Tại sao Thẩm phán chặn được sắc lệnh của Trump?

13/02/2017 08:11

Tại sao một Thẩm phán liên bang ở Toà án cấp thấp nhất chặn được Sắc lệnh của Trump?

Có ý kiến cho rằng là vì nhà nước Mỹ được tổ chức theo mô hình tam quyền phân lập. Ý kiến này kể ra cũng đúng, nhưng chưa chính xác. Chúng ta đều biết những người sáng lập ra nước Mỹ là những người Anh, mà ở Anh thì năm 1215 đã có Đại hiến chương Magna Carta, có thể nói đây là văn kiện đầu tiên trên thế giới nêu lên nguyên tắc nhà nước pháp quyền, trong khi đó thì mãi năm 1748 cuốn Bàn về tinh thần pháp luật của Montesquieu, và 1762 cuốn Bàn về khế ước xã hội của J.J. Rousseau mới được xuất bản. Do vậy, người Anh chưa bao giờ tiếp thu quan điểm của Cách mạng Pháp cho rằng quyền lực của Thẩm phán phải được kìm hãm. Và những người Anh đến Mỹ lập quốc đã mang theo truyền thống ấy.

Tocqueville, trong tác phẩm Nền dân trị Mỹ tập I xuất bản năm 1835 đã viết rằng: “Nhưng cho tới nay tôi vẫn cho rằng không có một quốc gia nào trên thế giới lại xây dựng quyền lực tư pháp theo cung cách giống như của người Mỹ… ta có thể kết luận rằng ở Hoa Kỳ người quan toà là một trong những thế lực chính trị hàng đầu”.

Hiến pháp 1787 của Mỹ đã chia quyền lực của nhà nước thành ba ngành: Lập pháp, hành pháp, tư pháp. Cùng với đó là nguyên tắc kiểm soát và cân bằng quyền lực giữa ba nhánh quyền lực này. Theo đó, Thẩm phán của Toà án liên bang dù ở cấp thấp nhất cũng có thẩm quyền tuyên bố rằng một Luật của Quốc hội hay một Sắc lệnh của Tổng thống là vi hiến (tất nhiên là phải thông qua một vụ kiện chứ Toà án không bao giờ tự mình nói lên điều đó, mà vụ kiện thì thông thường là bắt đầu từ một toà án cấp thấp nhất).

Nhân đây, cũng xin nói thêm rằng Toà án District mà ta cứ gọi là Toà án “quận” với cách hiểu là ngang với cấp huyện của Việt nam thì có lẽ không chính xác. Hoa Kỳ có 50 bang và một đặc khu liên bang thì nói chung mỗi bang có một Toà án district, có bang có 4 toà, cả Hoa Kỳ có 94 Toà án này; vậy có lẽ gọi là toà án sơ thẩm liên bang thì đúng hơn. (Hệ thống Toà án liên bang ở Hoa kỳ gồm 94 Toà án sơ thẩm, 12 Toà án phúc thẩm và Toà án tối cao).
Những nước tổ chức tư pháp theo mô hình của Mỹ thì chỉ có một hệ thống toà án và toà án cấp sơ thẩm (tức cấp thấp nhất) cũng có chức năng bảo hiến. Riêng Nhật Bản có khác một chút là chỉ Toà án tối cao mới có chức năng bảo hiến.

Còn ở những quốc gia châu Âu lục địa, mặc dù nhà nước tổ chức theo mô hình tam quyền phân lập thì thường có tới ba hệ thống toà án: Toà án thẩm quyền chung, Toà án hành chính và Toà án hiến pháp.
Thẩm phán Toà án liên bang ở Mỹ được bổ nhiệm theo một quy trình rất phức tạp: Giới thiệu của Thượng nghị sĩ, tham vấn ý kiến của Bộ tư pháp, Văn phòng chưởng lý, Hiệp hội luật sư… rồi phải qua Uỷ ban tư pháp của Thượng viện xem xét, rồi phải được toàn thể Thượng viện thông qua mới đưa cho Tổng thống bổ nhiệm.

Thông thường Thẩm phán liên bang cấp thấp nhất được bổ nhiệm ở tuổi 49. Về nguyên tắc, họ có nhiệm kỳ suốt đời, nhưng thường được khuyến khích về hưu sớm và từ năm 1984 được phép nghỉ hưu mà vẫn hưởng nguyên lương theo quy tắc “80”, tức tuổi đời và tuổi nghề tối đa là 80.

Việc kỷ luật Thẩm phán liên bang cũng rất phức tạp, cách thức duy nhất là luận tội bởi Hạ viện và kết tội bởi Thượng viện nếu họ “phản quốc, nhận hối lộ hoặc phạm tội có mức độ cao hoặc nghiêm trọng”. Thực tế hầu như không có Thẩm phán vi phạm.

Về trình độ chuyên môn thì để được bổ nhiệm Thẩm phán “cấp quận”, phải là người nổi bật về khả năng chuyên môn, nói như các cụ ta là phải “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, bụng chứa vạn quyển” hay như cách nói thời nay, họ đều là “những chuyên gia luật học hàng đầu”.

Ngô Cường

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang