Áp dụng tình tiết “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” thế nào cho đúng?

Ngày đăng : 15:14, 12/10/2018

(Kiemsat.vn) - Đối với trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi xúi giục người dưới 18 tuổi khác phạm tội còn có quan điểm khác nhau về việc có áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hay không?

Thực tiễn truy tố, xét xử trong gần một thập niên qua cho thấy, có nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người chưa thành niên phạm tội” quy định tại điểm n khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999 (nay là tình tiết “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015) đối với trường hợp bị cáo là người dưới 18 tuổi xúi giục người dưới 18 tuổi khác phạm tội; do đó, dẫn đến việc áp dụng không thống nhất tình tiết tăng nặng này.

Quan điểm thứ nhất, dẫn chứng theo Công văn giải đáp số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 của TAND tối cao với lập luận: Tuy chỉ là một công văn, nhưng phải được coi là quan điểm chính thống của ngành Tòa án mà các Tòa án địa phương phải tuân theo. Mặt khác, tuy công văn này hướng dẫn các quy định của BLHS năm 1985, nhưng đó là hướng dẫn mang tính đường lối. Tình tiết tăng nặng "Xúi giục người chưa thành niên phạm tội" tại Điều 39 BLHS năm 1985 được đưa vào Điều 48 BLHS năm 1999 và Điều 52 BLHS năm 2015 (chỉ thay đổi thuật ngữ “người chưa thành niên” thành “người dưới 18 tuổi”). 

Theo đó, Điều 90 BLHS năm 2015 quy định: "Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này". Trong Chương XII BLHS "Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội" không có quy định nào loại trừ việc áp dụng các tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS nói chung và tình tiết "xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội" quy định tại điểm o khoản 1 Điều này nói riêng. Tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS chỉ quy định “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội, chứ cũng không quy định người xúi giục phải là người đã đủ 18 tuổi. Vì vậy, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội mà có hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi khác phạm tội, thì khi xét xử Toà án phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội" quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS.

Ảnh minh họa (Internet)

Quan điểm thứ hai cho rằng không được áp dụng tình tiết “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi. Bởi các lẽ sau:

Thứ nhất, xuất phát từ nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo quy định tại Điều 90 năm BLHS “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”. Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 91 BLHS quy định “1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm”.

Theo các quy định trên, thì việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là trái nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; không phù hợp với khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi. Vì vậy mà không đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi phạm tội.

Măt khác, tại khoản 3 Điều 416 BLTTHS năm 2015 quy định những vấn đề cần xác định khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi:… “3. Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục”. Như vậy, theo nội hàm quy định này, pháp luật tố tụng hình sự chỉ buộc các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải chứng minh “có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục” chứ không yêu cầu chứng minh “có hay không có người dưới 18 tuổi xúi giục”. Theo đó, quy định này mặc nhiên thừa nhận việc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ tồn tại đối với người đã đủ 18 tuổi. Nếu người dưới 18 tuổi có hành vi “xúi giục” người dưới 18 tuổi khác phạm tội thì chỉ chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm, chứ không bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”. Nói cách khác, không thể áp dụng tình tiết tăng nặng này vào trường hợp cụ thể như: Một người vừa đủ 14 tuổi (A) rủ rê, lôi kéo một người 17 tuổi 11 tháng 29 ngày (B) thực hiện hành vi “giết người”, thì A sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”?

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Bởi vì, quan điểm này là sự nghiên cứu có hệ thống, xâu chuỗi một cách logic giữa các quy định của pháp luật đã viện dẫn (Điều 90, 91 BLHS năm 2015; Điều 416 BLTTHS năm 2015). Do đó, tình tiết này quy định như vậy là đã rõ, cụ thể, không cần phải có hướng dẫn nữa.

Xem thêm >>>

Cần thống nhất cách hiểu thời điểm xác định "người dưới 18 tuổi bị kết án"

Áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Đỗ Tấn Phước - Trưởng Phòng 1, VKSND tỉnh Bình Định