Thái Nguyên: Ban QL các KCN hoàn thành tốt việc thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp

10/10/2017 08:07

(kiemsat.vn)
Với sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân và doanh nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên đã tổ chức thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp. Đây là thành phần kinh tế quan trọng giúp Thái Nguyên thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2017.

Là một tỉnh trung du miền núi giáp với thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển các khu công nghiệp (KCN) để thu hút đầu tư; ngoài hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các KCN đang được đầu tư hoàn thiện, giao thông của các KCN cũng rất thuận tiện.

Ông Phan Mạnh Cường – Bí thư, Trưởng BQL các KCN Thái Nguyên: “Các KCN Thái Nguyên đã có 170 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 86 dự án FDI và 84 dự án DDI,

Không những vậy, hệ thống các trường đại học, cao đẳng và các trường đào tạo nghề với 9 trường đại học, 23 trường cao đẳng và 52 trường dạy nghề hàng năm đào tạo hàng trăm nghìn lao động cung cấp cho Thái Nguyên và các tỉnh.

KCN Điềm Thụy 1-3: Có quy mô diện tích 350ha, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đảm bảo cung cấp điện, nước cho các doanh nghiệp tiến hành sản xuất, thêm vào đó có vị trí giao thông thuận lợi-  KCN Điềm Thụy – Điểm đến của nhà đầu tư

Nhằm phát huy thế mạnh này, đồng thời thực hiện chủ trương thu hút đầu tư phát triển các KCN của Đảng và Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập một số KCN để thu hút đầu tư nói chung, đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng, coi đó là nguồn lực tốt để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thành lập 6 KCN tập trung với diện tích 1.420 ha, bao gồm KCN sông Công I (195 ha), KCN Sông Công II (250 ha), KCN Nam Phổ Yên (120 ha), KCN Yên Bình (400 ha), KCN Điềm Thụy (350 ha), KCN Quyết Thắng (105 ha). Trong 6 KCN đã có 4 khu đi vào hoạt động.

Để làm tốt công tác thu hút đầu tư, Ban quản lý (BQL) các KCN đã tập trung vào công tác cải cách hành chính với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, tiết kiệm thời gian làm thủ tục đầu tư thành lập doanh nghiệp thực hiện dự án và các thủ tục có liên quan đến đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo đó, kết quả thu hút đầu tư đến hết năm 2015 là 136 dự án, trong đó có 73 dự án trong nước, 63 dự án FDI. Riêng 6 tháng đầu năm 2016 đã thu hút được 15 dự án, nâng tổng số dự án lên 151 dự án trong 4 KCN đang hoạt động. Trong đó, 77 dự án trong nước với số vốn đăng ký lên đến 11 nghìn tỷ đồng, 74 dự án nước ngoài với số vốn đăng ký 7 tỷ USD, chiếm 97,2% vốn FDI đăng ký trên toàn tỉnh.

6 tháng đầu năm 2017, Ban lãnh đạo BQL các KCN đã đón và làm việc với 31 đơn vị tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trong đó, đã thực hiện thẩm định hồ sơ xin cấp mới và điều chỉnh nội dung được 11 GCNĐKĐT cho 05 dự án FDI và 06 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 7,7 triệu USD và 1.090.1 tỷ đồng.

Khu công nghiệp Điềm Thụy chiếm phần lớn số vốn đầu tư khi có 05 dự án FDI và 03 dự án đầu tư DDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 7,7 triệu USD và 68 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có KCN Yên Bình có 01 dự án với số vốn 925 tỷ đồng, KCN Nam Phổ Yên có 01 dự án với số vốn 49.1 tỷ đồng, KCN Sông Công có 01 dự án với 48 tỷ đồng.

Tiếp tục hoàn thiện các thủ tục chấm dứt 03 dự án, bao gồm nhà máy linh kiện điện tử YS Vina, nhà máy Pin quốc gia và nhà máy thực phẩm – đồ uống Time. Lũy kế đến nay, trong các KCN có 170 dự án được cấp GCNĐKĐT còn hiệu lực, trong đó có 85 dự án FDI và 85 dự án DDI, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 7,016 tỷ USD và 12.870 tỷ đồng; Tổng vốn đầu tư thực hiện là 6,69 tỷ USD và 7.021,86 tỷ đồng.

Doanh nghiệp trong các KCN đóng góp phần lớn vào khả năng tiêu thụ sản xuất của các đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong 6 tháng đầu năm doanh thu tiêu thụ tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016 ước đạt 275 tỷ USD và 2.168,62 tỷ đồng, nộp ngân sách 2.468,38 tỷ đồng (tăng khoảng 7,3%). Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong các KCN ước đạt 8,12 tỷ USD giảm 4,47%, giá trị nhập khẩu ước đạt 7,15 tỷ USD tăng 23,28%.

Vấn đề bảo vệ môi trường đang trở thành vấn đề cấp thiết của các nhà hoạch định chiến lược và lập đề án các KCN để phát triển kinh tế. Với tỉnh Thái Nguyên, BQL các KCN có quy định khắt khe về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Hàng chục doanh nghiệp đã được đặt đồng hồ đấu nối nước thải, trong đó có KCN Điềm Thụy với phần diện tích 180ha đã được Sở Tài Nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình số 130/GXN-STNMT ngày 29/12/2016 góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường khu vực.

Về nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm 2017, ông Phan Mạnh Cường cho biết: “Hiện nay, Ban Quản lý đang nỗ lực tăng cường thu hút đầu tư để lấp đầy 4 cụm công nghiệp gồm: Sông Công I, Điềm Thuỵ, Yên Bình và Nam Phổ Yên. Trong năm 2017, Ban sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh theo hướng phù hợp đối với quy hoạch 2 khu công nghiệp Sông Công II và Quyết Thắng. Hiện nay, việc triển khai xây dựng Khu công nghiệp Sông Công II đang được trình Chính phủ phê duyệt; bên cạnh đó sẽ nghiên cứu để bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp khác có lợi thế về giao thông, thuận lợi cho thu hút đầu tư. BQL sẽ tiếp tục rà soát kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời thu hồi 02 dự án thuê nhà xưởng ở KCN Điềm Thụy và 05 dự án chưa triển khai ở KCN Sông Công I”.

Cũng theo ông Cường cho biết thêm mặc dù sự phát triển KCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả quan trọng nói trên, song quá trình phát triển vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Tuy nhiên thời gian tới, BQL các KCN Thái Nguyên tiếp tục kế thừa, phát triển những thành công trong thời gian qua, gắn với khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế để tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu.

Tiếp tục rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung vào danh mục các KCN theo hướng những KCN có lợi thế so sánh tốt với tính khả thi cao và kiên quyết đưa ra khỏi Danh mục những KCN có lợi thế thấp, không có khả năng triển khai. Thêm vào đó, huy động mọi nguồn lực kinh tế tập trung cho phát triển nền kinh tế xã hội vững mạnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, tiết giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục để bảo đảm thời gian cho tất cả các lĩnh vực chỉ bằng 1/10 thời gian so với quy định.

Chủ động nắm bắt những khó khăn phát sinh trong hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp, thay đổi phương thức vận động, xúc tiến đầu tư theo hướng hiệu quả, coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, định hướng lựa chọn lĩnh vực ngành thu hút đầu tư phù hợp vào KCN, ưu tiên thu hút dự án đầu tư lớn công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện môi trường.

Theo kế hoạch của Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, trong năm 2017 sẽ tạo điều kiện để 70 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây cũng sẽ là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những năm tiếp theo. Dựa vào sự phát triển hiện tại, tương lai, rất nhiều kì vọng rằng các KCN tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, sớm đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.

PV

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang