Xét đặc xá: Không quy định điều kiện “phạm tội lần đầu”

Ngày đăng : 17:04, 28/11/2018

(Kiemsat.vn) - Đây là thay đổi đáng chú ý tại Luật Đặc xá (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 19/11 vừa qua.

Theo đánh giá của Chính phủ, dù đã đạt được một số kết quả tích cực, song trên 10 năm thi hành Luật Đặc xá, nhiều quy định của luật đã không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Luật Đặc xá sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng hơn diện đối tượng người có thể được đề nghị đặc xá so với quy định của Luật Đặc xá năm 2007 và diện người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, đồng thời thể hiện rõ tính đặc biệt trong việc hưởng ân huệ của người đứng đầu nhà nước đối với người phạm tội.

Luật Đặc xá (sửa đổi) đã đưa ra một số quy định mới, nhằm khắc phục những bất cập của Luật hiện hành. Cụ thể:

1. Về điều kiện được đề nghị đặc xá:

- Không quy định điều kiện “phạm tội lần đầu” như Bộ luật Hình sự 2015 (Điều 66 BLHS 2015 quy định một trong những điều kiện để tha tù trước thời hạn là “phạm tội lần đầu”).

- Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, Điều 299; người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV của Bộ luật Hình sự do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 248, 251, 252 của Bộ luật Hình sự vẫn có thể được đề nghị đặc xá nếu đáp ứng được điều kiện về thời hạn đã chấp hành án phạt tù.

- Đã chấp hành được ít nhất 1/2 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 15 năm đối với hình phạt tù chung thân (Luật hiện hành là 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất là 14 năm đối với hình phạt tù chung thân).

- Đối với người bị kết án phạt tù về bất kỳ tội gì (trong khi Luật hiện hành chỉ quy định đối với người bị kết án phạt tù về tội phạm tham nhũng hoặc một số tội khác do Chủ tịch nước quyết định) đều phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác; trừ trường hợp được Chủ tịch nước xem xét, quyết định đối với khoản tiền phạt bổ sung, án phí; có văn bản không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá. 

2. Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá

- Luật Đặc xá (sửa đổi) quy định: 

+ Tờ trình và dự thảo Quyết định về đặc xá phải được trình lên Chủ tịch nước chậm nhất là 60 ngày trước thời điểm đặc xá; 

+ Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước được công bố và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và được niêm yết tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, UBND cấp xã nơi người được đặc xá cư trú để bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường khả năng giám sát, giúp đỡ người được đặc xá nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội.

3. Đặc xá đối với phạm nhân là người nước ngoài

Đối với phạm nhân là người nước ngoài, Luật Đặc xá hiện hành (Điều 19) quy định: Khi có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đối với người nước ngoài, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân biết và đề nghị phối hợp thực hiện Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.

Luật Đặc xá (sửa đổi) bổ sung quy định tại Điều 19, cụ thể: “Khi có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đối với người nước ngoài, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân và đề nghị phối hợp thực hiện Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân nhưng các cơ quan này không đến nhận hoặc chưa đến nhận thì người nước ngoài được đặc xá được bố trí lưu trú tại cơ sở lưu trú do cơ quan quản lý thi hành án hình sự chỉ định trong thời gian chờ làm các thủ tục cần thiết” và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Ngoài ra, Luật Đặc xá (sửa đổi) đã bổ sung một số nội dung khác, như: Thu hẹp diện đối tượng không đề nghị đặc xá; bổ sung quy định về các tài liệu trong hồ sơ đề nghị đặc xá (có đơn xin miễn, giảm; văn bản thỏa thuận không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá; văn bản đồng ý tiếp nhận của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà ngừoi được đề nghị đặc xá là công dân); quy định về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá, thẩm định xét duyệt hồ sơ đề nghị đặc xá theo hướng cụ thể, chặt chẽ hơn;…

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.

Xem thêm>>>

Phân biệt đặc xá, đại xá và tha tù trước thời hạn có điều kiện

Phạm nhân phải chấp hành xong hình phạt tiền mới được xét đặc xá

Phạm Hằng (tổng hợp)