Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Địa phương không được giao tự chấm thi

Ngày đăng : 14:07, 14/09/2018

(Kiemsat.vn) - Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ được cải tiến ở phương thức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan của kết quả bài thi. Giáo viên và giảng viên đại học không coi thi, chấm thi ở địa phương mình để đảm bảo tính khách quan.

Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra” được tổ chức ngày 13/9.

Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin, thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhận định, tuy còn những bất cập năm 2018 nhưng có thể khẳng định, thành công đổi mới thi là tìm ra phương án thi THPT quốc gia phù hợp, giảm áp lực xã hội nhưng vẫn có độ tin cậy nhất định để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh như hiện nay.

Phương án thi này cũng đã được Chính phủ đồng ý giữ ổn định cho đến năm 2020, những năm tiếp theo trên tinh thần kế thừa kết quả phương án thi các năm trước và khắc phục tồn tại năm nay.

Dưới góc nhìn của cơ quan xây dựng chính sách, cơ quan giám sát thực thi luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng, việc khắc phục các sự cố giúp cho chất lượng kỳ thi tốt hơn thuộc vấn đề kỹ thuật, triển khai. Bộ GD&ĐT nên quan tâm yếu tố kỹ thuật. Bản thân Luật Giáo dục cũng không quy định rõ, Nghị quyết 88/2014/QH13 cũng chỉ nêu mục tiêu.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chia sẻ tại buổi tọa đàm (Ảnh: Báo Lao động)

Theo ghi nhận của báo Lao động, xung quanh những giải pháp cơ bản nhằm đảm bảo chất lượng tuyển sinh, ông Độ cho biết, Bộ GD&ĐT đã có những nội dung điều chỉnh để nâng cao chất lượng kỳ thi như: bổ sung nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi theo hướng phong phú hơn, chất lượng, chuẩn hóa, bảo đảm có dữ liệu, cơ sở để ra kỳ thi phù hợp, đạt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện quy chế, khắc phục những điểm hạn chế về kỹ thuật, làm sao tạo rào cản kỹ thuật chặt chẽ, không có sơ hở, có cơ chế kiểm soát, để cho những người có nghề về công nghệ thông tin, nếu có ý gian lận cũng khó thực hiện.

Ngoài ra, Bộ sẽ đặc biệt chú trọng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát.

Đặc biệt, thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: “Chấm thi cũng có sự điều chỉnh, làm sao để giáo viên không chấm thi học sinh của tỉnh mình, giảng viên đại học địa phương cũng vậy, không coi thi, chấm thi ở địa phương mình, để đảm bảo khách quan. Trong công tác phối hợp với địa phương, phối hợp chặt chẽ giữa ban chỉ đạo trung ương và địa phương để chỉ đạo kỳ thi”, dẫn theo Báo Kinh tế và đô thị.

Hiện nay, Luật Giáo dục sửa đổi đang được xem xét cho ý kiến trong kỳ họp Quốc hội tới. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, quan điểm sửa luật là nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Đảng vào trong Luật, nhất là Nghị quyết 29 Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; cụ thể hóa Hiến pháp 2013 liên quan tới phát triển giáo dục đào tạo, trong đó có những chủ trương lớn, đặc biệt là việc thực hiện giáo dục bắt buộc tiểu học hay Nghị quyết 29 TW hướng tới năm 2020 có thể thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ: “Do việc sửa đổi khá toàn diện, nên tôi mong muốn cử tri cả nước và Đại biểu Quốc hội quan tâm đóng góp nhiều ý kiến. Bộ GD& ĐT cầu thị tiếp thu các ý kiến để chỉnh sửa Luật Giáo dục cho hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam thông tin.

Xem thêm>>>

Để địa phương tự rà soát điểm thi THPT Quốc gia 2018: Liệu có khách quan?

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Mở rộng kiểm tra, xác minh kết quả thi tại Lạng Sơn, Sơn La

Cẩm Thi (tổng hợp)