Quốc hội thông qua 5 Luật với tỷ lệ tán thành cao

Ngày đăng : 19:58, 19/11/2018

(Kiemsat.vn) - Chiều 19/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Các Luật đều được thông qua với tỷ lệ tán thành cao của các đại biểu.

Trách nhiệm của Tòa án trong công tác đặc xá

Luật Đặc xá quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá. Đối tượng gồm người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân và tổ chức trong nước, ngoài nước có liên quan đến hoạt động đặc xá.

Thời điểm đặc xá theo Luật quy định gồm: Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước; Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 Điều này.

Luật cũng quy định các điều kiện được đề nghị xét đặc xá và các trường hợp không được đề nghị đặc xá.

Quốc hội thông qua 5 Luật với tỷ lệ tán thành cao

Các ĐBQH bấm nút thông qua các Luật

Theo đó, các trường hợp không được xét đặc xá gồm: Bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước; tội phá rối an ninh; tội chống phá cơ sở giam giữ; tội khủng bố và một trong các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của BLHS;

Bản án, phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự; Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; Trước đó đã được đặc xá; Có từ 02 tiền án trở lên; Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.

Luật cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc xét đặc xá. Trong đó, Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm phối hợp với Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động đặc xá;

Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực lập danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá; tổ chức thực hiện Quyết định về đặc xá, Quyết định đặc xá quy định tại khoản 7 Điều 15, Điều 18, khoản 2 Điều 21, Điều 23 và khoản 1 Điều 24 của Luật này và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.

Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển

Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với lực lượng này; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong đó quy định nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, bao gồm: Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển; nghiên cứu, phân tích, dự báo, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh quốc gia trong vùng biển Việt Nam, bảo đảm trật tự, an toàn và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển;

Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển; Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển; Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển;…

Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.

Các hành vi nghiêm cấm trong chăn nuôi

Luật chăn nuôi: Luật này quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Trong đó đáng chủ ý là quy định về các chính sách của Nhà nước về chăn nuôi. Theo đó, Nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau đây: Thống kê, điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi, đánh giá tiềm năng và hoạt động chăn nuôi theo định kỳ 05 năm và hằng năm; xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi; dự báo thị trường, dự trữ sản phẩm chăn nuôi phù hợp với từng thời kỳ; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong chăn nuôi; Bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm và giống vật nuôi bản địa.

Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách, Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động chăn nuôi gồm:Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới tạo ra sản phẩm có tính đột phá trong chăn nuôi; nhập khẩu và nuôi giữ giống gốc.

Chiến lược phát triển chăn nuôi trên phạm vi cả nước được xây dựng theo chu kỳ 10 năm, định hướng 20 năm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi như: Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư, trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường; Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng; Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi;…

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2020.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giáo dục đại học và Luật Trồng trọt.

Mai Thoa/Báo Công lý