Tiêu thụ tài sản trộm cắp của người dưới 16 tuổi là phạm tội

27/03/2018 09:18

(kiemsat.vn)
Các tác giả đồng quan điểm thứ nhất khi cho rằng tài sản mà Nguyễn Văn H lấy trộm đã đủ định lượng cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” (02 chiếc điện thoại trị giá 10.100.000 đồng) nên Trần Tiến T phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Ảnh minh họa

Tác giả Dương Văn Hưng, TAQS khu vực 1 Quân chủng Hải quân

Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, VKSND tối cao và TAND tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền (sau đây viết tắt là Thông tư số 09). Thông tư này đã giúp các cơ quan tố tụng giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn.

 Tuy nhiên, khi giải quyết vụ án về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” trong trường hợp tiêu thụ tài sản do người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự vẫn còn vướng mắc.

Theo tôi, nếu giá trị của vật phạm pháp đủ để cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi tiêu thụ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Trong trường hợp này, tài sản mà Nguyễn Văn H lấy trộm đã đủ định lượng cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” (02 chiếc điện thoại trị giá 10.100.000 đồng) nên Trần Tiến T phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” mà không phụ thuộc vào việc xử lý đối với Nguyễn Văn H.

Tác giả Trương Thế Nguyễn, Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng

Hành vi của Nguyễn Văn H đã đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản, nhưng vì H dưới 16 tuổi, nên H chưa đủ độ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự.

Trần Tiến T biết rõ nguồn gốc tài sản, vì vậy, hành vi của T là chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, đồng thời T cũng có đủ năng lực hành vi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, Trần Tiến T vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” thì mới đảm bảo tính khách quan và thỏa đáng. Nói cách khác, không vì người có hành vi phạm tội trộm cắp tài sản chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự mà không xử lý hình sự hành vi của người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản trộm cắp.

Tác giả Hồ Nguyễn Quân, TAQS Khu vực 1, Quân khu 4

Cấu thành tội phạm của tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại khoản 1, Điều 250 BLHS 1999 (tương ứng với khoản 1, Điều 323 BLHS năm 2015): “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Trong trường hợp này, tài sản mà Nguyễn Văn H chiếm đoạt đã đủ định lượng cấu thành tội Trộm cắp tài sản nên Trần Tiến T phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có mà không phụ thuộc vào việc xử lý hình sự đối với hành vi của Nguyễn Văn H.

Do đó, tác giả đồng tình với loại quan điểm ý kiến thứ nhất là cần phải xử lý Trần Tiến T về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 250 BLHS, vì hành vi của H đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng do H chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên chỉ xử lý hành chính đối với Nguyễn Văn H, còn nếu không xử lý hình sự đối với Trần Văn T là bỏ lọt tội phạm.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang