Thảo luận về công tác của cơ quan tư pháp; Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật

Ngày đăng : 07:19, 16/09/2018

(Kiemsat.vn) - Ngày 14-9, tại Nhà Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Tại phiên họp, Ủy ban TVQH đã nghe trình bày báo cáo công tác (tóm tắt) về công tác của các tòa án tại kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIV; báo cáo tóm tắt công tác của Viện trưởng KSND tối cao tại kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIV; báo cáo tóm tắt báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; báo cáo tóm tắt báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo về công tác thi hành án. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về các báo cáo nêu trên.

Trình bày Báo cáo tóm tắt về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, năm 2018, lực lượng Công an đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp liên quan đến gây rối, khủng bố, phá hoại. Lực lượng công an đã triển khai quyết liệt các kế hoạch, biện pháp, tổ chức các đợt cao điểm tiến công trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc. Tập trung đấu tranh mạnh với các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự, không để hình thành các băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", tăng cường đấu tranh với tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em, tội phạm chống người thi hành công vụ... Qua đấu tranh, làm giảm 4,03% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 80,37% (vượt chỉ tiêu QH giao), triệt phá nhiều băng, ổ nhóm tội phạm, khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đạt được những kết quả rõ nét, được coi là điểm sáng trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.

Trình bày Báo cáo của Chánh án TAND tối cao về công tác của tòa án năm 2018, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du cho biết, năm 2018, lãnh đạo TAND tối cao đã chỉ đạo tòa án các cấp thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, trong đó tập trung làm tốt công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả, chất lượng xét xử được bảo đảm, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án là 1,08%, đáp ứng yêu cầu QH đề ra. Về thực hiện nghị quyết của QH về hoạt động của các tòa án, Phó Chánh án TAND tối cao cho biết, về cơ bản, các tòa án đã đáp ứng các yêu cầu, chỉ tiêu các Nghị quyết của QH đề ra.

Trình bày báo cáo thẩm tra về công tác của ngành tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2018, công tác xét xử của tòa án tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan. Một số trường hợp tòa án tuyên mức án chưa tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội. Ðối với công tác giải quyết các vụ, việc dân sự, chất lượng công tác này còn một số hạn chế. Báo cáo thẩm tra nêu rõ, cũng như những năm trước, mặc dù số lượng các vụ án hành chính phải giải quyết không nhiều so với các loại án khác (bằng 1,98% tổng số các loại án) nhưng tỷ lệ xét xử còn thấp (chỉ đạt 44,6%). Qua giám sát cho thấy, một số thẩm phán còn nể nang, ngại va chạm với chính quyền địa phương trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Một số tòa án còn có sai sót trong việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật, chưa thực hiện đúng một số quy định về thời hạn tố tụng...

Báo cáo công tác của VKSND tối cao cho biết, chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết án hình sự tiếp tục được nâng lên, đạt và vượt các chỉ tiêu theo yêu cầu của QH. Cụ thể: kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố. Kết quả giải quyết vụ án tham nhũng, kinh tế chuyển biến tích cực, số vụ án được phát hiện, khởi tố tiếp tục tăng, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, việc xử lý nghiêm minh, triệt để... Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề cập số vụ án tòa án trả hồ sơ cho viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung nhiều gấp gần hai lần số vụ viện kiểm sát trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, cho thấy chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát đối với một số vụ án còn chưa đáp ứng yêu cầu. Ðề nghị Viện trưởng KSND tối cao chỉ đạo tổng kết, rút kinh nghiệm từ các vụ án này để tăng cường chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, bảo đảm việc giải quyết vụ án kịp thời, chính xác.

Ngoài ra, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng đề cập Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; về công tác thi hành án; công tác thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và công tác tổ chức, cán bộ. Qua thẩm tra các báo cáo, Ủy ban Tư pháp đã có 11 kiến nghị đối với Chính phủ, năm kiến nghị với Viện trưởng KSND tối cao và năm kiến nghị đối với Chánh án TAND tối cao. Ðề nghị Chính phủ, Viện trưởng KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao báo cáo QH về kết quả thực hiện các kiến nghị này tại kỳ họp thứ tám (tháng 10-2019).

Tại phiên họp, nhiều đại biểu quan tâm thảo luận nội dung Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, cho rằng công tác này đã có chuyển biến tích cực nhưng sự đồng bộ và tinh thần đấu tranh PCTN của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố cần được quan tâm hơn. Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN đã đánh giá ở T.Ư có chuyển biến tốt và mạnh, nhưng ở địa phương chưa thật sự chuyển động. Thời gian tới, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhằm PCTN. Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán toàn diện việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công là đất đai, nhà tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ðáng chú ý, kiên quyết loại bỏ những cán bộ tham nhũng ra khỏi bộ máy của Ðảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan PCTN, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm...

Theo Quốc hội