Vướng mắc về tính án phí chia tài sản chung của vợ chồng và chi phí tố tụng

Ngày đăng : 14:16, 30/11/2018

(Kiemsat.vn) - Thực tiễn giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình hiện nay vẫn còn nhận thức khác nhau về cách tính án phí chia tài sản chung của vợ chồng và chi phí tố tụng (chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí định giá tài sản và chi phí thẩm định giá tài sản).

1. Về tính án phí chia tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ tài sản đối với người khác.

Tại điểm e khoản 1 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án (Nghị quyết số 326) có quy định như sau:

...“5. Đối với vụ án hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:

... e) Trường hợp các đương sự có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng, Tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự thống nhất thỏa thuận được về việc phân chia một số tài sản chung và nghĩa vụ về tai sản chung, còn một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung không thỏa thuận được thì các đương sự vẫn phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng.”

Từ quy định này có thể hiểu như sau: Trường hợp vợ chồng có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng đối với người khác mà nếu vợ chồng không thỏa thuận được hết việc phân chia toàn bộ số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung đối với người khác thì họ phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng. Đối với án phí nghĩa vụ tài sản chung của vợ chồng đối với người khác thì đã có quy định rõ ràng. Tuy nhiên, đối với án phí chia toàn bộ tài sản chung của vợ chồng thì hiện có hai cách tính khác nhau.

Ảnh minh họa

Cách thứ nhất: Vợ chồng chỉ chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch tương ứng giá trị phần tài sản mà họ thực tế được hưởng sau khi đi nghĩa vụ tài sản của họ đối với người khác. Cách tính này cũng tương tự như hướng dẫn trước đây của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí tòa án, cụ thể như sau:

...“3. Trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ về tài sản đối với người khác và người này có yêu cầu độc lập, yêu cầu vợ chồng phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà Tòa án chấp nhận yêu cầu độc lập đó thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm như sau:

... c) Vợ chồng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản họ được chia sau khi trừ đi giá trị phần tài sản mà họ có nghĩa vụ đối với người có yêu cầu độc lập.”

Ví dụ: Anh T và chị N có tài sản chung là nhà đất trị giá 600 triệu đồng nhưng anh T và chị N phải có nghĩa vụ trả cho bà C số tiền 120 triệu đồng. Giả sử Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Như vậy, anh T và chị N phải chịu án phí chia tài sản chung của anh T và chị N như sau:

{(600.000.000 đồng – 120.000.000 đồng) : 2}  x  5% = 12.000.000 đồng.

Những người có quan điểm theo cách tính thứ nhất cho rằng: tại khoản 2 Điều 147 của BLTTDS năm 2015 có quy định: “Trường hợp các đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi đương sự phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng.”. Như vậy, giá trị tài sản mà vợ, chồng được hưởng thực tế như ví dụ trên không phải là 300 triệu đồng mà là 240 triệu đồng vì mỗi người đang có nghĩa vụ phải trả nợ cho người khác là 60 triệu đồng.

Cách thứ hai: Vợ chồng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch tương ứng giá trị phần tài sản mà họ được chia nhưng không trừ đi nghĩa vụ tài sản của họ đối với người khác.

Với cách tính thứ hai thì anh T và chị N (theo ví dụ trong cách tính thứ nhất) phải chịu án phí chia tài sản chung của vợ chồng như sau:

(600.000.000 đồng : 2) x 5% = 15.000.000 đồng.

Những người có quan điểm theo cách tính thứ hai cho rằng: tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng và tranh chấp nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người khác là hai quan hệ pháp luật khác nhau, bản chất sự việc khác nhau. Không phải lúc nào vợ chồng cũng được chia tài sản như nhau và có nghĩa vụ tài sản đối với người khác như nhau. Nếu tính án phí chia tài sản chung củ vợ chồng sau khi trừ đi nghĩa vụ tài sản thì có trường hợp nghĩa vụ tài sản nhiều hơn giá trị tài sản mà vợ chồng được chia nên vợ chồng không phải chịu án phí chia tài sản chung của vợ chồng mặc dù họ được Tòa án chia tài sản chung. Mặc khác, hiện tại không có quy định hay hướng dẫn nào khác như hướng dẫn tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.

Một vướng mắc khác về tính án phí chia tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ tài sản đối với người khác, đó là trong trường hợp vợ chồng có có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng đối với người khác nhưng vợ chồng tự thỏa thuận được việc phân chia toàn bộ số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung đối với người khác thì họ phải chịu án phí được tính như thế nào. Tòa án có thể áp dụng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 27 Nghị quyết số 326 hay không và áp dụng cách tính nào.

2. Về nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong vụ án ly hôn

Tại khoản 3 Điều 157 của BLTTDS năm 2015 có quy định: “Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.”.

Từ quy định này có thể hiểu trong vụ án ly hôn, người phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là nguyên đơn. Thông thường, trong vụ án ly hôn, Tòa án chỉ tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ khi vợ chồng có tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng hoặc có tranh chấp về tài sản giữa người khác với vợ chồng. Tuy nhiên, trong vụ án ly hôn không phải lúc nào người yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng là nguyên đơn. Vì có vụ án nguyên đơn yêu cầu ly hôn, không yêu cầu chia tài sản nhưng sau đó bị đơn có yêu cầu chia tài sản. Theo quy định tại khoản 1 Điều 156 của BLTTDS năm 2015 thì “Người yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của Tòa án.”. Như vậy, bị đơn yêu cầu chia tài sản thì phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. Cho nên có quan điểm cho rằng không thể buộc nguyên đơn chịu toàn bộ chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong khi cả nguyên đơn và bị đơn đều được hưởng tài sản. Vì vậy, cả nguyên đơn và bị đơn phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ tương ứng với giá trị tài sản mà họ được chia. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng mặc dù bị đơn là người yêu cầu chia tài sản nhưng nguyên đơn phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ vì ngoài quy định tại khoản 3 Điều 157 của BLTTDS thì pháp luật hiện tại không có quy định nào khác.

Một vướng mắc khác đặt ra nữa là cụm từ “Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ” trong quy định tại khoản 3 Điều 157 của BLTTDS năm 2015 được hiểu như thế nào. Cách hiểu thứ nhất là khi đương sự thỏa thuận được tất cả các vấn đề trong vụ án thì vợ, chồng sẽ chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. Cách hiểu thứ hai là chỉ cần vợ chồng thuận tình ly hôn không phân biệt vợ chồng có thỏa thuận được các vấn đề còn lại trong vụ án hay không thì thì vợ, chồng sẽ chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

3. Về nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản và thẩm định giá tài sản trong vụ án ly hôn

Nếu như trong vụ án ly hôn thì BLTTDS năm 2015 có quy định cụ thể về nghĩa vụ chịu án phí của nguyên đơn (khoản 4 Điều 147), nghĩa vụ nộp chi phí xem xét thẩm định tại chỗ (khoản 3 Điều 157) nhưng nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản và thẩm định giá tài sản trong vụ án ly hôn thì không có quy định cụ thể nào tại BLTTDS năm 2015 hay ở văn bản khác.

Nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản và thẩm định giá tài sản trong các vụ án dân sự nói chung được quy định tại Điều 165 của BLTTDS năm 2015. Vấn đề đặt ra là nếu trong vụ án ly hôn mà vợ chồng có tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng (giả sử nguyên đơn là người yêu cầu chia tài sản) thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản và thẩm định giá tài sản được tính như thế nào. Có quan điểm cho rằng nguyên đơn là người phải chịu chi phí định giá tài sản và thẩm định giá tài sản; trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa chi phí định giá tài sản và thẩm định giá tài sản. Nhưng có quan điểm cho rằng phải áp dụng quy định tại khoản 2, khoản 6 Điều 165 của BLTTDS năm 2015 để xem xét nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản và thẩm định giá tài sản. Theo đó, vợ chồng được chia tài sản phải chịu phần chi phí định giá tài sản, thẩm định giá tài sản tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.

Từ những vướng mắc phát sinh trên thực tiễn nêu trên, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng quy định của pháp luật về tính án phí chia tài sản chung của vợ chồng và chi phí tố tụng (chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí định giá tài sản và chi phí thẩm định giá tài sản) được thống nhất.

Xem thêm>>>

Cha mẹ của bị cáo chưa thành niên không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm

Án phí chia tài sản chung của vợ chồng được tính như thế nào?

Những trường hợp ngoại lệ về án phí

Dương Tấn Thanh – TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh