là “nguồn cơn” của vô số phiền toái mà không ít người đang gặp phải, khi liên tiếp bị đội quân bán hàng qua điện thoại (telesales) “khủng bố” mỗi ngày. Thực trạng thông tin cá nhân đang bị chuyển hóa thành “thông tin công cộng” khiến nhiều người hoang mang.

Thông tin cá nhân đang bị chuyển hóa thành “thông tin công cộng” khiến nhiều người hoang mang (Ảnh: internet)

Anh C.T.N (Thanh Xuân, Hà Nội) liên tục nhận được những lời chào mời mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, nhà chung cư, ô tô… “Vì sao các đối tượng này lại biết số điện thoại đó là của tôi? Thậm chí còn biết nhà tôi ở đâu, tôi làm nghề gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ dùng thông tin của tôi đi làm việc trái pháp luật, ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi thông tin cá nhân của khách hàng bị thả nổi như hiện nay”, anh N thắc mắc.

Đồng “cảnh ngộ”, chị N.H.T ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bức xúc: “Tôi không hiểu sao họ lại có được số điện thoại của mình. Không những thế họ còn đọc vanh vách địa chỉ nhà, tên tuổi, trường học của con rồi mời gọi đi du học này nọ. Họ biết cả việc con tôi bao nhiêu tuổi, học lớp mấy, trường nào, khiến tôi cảm thấy rất bất an”.

Không chỉ là chuyện quấy rối, làm phiền; hậu quả của việc mất thông tin cá nhân là rất nguy hại, đặc biệt nếu rơi vào tay kẻ gian có thể dẫn đến hành vi làm giả thẻ tín dụng ngân hàng, thậm chí là những vụ tống tiền, bắt cóc...

Liên quan đến vấn đề này, những ngày qua dư luận đang nghi ngại việc lộ thông tin cá nhân khi đi đăng ký ảnh chân dung bổ sung cho số thuê bao của mình. Ngay sau khi các quy định về việc chụp ảnh chính chủ được triển khai, người dân đã có phản ứng cho rằng việc này xâm phạm đến quyền riêng tư của công dân. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị gỡ bỏ quy định này trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.

Bao giờ thì phạt mạnh tay?

Tại các quốc gia phát triển, bảo mật thông tin khách hàng luôn là số một và việc chuyển thông tin khách hàng chỉ được thực hiện với một số nguyên tắc nhất định cũng như có sự giám sát của các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Nhờ đó, hoạt động môi giới rất minh bạch và hiệu quả, đồng thời giúp khách hàng an tâm hơn khi giao dịch.

Pháp luật Việt Nam cũng quy định việc rao bán các thông tin cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 38 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Hành vi mua bán thông tin cá nhân thường được giao dịch trên môi trường internet (Ảnh: internet)

Tuy nhiên, trên thực tế, việc bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng vẫn chưa được tuân thủ nghiêm chỉnh, chế tài xử phạt cho các hành vi vi phạm còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Hành vi mua bán thông tin cá nhân thường được giao dịch trên môi trường internet, vì vậy có những khó khăn nhất định khi xác định chủ thể có hành vi vi phạm. Bản thân những người bị mua bán thông tin họ không biết thông tin của mình bị mua bán để làm đơn đề nghị tính giá trị tổn thất, từ đó đề nghị quy trách nhiệm.

Tình trạng mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân được cơ quan chức năng nhận định là rất phức tạp. Cũng trong nhiều năm qua, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (C50) Bộ Công an đã lập nhiều chuyên án về việc mua bán thông tin cá nhân trên mạng nhưng do vướng các quy định pháp lý cho nên không thể xử lý hình sự, nên đã chuyển hồ sơ sang cho thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông để xử lý vi phạm hành chính.

Căn cứ Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10/9/2012 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, VKSND tối cao, TAND tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, việc xác định hành vi mua bán thông tin cá nhân của nhiều đối tượng lại chưa đủ để cấu thành tội phạm vì rất khó để xác định việc mua bán đó có “gây hậu quả nghiêm trọng” hay không. 

Trong khi việc mua bán thông tin cá nhân vẫn đang gặp phải không ít vướng mắc trong chế tài xử lý thì thông tin cá nhân của hàng triệu người vẫn có thể là miếng mồi béo bở với nhiều đối tượng xấu.

Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý ngay từ các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các cuộc gọi, tin nhắn “rác”.

Về phía người tiêu dùng, phải học cách “sống chung” và cảnh giác với các chiêu thức chào mời dịch vụ qua điện thoại, nhất là liên quan đến các giao dịch về ngân hàng… Với mỗi giao dịch cần hết sức cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin, những thông tin nào không bắt buộc thì không nên khai, tránh bị khai thác để trục lợi. Đồng thời, nên thực hiện biện pháp cài đặt phòng, chống phần mềm độc hại trên thiết bị điện tử, thường xuyên cập nhật, thay đổi mật khẩu và sử dụng mật khẩu có tính bảo mật cao.

Theo điểm a Khoản 5 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị xử phạt tiền ở mức từ 50 đến 70 triệu đồng.

Những người có hành vi vi phạm này, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm còn có thể bị xử lý theo Điều 288 Bộ Luật Hình sự 2015 về Tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” với khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 03 năm và hình phạt tù cao nhất là 07 năm.

Xem thêm>>>

 Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

Vì sao hành vi mua bán thông tin cá nhân không bị xử lý?

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang