Hướng dẫn viết kháng nghị trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự

Ngày đăng : 16:09, 31/10/2018

(Kiemsat.vn) - Kháng nghị được soạn thảo theo các mẫu số 58, 59, 60, 61, ban hành kèm theo Quyết định số 39/QĐ-VKSTC ngày 26/01/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao, tùy theo từng loại vi phạm trong công tác tạm giữ, tạm giam hoặc thi hành án hình sự.

Khi xác định vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thực hiện việc kháng nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền khắc phục, xử lý vi phạm, bảo đảm việc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự được thực hiện nghiêm chỉnh, thống nhất, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, qua đó, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. 


Tại khoản 1 Điều 107 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Trên cơ sở Hiến định, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2010 quy định một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của VKSND, đó là, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và THAHS nhằm bảo đảm việc tuân theo pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và THAHS. 

Quy chế kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao, sau đây gọi tắt là Quy chế số 501) đã quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện, mẫu kháng nghị trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và THAHS. 

Xác định những vi phạm pháp luật làm căn cứ kháng nghị

Khoản 1 Điều 5 Luật  tổ chức VKSND năm 2014 quy định: “Trường hợp hành vi, bản án, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì VKSND phải kháng nghị. Cơ quan, người có thẩm quyền phải giải quyết kháng nghị của VKSND theo quy định của pháp luật”.

Điểm d khoản 1 Điều 42 và Điều 43 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và khoản 6 Điều 141 Luật THAHS năm 2010 quy định về thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và THAHS. Theo đó, Viện kiểm sát kháng nghị yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam, THAHS đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và THAHS, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật.

Điều 42 Quy chế số 501 quy định về việc kháng nghị như sau:

“1. Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị đối với quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 3 Quy chế này khi có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân để yêu cầu chấm dứt, khắc phục và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và Điều 37 Quy chế này. Thẩm quyền kháng nghị được thực hiện như sau:
a) Viện kiểm sát kháng nghị hành vi, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền của cơ quan cùng cấp và cấp dưới trong việc tạm giữ, tạm giam;
b) Viện kiểm sát kháng nghị hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan Thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới; của cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự và cá nhân có liên quan trong việc thi hành án hình sự.

2. Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm những quyết định sau đây của Tòa án cùng cấp và cấp dưới: Quyết định miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyết định hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo; quyết định rút ngắn thời gian thử thách của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; quyết định giảm thời hạn, miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại...”.

Như vậy, kháng nghị được thực hiện khi phát hiện có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quyết định hoặc hành vi trái pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và THAHS. Do vậy, Kiểm sát viên phải thông qua các phương thức kiểm sát để phát hiện, xác định các vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và THAHS làm căn cứ kháng nghị.

Khi phát hiện vi phạm, Kiểm sát viên viện dẫn các căn cứ pháp lý, như các quy định trong Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật THAHS, Nghị định của Chính phủ, Thông tư liên tịch của các cơ quan có thẩm quyền mà các quyết định, hành vi đã vi phạm; phân loại vi phạm theo từng nhóm để phân tích, đánh giá, ví dụ: Nhóm sai phạm trong chế độ tạm giữ, tạm giam, liệt kê ra những sai phạm trong chế độ ăn, chế độ ở, mặc và tư trang…; nhóm sai phạm trong lĩnh vực thực hiện các quy định về miễn, giảm hình phạt; nhóm sai phạm về thủ tục pháp lý;  nhóm sai phạm về phân loại phạm nhân... Những căn cứ và sai phạm cần cụ thể, chính xác, có số liệu, tài liệu chứng minh, có khả năng thực hiện nhằm khắc phục, loại bỏ, xử lý người vi phạm. 

Trong thực tiễn công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và THAHS có những trường hợp kháng nghị không thực hiện được, chủ yếu do Viện kiểm sát ban hành nhưng không viện dẫn được căn cứ chính xác hoặc vi phạm đưa ra không cụ thể, chung chung. Cũng có trường hợp sau khi ban hành kháng nghị thì thiếu văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục hoặc thẩm quyền thực hiện kháng nghị. Ví dụ: Bản án hình sự sơ thẩm số 15 ngày… tháng… năm 2016 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh M xử phạt các bị cáo Nguyễn Văn B, Nguyễn Văn C với mức án 2 năm tù về Tội trộm cắp tài sản. Bị cáo B kháng cáo đề nghị xét xử phúc thẩm, bị cáo C không kháng cáo. Hết thời hạn kháng cáo, phần bản án liên quan đến bị cáo C có hiệu lực pháp luật, do vậy, Tòa án huyện A đã ra quyết định thi hành án phạt tù đối với C. Trong thời gian C chấp hành án phạt tù tại trại giam thì Tòa phúc thẩm tỉnh M xét xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm số 15 để xét xử lại. Căn cứ vào bản án của Tòa phúc thẩm, VKSND huyện A đã kháng nghị quyết định thi hành án phạt tù đối với C, yêu cầu Tòa án huyện A ra quyết định hủy quyết định thi hành án phạt tù trên. Tuy nhiên, Tòa án huyện A không thực hiện với lý do khi Tòa án ra quyết định thi hành án thì phần bản án đối với C có hiệu lực pháp luật, Tòa án không vi phạm nên không có căn cứ để ra quyết định hủy.

Ảnh minh họa 

Hướng dẫn viết kháng nghị 

Kháng nghị được soạn thảo theo các mẫu số 58, 59, 60, 61, ban hành kèm theo Quyết định số 39/QĐ-VKSTC ngày 26/01/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao, tùy theo từng loại vi phạm trong công tác tạm giữ, tạm giam hoặc THAHS. Sau đây là kỹ năng của Kiểm sát viên soạn thảo kháng nghị đối với quyết định, hành vi vi phạm trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù (theo mẫu số 58/TH) trên cơ sở kết luận của cuộc kiểm sát trực tiếp.

Mở đầu bản kháng nghị, ngoài phần ghi tên nước, tên Viện kiểm sát ban hành, số thứ tự, ngày, tháng, năm ban hành theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phải có tiêu đề (ví dụ: KHÁNG NGHỊ quyết định vi phạm pháp luật trong việc thi hành án phạt tù), căn cứ pháp lý trong việc ban hành kháng nghị và nơi ban hành. Sau tiêu đề ghi giữa dòng: VIỆN TRƯỞNG Viện kiểm sát… (nơi ban hành Kháng nghị). Tiếp theo nêu căn cứ Kháng nghị theo các điều 5, 22, 23, 25 và 26 Luật  tổ chức VKSND năm 2014; khoản 2 Điều 42 và Điều 43 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015; khoản 6 Điều 141 và Điều 143 Luật THAHS năm 2010.

Kiểm sát viên nêu số, ngày, tháng, năm của Kết luận kiểm sát trực tiếp của Viện kiểm sát, tên cơ sở giam, giữ đã bị kiểm sát, nêu rõ các vi phạm trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù, vi phạm vào điểm, khoản, Điều nào của văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ: “1. Quyết định số 02/QĐ ngày… tháng… năm 2018 của ông Nguyễn Văn B, Giám thị trại giam, kỷ luật phạm nhân Trần Thị C bằng hình thức kỷ luật 10 ngày tại buồng kỷ luật và cùm một chân đã vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật THAHS năm 2010; 2. Việc thực hiện chế độ ăn của phạm nhân không đủ về định lượng, cụ thể: Một phạm nhân trong tháng 11 năm 2018 chỉ được ăn 15 kg gạo đã vi phạm nghiêm trọng chế độ ăn của phạm nhân, được quy định tại Điều 42  Luật THAHS năm 2010, khoản 1 Điều 8 Nghị định số 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân”.

Câu chuyển tiếp đến phần kháng nghị: “Để việc thi hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật”.

Nội dung kháng nghị nêu yêu cầu Thủ trưởng cơ sở giam, giữ hoặc thi hành án phạt tù tổ chức thực hiện các nội dung như: Chấm dứt, khắc phục vi phạm pháp luật; xử lý người vi phạm pháp luật; áp dụng biện pháp phòng ngừa (nếu có); trả lời cho Viện kiểm sát bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kháng nghị. 

Phần cuối kháng nghị, Kiểm sát viên ghi rõ nơi nhận: Tên đơn vị, người có thẩm quyền bị kháng nghị (để thực hiện); Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp (để báo cáo); cơ quan quản lý đơn vị bị kháng nghị (để chỉ đạo); thành viên Đoàn kiểm sát; Lưu: VT, hồ sơ kiểm sát. Bản kháng nghị do Viện trưởng Viện kiểm sát ban hành nên phần người ký ghi rõ Viện trưởng. Kháng nghị do Viện trưởng hoặc những người được ủy quyền ký, đóng dấu./.

Xem thêm >>>

Vướng mắc trong thi hành án hình sự khi bản án sơ thẩm bị hủy 

Tháo gỡ vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự
 

Mai Đắc Biên - Vũ Đức Hạnh, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội