Nguy cơ tiềm ẩn sau hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường

Ngày đăng : 14:50, 17/11/2018

(Kiemsat.vn) - Hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường… là loại hình nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh nhiều loại tội phạm hình sự. Việc quản lý các loại hình dịch vụ này vẫn luôn khiến các cơ quan quản lý “đau đầu”.

Cứ kiểm tra là ra sai phạm

Nhiều năm gần đây, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện như vũ trường, karaoke… mọc lên như nấm. Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước có 17.321 cơ sở karaoke và 77 vũ trường.

Từ những dịch vụ này, nhiều loại tội phạm hình sự có thêm “đất” sống. Các hoạt động kinh doanh “biến tướng” với hình thức đối phó ngày càng tinh vi, phức tạp.

Nhiều quán karaoke, vũ trường chính là các “động lắc” trá hình. Có thể là một cuộc “lắc”, cũng có thể là “bãi đáp” cho dân chơi ma túy “bay”. Hay là màn múa thoát y và những cuộc hoan lạc được ngã giá… Ở đó, karaoke, vũ trường chỉ là cái cớ.

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại  một "động lắc" (Ảnh: Báo Giao thông)

Theo cổng thông tin của Ủy ban phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội, thời gian vừa qua, tại một số đô thị, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy (nhất là các loại ma túy tổng hợp) ở các cơ sở kinh doanh có điều kiện như vũ trường, quán karaoke, quán bar, nhà nghỉ… diễn ra rất phổ biến. Trong đó, phần lớn người vi phạm là thanh, thiếu niên.

Báo Công an nhân dân đưa tin, 03h sáng 1/11, Công an tỉnh Đắk Lắk khi kiểm tra quán karaoke Hoàng Phúc (đường Nguyễn Viết Xuân, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) đã phát hiện hơn 50 thanh niên nam, nữ đang bật nhạc lớn, nhảy múa điên cuồng và có biểu hiện phê ma túy. Tại các phòng này, lực lượng trinh sát đã thu giữ nhiều gói ma túy đá Ketamin, thuốc lắc, cỏ Mỹ cùng các dụng cụ phục vụ phục vụ việc sử dụng ma túy.

Vừa qua, Công an TP. Hà Nội cũng đã triệt phá ổ ma túy núp bóng quán karaoke tại ngoại thành Hà Nội. Rạng sáng 06/10/2018, tại quán karaoke “5 sao” (Khu đô thị Tân Tây Đô, xã Tân Lập, Đan Phượng) tổ công tác phát hiện hàng chục đối tượng đang đang say sưa “bay lắc” trong ánh đèn màu và âm thanh chát chúa, xung quanh là nhiều dụng cụ và viên ma túy tổng hợp.

Theo Vnexpress, báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM cho biết, trong đợt cao điểm tổng kiểm tra mới nhất, ngành chức năng thành phố đã làm việc với hơn 2.900 nhà hàng karaoke, vũ trường, quán bar. Nhiều nơi hoạt động đến 3h - 4h sáng, là chỗ các băng nhóm xã hội đen tụ tập. Lực lượng chức năng đã xử lý gần 1.400 cơ sở vi phạm, phạt hơn 17,5 tỷ đồng. 

“Các băng nhóm tội phạm có chiều hướng từ các tỉnh kéo về thành phố hoạt động kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như vũ trường, quán bar... Chúng núp bóng các doanh nghiệp để hoạt động cầm đồ, cấu kết các tội phạm khác để đòi nợ thuê, cho vay, tổ chức cờ bạc”, Trung tướng Lê Đông Phong, giám đốc Công an TP. HCM nhận định.

Nhiều vụ trọng án xảy ra tại vũ trường, karaoke suốt nhiều năm qua cho thấy nguy cơ phát sinh các loại hình tội phạm hình sự tại các điểm kinh doanh nhạy cảm này ngày càng báo động. Phần lớn các vụ việc có đông đối tượng, nhiều thành phần tham gia, sử dụng hung khí gây phức tạp về an ninh trật tự, bức xúc trong nhân dân.

“Dân chơi” ở một quán bar trên địa bàn TP HCM (Ảnh: Tiền phong )

Siết việc cấp giấy phép và hậu kiểm

Nhiều chuyên gia đánh giá, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý nhà nước về karaoke, vũ trường, quán bar là văn bản quy phạm pháp luật quy định các hoạt động này chưa đầy đủ. Các quy định về điều kiện kinh doanh chưa rõ ràng đã tạo ra hiện tượng lách luật.

Chiêu lách luật phổ biến nhất của các vũ trường, quán bar chui là “biến tướng” từ tụ điểm được phép kinh doanh cà phê, nhà hàng… Theo đó, người chủ của các vũ trường, quán bar, karaoke này đăng ký kinh doanh là quán cà phê, nhà hàng nhưng cố tình thiết kế giống như quán bar, vũ trường rồi trang bị máy nhạc, âm ly, loa thùng với công suất cực mạnh để hoạt động như quán bar, vũ trường thực thụ.

Cơ sở kinh doanh karaoke luôn tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh tệ nạn xã hội

Còn đối với các vũ trường, quán bar, quán karaoke hoạt động có giấy phép thì chủ cơ sở cũng tìm đủ mọi chiêu thức để qua mặt cơ quan chức năng. Chẳng hạn, họ sẽ tìm cách nắm bắt thông tin, thuê người túc trực trước cổng các cơ quan chức năng để quan sát mọi động tĩnh, mỗi khi có đoàn kiểm tra ra quân là đội ngũ xe ôm này sẽ bám theo thông báo ngay để đối phó. 

Cũng cần phải nói tới việc khi tổng kiểm tra, lực lượng chức năng thường đi khá đông người, tuy nhiên chỉ lập biên bản được các lỗi nhỏ như: hoạt động quá giờ quy định, sử dụng lao động không đăng ký, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý để khách sử dụng ma túy, lối thoát hiểm không đúng quy định phòng cháy chữa cháy…

Các chủ, quản lý quán bar, vũ trường vẫn “ung dung” vì biết rõ ràng những lỗi vi phạm hành chính như thế không thể đề xuất rút giấy phép kinh doanh vì các lỗi vi phạm ấy hoàn toàn không nằm trong các trường hợp bị rút giấy phép theo Luật Doanh nghiệp.

Trong khi đó, việc xử phạt hành chính từ vài triệu đến vài chục triệu đồng chẳng thấm vào đâu so với mức thu nhập mà hoạt động vũ trường, quán bar, quán karaoke mang lại. Đây chính là bất cập dẫn đến việc xử lý sai phạm tại vũ trường, quán bar, quán karaoke cũng giống như “đánh trống bỏ dùi”, làm cho có.

Cần tuyên chiến với các tệ nạn ở vũ trường, karaoke  (Ảnh: ANTĐ)

Để hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường trở nên lành mạnh, đúng nghĩa, chính quyền địa phương cần tập trung chấn chỉnh tình trạng các cơ sở karaoke, vũ trường, quán bar không đảm bảo các điều kiện kinh doanh; kinh doanh biến tướng, làm phát sinh tệ nạn xã hội, gây mất an ninh, trật tự. Đồng thời có kế hoạch phối hợp với công an, lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội để kiểm tra và xử lý nghiêm và triệt để các vi phạm.

Đặc biệt, lực lượng công an phải tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm sát sao tình hình tại các địa bàn trọng điểm. Qua đó xác lập các chuyên án, điều tra, phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây cung cấp ma túy, môi giới mại dâm; truy quét các băng nhóm, tội phạm ẩn náu tại các vũ trường, quán bar hay karaoke.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, giám sát để hoạt động kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường đi vào khuôn khổ, trở thành hoạt động giải trí lành mạnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch vụ kinh doanh vũ trường, karaoke, mới đây, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) đã lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Theo Dự thảo, ngoài các quy định bắt buộc về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, yêu cầu về cách âm, ánh sáng, thiết bị báo động và chỉ sử dụng các bài hát trong danh mục được phép phổ biến lưu hành, hình ảnh phù hợp thuần phong mỹ tục… thì các nhân viên phục vụ tại vũ trường, karaoke phải đảm bảo ăn mặc phù hợp, đeo thẻ có tên, ảnh rõ ràng.

Đặc biệt, Dự thảo Nghị định quy định quán karaoke không được hoạt động từ 2 - 8h sáng, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bản quyền tác giả, hợp đồng lao động, an toàn lao động, bảo hiểm, phòng chống tệ nạn xã hội và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Với dịch vụ kinh doanh vũ trường, Dự thảo nêu rõ không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi. Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường cũng phải ký hợp đồng lao động với người lao động theo quy định...

Xem thêm>>>

VKSND Tp. Vinh phê chuẩn khởi tố 2 đối tượng trong vụ xả súng tại quán Karaoke

Chủ tịch Hà Nội: Có thể dừng hoạt động karaoke đến hết 2016

Cẩm Thi (tổng hợp)