Sẽ đào tạo chung ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư

17/02/2017 06:07

(kiemsat.vn)
Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư là ba chức danh quan trọng trong hoạt động tư pháp. Nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực tư pháp, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp trình Chính phủ.

Việc xây dựng Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp nhằm tạo tiền đề pháp lý cho việc đổi mới toàn diện hoạt động đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư với định hướng thi tuyển tư pháp quốc gia nhằm tuyển chọn nguồn đầu vào có chất lượng cho đào tạo các chức danh tư pháp; thực hiện việc đào tạo trong một chương trình thống nhất nhằm trang bị mặt bằng kiến thức chung về chuyên môn, nghiệp vụ cho Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.

Theo dự thảo, đào tạo các chức danh tư pháp có tính đặc thù là đào tạo nghề đặc biệt, phục vụ hoạt động tố tụng, học viên phải có bằng Cử nhân luật, trường hợp dự tuyển đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên người dự tuyển phải là công chức, viên chức trong TAND, VKSND, quy trình bổ nhiệm các chức danh phải thông qua tuyển chọn, thi tuyển rất chặt chẽ.

Các cơ sở đào tạo có bộ máy tổ chức phù hợp với mô hình đào tạo, quy mô đào tạo, chương trình đào tạo và các yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo; có đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học và cán bộ quản lý đào tạo đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng; có hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy và các học liệu khác được xây dựng theo quy định của pháp luật cùng hồ sơ đề nghị giao nhiệm vụ đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định giao nhiệm vụ đào tạo.

Về việc phối hợp liên ngành trong đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, dự thảo Pháp lệnh quy định “Hội đồng phối hợp liên ngành do người đứng đầu cơ quan chủ quản của cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư quyết định thành lập, gồm có các thành viên là đại diện Bộ Tư pháp, TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có chức năng tư vấn về công tác đào tạo như: Kế hoạch đào tạo dài hạn, trung hạn; đề xuất phương án sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế phục vụ công tác đào tạo; nghiên cứu, đề xuất chính sách tuyển dụng học viên sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư…

Thời gian đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư là 18 tháng, trong đó thời gian thực tập là 06 tháng./.

Nguyễn Long

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang