Thông báo tổng hợp ý kiến nhận xét về phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm trực tuyến toàn quốc năm 2017

06/01/2018 14:24

Thực hiện Chỉ thị của Viện trưởng VKSNDTC về việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm toàn quốc năm 2017, sau khi tổng hợp các ý kiến góp ý, ngày 04/01/2018, VKSNDTC đã có thông báo số 07 về kết quả tổng hợp ý kiến nhận xét về phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm trực tuyến toàn quốc năm 2017.

Ngày 30/10/2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Mạnh Hưng và đồng phạm, bị truy tố về tội “Giết người”. Phiên tòa đã được ghi âm, ghi hình và đưa toàn bộ nội dung lên trang tin điện tử của Ngành để các đơn vị trong toàn quốc tải về theo dõi, họp đánh giá rút kinh nghiệm.

Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7) VKSND tối cao đã nhận được 68 biên bản góp ý kiến, trong đó có 62 biên bản góp ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, VKSND cấp cao tại Hà Nội và Đà Nẵng, Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự thủ đô, Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2).Hầu hết các đơn vị chấp hành nghiêm túc, đã tổ chức tải toàn bộ nội dung phiên tòa để theo dõi, họp rút kinh nghiệm và gửi ngay biên bản góp ý kiến về Vụ 7.

Trên cơ sở các biên bản đóng góp ý kiến của các đơn vị về phiên tòa, Vụ 7 đã tổng hợp và báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Kết quả tổng hợp như sau:

I. NỘI DUNG RÚT KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI KIỂM SÁT VIÊN

1. Tác phong của Kiểm sát viên

1.1. Ưu điểm

– Kiểm sát viên có tư thế, tác phong trang nghiêm, đĩnh đạc, chủ động tự tin trong khi xét hỏi và tranh luận, bình tĩnh và xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh tại phiên tòa.

– Trang phục gọn gàng, nghiêm túc.

– Giọng nói to, rõ ràng, mạch lạc.

1.2. Tồn tại

– Kiểm sát viên không đeo biển tên theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư số 01/2015/TT-VKSTC ngày 30/12/2015 quy định về quản lý, sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Kiểm sát viên, Giấy chứng nhận Điều tra viên, Kiểm tra viên trong ngành Kiểm sát nhân dân.

– Kiểm sát viên không đội mũ kêpi khi khai mạc phiên tòa (điểm a khoản 1 Điều 8 Quy định về quản lý, sử dụng trang phục đối với cán bộ, công chức, viên chức Viện kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 80/QĐ-VKSTC-V9 ngày 04/02/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao).

– Hai Kiểm sát viên cùng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa nhưng khi tranh luận, xét hỏi, Kiểm sát viên xưng hô “tôi” là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 6 Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án (Ban hành kèm theo Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 20/02/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao).

2. Phần kiểm sát thủ tục tại phiên tòa

2.1.Ưu điểm

– Kiểm sát viên đã chú ý theo dõi, kiểm sát việc tuân theo pháp luật, bảo đảm phần thủ tục bắt đầu phiên tòa đúng quy định.

– Kiểm sát viên phát hiện thiếu sót của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa trong việc giải thích quyền của các bị cáo và kịp thời bổ sung.

– Kiểm sát viên có quan điểm rõ ràng, viện dẫn điều luật cụ thể khi luật sư đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập người làm chứng và yêu cầu đưa các vật chứng ra xem xét tại phiên tòa.

2.2. Tồn tại

– Một số thiếu sót trong phần thủ tục phiên tòa nhưng Kiểm sát viên không phát hiện để đề nghị Chủ tọa phiên tòa thực hiện đầy đủ như: không yêu cầu thư ký báo cáo danh sách những người triệu tập; không kiểm tra căn cước của người đại diện hợp pháp của bị cáo, những người làm chứng đến sau và các luật sư; không giải thích quyền, nghĩa vụ cho những người làm chứng đến sau và yêu cầu cam đoan; không giải thích quyền và nghĩa vụ của luật sư; không hỏi các bị cáo đã nhận được Cáo trạng và Quyết định đưa vụ án ra xét xử chưa? Nhận ngày nào? Không công bố Quyết định thay đổi người tham gia tiến hành tố tụng; không hỏi ý kiến của Kiểm sát viên về việc thay đổi người tiến hành tố tụng; vụ án có bị cáo là người chưa thành niên nhưng Chủ tọa phiên tòa không giới thiệu nghề nghiệp của các Hội thẩm; Chủ tọa phiên tòa không hỏi ý kiến của các luật sư về thủ tục phiên tòa.

– Nhiều lần các bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị hại xưng hô không đúng (cháu, con) nhưng Kiểm sát viên không đề nghị Chủ tọa phiên tòa chấn chỉnh.

– Kiểm sát viên chưa viện dẫn điều luật khi phát biểu quan điểm về sự vắng mặt của người làm chứng.

– Kiểm sát viên không đề nghị Chủ tọa phiên tòa hỏi các bị cáo có đề nghị đưa vật chứng, tài liệu, đồ vật khác ra xem xét tại phiên tòa hay không, có cần triệu tập thêm ai mà trực tiếp hỏi các bị cáo là chưa đúng quy định tại Điều 205 Bộ luật tố tụng hình sự.

– Nhân chứng Nguyễn Thị Trà là người chưa thành niên nhưng không có người đại diện hợp pháp tham dự phiên tòa.

3. Phần công bố cáo trạng

3.1. Ưu điểm

– Bản Cáo trạng rõ ràng, nêu bật được nội dung vụ án, thể hiện rõ hành vi phạm tội của các bị cáo.

– Kiểm sát viên công bố Cáo trạng to, rõ ràng, có quan sát thái độ của bị cáo và những người tham gia phiên tòa. Sau khi công bố cáo trạng, Kiểm sát viên có câu kết thúc và đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc, thể hiện tính uy nghiêm của phiên tòa.

3.2. Tồn tại

– Trước khi công bốCáo trạng, Kiểm sát viên chưa giới thiệu tên, chức danh, đại diện cho Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

– Một số điểm trong Cáo trạng chưa đúng mẫu quy định như: vẫn đề tên cơ quan cấp trên; phần quyết định truy tố không nêu rõ điểm, chỉ nêu điều, khoản; không nêu năm sinh, địa chỉ của bị hại; không ghi rõ số bút lục của Biên bản khám nghiệm hiện trường và kết quả khám nghiệm tử thi.

– Nội dung cáo trạng còn dài, kết quả khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi quá chi tiết và dài dòng.

– Cáo trạng chưa nêu được lý do xảy ra mâu thuẫn giữa bị hại và bị cáo Nguyễn Việt An, chưa làm rõ được vị trí, vai trò đồng phạm của các bị cáo và các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, vấn đề xử lý vật chứng và trách nhiệm dân sự của các bị cáo.

4. Phần xét hỏi

4.1. Ưu điểm

– Kiểm sát viên đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bịđề cương xét hỏi, có chiến thuật xét hỏi tốt, dự kiến các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa; hỏi có trọng tâm, trọng điểm và đã làm rõ thêm được căn cứ, cơ sở để khẳng định quan điểm truy tố đã được nêu trong bản Cáo trạng là đúng pháp luật.

– Kiểm sát viên đã chủ động tích cực tham gia xét hỏi bị cáo và những người tham gia tố tụng khác; đã chú trọng xét hỏi những vấn đề mà Hội đồng xét xử chưa hỏi hoặc xét hỏi chưa kỹ;

– Các câu hỏi cơ bản là rõ ràng, dễ hiểu, logic, không trùng lắp, bám sát nội dung vụ án, làm rõ hành vi khách quan, ý thức chủ quan, vai trò đồng phạm của từng bị cáo và mức bồi thường dân sự mà đại diện người bị hại yêu cầu

– Giữa hai Kiểm sát viên có sự phối hợp nhịp nhàng trong việc phân công xét hỏi các bị cáo.

4.2. Tồn tại

– Kiểm sát viên chưa có câu hỏi dự phòng khi các bị cáo thay đổi lời khai.

– Các câu hỏi chưa làm rõ được nguyên nhân dẫn đến vụ án; nguồn gốc các vật chứng bị thu giữ; động tác, tư thế của các bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội; các tình tiết về nhân thân và gia đình của các bị cáo.

– Kiểm sát viên đặt nhiều câu hỏi buộc tội, thiếu câu hỏi gỡ tội.

– Khi các bị cáo chối tội, Kiểm sát viên có đấu tranh nhưng chỉ tập trung công bố các lời khai của bị cáo về việc không bị mớm cung, ép cung mà chưa đưa ra được các tài liệu, chứng cứ trực tiếp để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo.

– Kiểm sát viên còn đặt câu hỏi thể hiện sự gợi ý, mớm cung, chứa hàm ý trả lời, đôi lúc vội vã kết luận đúng sai, đưa ra một số lập luận mang tính quy chụp, áp đặt.

– Kiểm sát viên chưa đấu tranh làm rõ lý do các bị cáo khai khác với lời khai tại Cơ quan điều tra, chưa xét hỏi đến cùng để làm rõ lời khai nào là đúng, chưa hỏi các bị cáo có tài liệu, chứng cứ chứng minh các bị cáo bị ép cung, mớm cung.

– Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa xét hỏi có tính chất mớm cung, ép cung nhưng Kiểm sát viên không phát hiện và đề nghị chấn chỉnh. Khi Luật sư đề nghị, Kiểm sát viên vẫn không có ý kiến.

– Một số người làm chứng vắng mặt nhưng Kiểm sát viên không đề nghị Hội đồng xét xử công bố lời khai của những người này trong quá trình điều tra.

– Kiểm sát viên xét đôi lúc làm thay quyền điều khiển của Chủ tọa phiên tòa, không thông qua Chủ tọa để hỏi các bị cáo và người làm chứng.

5. Phần trình bày luận tội

5.1. Ưu điểm

– Kiểm sát viên đã chuẩn bị luận tội đúng mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trình bày luận tội rõ ràng.

– Nội dung luận tội phân tích đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm, phân tích rõ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nguyên nhân, động cơ, mục đích, vai trò, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo.

– Theo dõi sát diễn biến của phiên tòa để bổ sung vào dự thảo luận tội, đặc biệt là vấn đề bồi thường.

5.2. Tồn tại

– Kiểm sát viên chưa thoát ly được bản dự thảo luận tội đã chuẩn bị sẵn, phần trình bày luận tội chưa thật sự đanh thép, chưa có điểm nhấn khi đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hình phạt đối với các bị cáo.

– Phần trình bày về nội dung vụ án còn dài, có đoạn trùng lặp với cáo trạng.

– Luận tội chưa phân tích rõ được “tính côn đồ” trong hành vi phạm tội của các bị cáo; chưa nêu rõ được vai trò đồng phạm của các bị cáo và lý do áp dụng điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.

– Chưa đánh giá lỗi của bị hại để đề nghị giảm mức bồi thường thiệt hại cho các bị cáo.

– Phần xử lý vật chứng: các bị cáo sử dụng điện thoại để liên lạc với nhau trước khi đi đánh bị hại nhưng Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử tuyên trả lại cho các bị cáo là không chính xác.

– Đề xuất mức hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Việt An và Trần Minh Lợi cao, không phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của các bị cáo và đảm bảo nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội (đối với bị cáo Nguyễn Việt An).

– Kiểm sát viên chưa đề nghị áp dụng án phí hình sự, dân sự đối với các bị cáo.

6. Phần tranh luận

6.1.Ưu điểm

– Kiểm sát viên nắm chắc nội dung vụ án, nghiên cứu kỹ các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ; chuẩn bị tốt và dự kiến được các tình huống phát sinh tại phiên tòa.

– Chú ý lắng nghe và tóm tắt được đầy đủ các ý kiến mà luật sưđưa ra; thái độ tự tin, linh hoạt, chủ động, bình tĩnh; tranh luận tốt, sắc sảo, chặt chẽ, nội dung đối đáp đúng trọng tâm, bảo vệ được quan điểm truy tố của Viện kiểm sát.

– Nắm chắc các quy định của pháp luật, văn bản hướng dẫn, đưa ra các căn cứ pháp luật, các chứng cứ trong hồ sơ vụán để tranh luận, sau khi hai Kiểm sát viên đối đáp, các luật sư có tranh luận trở lại nhưng không nhiều và không đưa ra các căn cứ và luận điểm mới.

– Giữa hai Kiểm sát viên có sự phân công, phối hợp nhịp nhàng.

6.2. Tồn tại

– Kiểm sát viên còn sử dụng một số thuật ngữ, cụm từ chưa chính xác như: “tôi xin đối đáp”, “xin phân công”.

– Kiểm sát viên chưa đối đáp, tranh luận vớimột số ý kiến của luật sư như: chưa điều tra toàn diện về nguyên nhân dẫn đến vụ án; việc Cơ quan điều tra không triệu tập, lấy lời khai của Hằng và Yến Nhi; việc lấy lời khai của người làm chứng chưa thành niên trong giai đoạn điều tra không có người giám hộ mà chỉ có đại diện Đoàn Thanh niên và đại diện Hội Phụ nữ.

– Kiểm sát viên chưa nêu được căn cứ pháp luật để khẳng định thẩm quyền giám định về nguyên nhân chết của bị hại là đúng quy định pháp luật.

– Luận cứ mà Kiểm sát viên đưa ra để đối đáp, tranh luận với luật sư trong một số vấn đề còn thiếu thuyết phục như: việc các bị cáo có phạm tội “Xâm phạm chỗ ở” hay không; các bị cáo không phạm tội có tính chất côn đồ; chưa đủ căn cứ để truy tố các bị cáo về tội “Giết người”; việc bị hại chết là nằm ngoài ý muốn của các bị cáo.

7. Các nội dung khác

– Trong suốt quá trình xét xử, các bị cáo bị khóatay, xích chân. Chủ tọa phiên tòa nên quyết định việc mở khóa tay, mở xích chân cho bị cáo tại nơi xét xử để thể hiện sự tôn trọng quyền con người của các bị cáo.

– Đối với vụ án cóđồng phạm như vụán này cần có biện pháp để cách ly các bị cáo ngay từ khi dẫn giải.

– Âm thanh tại phiên tòa đôi lúc còn nhỏ.

– Kiểm sát viên cần nâng cao chất lượng trong hoạt động kiểm sát điều tra như việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng.

II. NHẬN XÉT GÓP Ý VỚI HỘI ĐỒNG XÉT XỬ VÀ NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG

1. Ưu điểm

– Hội đồng xét xử có thái độđúng mực, trang nghiêm, điều khiển phiên tòa bảo đảm khách quan, tạo điều kiện để Kiểm sát viên và luật sư tranh tụng.

– Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa xét hỏi chi tiết, cụ thể, làm rõđược hành vi phạm tội của từng bị cáo; phân tích, giải thích cụ thể về việc bồi thường dân sự.

2. Tồn tại

– Chủ tọa phiên tòa điều hành còn chưa nghiêm, không yêu cầu mọi người tham dự phiên tòa tắt điện thoại di động.

– Nhiều lần các bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị hại xưng hô không đúng (cháu, con) nhưng Chủ tọa phiên tòa không chấn chỉnh, giải thích về cách xưng hô.

– Phần thủ tục phiên tòa còn nhiều thiếu sót như: không yêu cầu thư ký báo cáo danh sách những người triệu tập; không kiểm tra căn cước của người đại diện hợp pháp của bị cáo, những người làm chứng đến sau và các luật sư; không giải thích quyền, nghĩa vụ cho những người làm chứng đến sau và yêu cầu cam đoan; không giải thích quyền và nghĩa vụ của luật sư; không hỏi các bị cáo đã nhận được Cáo trạng và Quyết định đưa vụ án ra xét xử chưa? Nhận ngày nào? không công bố Quyết định thay đổi người tham gia tiến hành tố tụng; không hỏi ý kiến của Kiểm sát viên về việc thay đổi người tiến hành tố tụng; vụ án có bị cáo là người chưa thành niên nhưng Chủ tọa phiên tòa không giới thiệu nghề nghiệp của các Hội thẩm;

– Trong phần xét hỏi, Thẩn phán Chủ tọađặt nhiều câu hỏi có tính chất mớm cung, quy chụp.

III. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ VỀ CHẤT LƯỢNG PHIÊN TÒA

– Đây là vụ án phức tạp, nhiều bị cáo, tại phiên tòa các bị cáo đồng loạt phản cung gây khó khăn cho Kiểm sát viên khi đấu tranh làm rõ các tình tiết của vụ án, có nhiều luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho bị hại.

– Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có sự chuẩn bị và phối hợp tốt với Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong việc lựa chọn vụ án đưa ra xét xử rút kinh nghiệm.

– Phiên tòa đã đạt được mục đích, yêu cầu rút kinh nghiệm, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.

– Cách thức tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo hình thức mới có ưu điểm về chất lượng hình ảnh, âm thanh, không phụ thuộc vào đường truyền internet, không cố định về thời gian, các đơn vị chủ động sắp xếp công việc theo dõi vào thời gian hợp lý.

IV. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

– Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến toàn quốc cần nhân rộng sang nhiều loại án đối với các tội phạm khác nhau.

– Mỗi năm cần tổ chức ít nhất một phiên tòa rút kinh nghiệm về hình sự, dân sự trên toàn quốc, có ghi hình để các đơn vị cùng xem, học tập và rút kinh nghiệm.– Cáo trạng, Quyết định đưa vụán ra xét xử cần được gửi cho các đơn vị nghiên cứu trước để việc theo dõi diễn biến phiên tòa đạt chất lượng cao./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang