Cần xác định giá trị tài sản bị trộm cắp theo giá trị chứng minh được

Ngày đăng : 09:57, 03/10/2018

(Kiemsat.vn) - Trong trường hợp có sự khai báo khác nhau giữa bị hại và bị can về giá trị tài sản trộm cắp thì Cơ quan điều tra có thể chứng minh được đến mức độ nào thì chỉ nên xử lý trách nhiệm của T đến mức đó.

Qua nghiên cứu bài viết: Bị hại có nghĩa vụ chứng minh giá trị tài sản bị trộm? của tác giả Dương Thanh, đăng trên kiemsat.vn ngày 02/10/2018, tôi có một số ý kiến cùng trao đổi như sau:

Ảnh minh họa

Theo nguyên tắc xác định sự thật của vụ án được quy định tại Điều 15 BLTTHS, thì:

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Trong trường hợp này, cơ quan điều tra không đủ cơ sở chứng minh được T đã trộm tiền và vàng của ông B với số lượng, giá trị như lời ông B khai báo. Do vậy, không thể căn cứ theo lời khai báo từ một phía của ông B (vì rất có thể xảy ra trường hợp ông B bị nhầm lẫn, không nhớ rõ về tài sản bị trộm của mình…v.v.) để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với T theo khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015.

Nói cách khác, cơ quan điều tra có thể chứng minh được đến mức độ nào thì chỉ nên xử lý trách nhiệm của T đến mức đó. Vì vậy, có thể trong một vài trường hợp không thể đảm bảo tính khách quan một cách tuyệt đối, do người lấy trộm tài sản có thể lấy trộm nhiều hơn số lượng, giá trị khai báo. Nhưng trong những trường hợp đó, vẫn phải chấp nhận, khả năng thiệt thòi sẽ nghiêng về phía người bị mất trộm vì không có đầy đủ cơ sở để chứng minh nếu chỉ đơn thuần dựa theo nội dung khai báo từ một phía.

Thiết nghĩ, trong trường hợp này chỉ nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với T theo khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015.

Xem thêm>>>

Trộm cắp tài sản - mối lo từ người giúp việc

Chiếc áo quên tại hiện trường “tố” kẻ nhiều lần trộm cắp

Tiêu thụ tài sản trộm cắp của người dưới 16 tuổi có phạm tội không?

Trương Thế Nguyễn - Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng