Chánh án có quyền áp dụng biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền... không?

Ngày đăng : 15:43, 01/08/2018

(Kiemsat.vn) - Ngoài biện pháp ngăn chặn tạm giam, Chánh án, Phó Chánh án có thẩm quyền áp dụng biện pháp Bảo lĩnh, Đặt tiền để bảo đảm; Cấm đi khỏi nơi cư trú; Tạm hoãn xuất cảnh hay không vẫn còn có ý kiến chưa thống nhất.

Biện pháp ngăn chặn là công cụ hữu hiệu trong đấu tranh phòng chống tội phạm được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, được áp dụng để ngăn chặn tội phạm, hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về các biện pháp ngăn chặn khá cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp Bảo lĩnh (Điều 121), Đặt tiền để bảo đảm (Điều 122); Cấm đi khỏi nơi cư trú (Điều 123); Tạm hoãn xuất cảnh (Điều 124) vẫn còn những bất cập phát sinh từ thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật trong giai đoạn xét xử.

Nguyên nhân của những bất cập xuất phát từ quy định dẫn chiếu xác định thẩm quyền của các điều luật trên khẳng định: “Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật Tố tụng hình sự là người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp này”.

Khoản 1 Điều 113 BLTTHS năm 2015 quy định về thẩm quyền bắt bị can, bị cáo để tạm giam, theo đó Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án các cấp đều có thẩm quyền quy định tại điều này.

Tuy nhiên, quy định về thẩm quyền của Chánh án, Phó Chánh án tại điểm a khoản 2 Điều 44 BLTTHS năm 2015 như sau: “Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, xử lý vật chứng”. Như vậy, ngoài biện pháp ngăn chặn tạm giam, luật không quy định Chánh án, Phó Chánh án có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác.

Ảnh minh họa

Từ những quy định trên dẫn đến việc áp dụng quy định này có những cách hiểu khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Quy định “những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của BLTTHS là người có thẩm quyền áp dụng biện pháp này”, thì Chánh án là người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn tại các Điều 121, 122, 123, 124 và sau khi thụ lý hồ sơ, trường hợp Chánh án là chủ tọa phiên tòa hoặc chưa phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thì thẩm quyền này đương nhiên phải do Chánh án quyết định.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Chánh án không có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn tại các Điều 121, 122, 123, 124 vì theo điểm a khoản 2 Điều 44 BLTTHS chỉ quy định Chánh án có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam. Mặt khác quy định tại khoản 1 Điều 278 về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế xác định “Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định”.

Những người theo quan điểm này cho rằng, trường hợp Chánh án là chủ tọa phiên tòa thì áp dụng các biện pháp ngăn chặn trên với tư cách là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Với hai quan điểm trên có thể nhận thấy, quan điểm thứ nhất căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 113 xác định Chánh án là người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn nêu trên là cũng có cơ sở. Tuy nhiên, quy định của BLTTHS hiện hành tại Điều 36 về thẩm quyền của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; Điều 41 về thẩm quyền của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát xác định những người này có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Còn quy định tại Điều 44 thì Chánh án, Phó Chánh án chỉ có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác được quy định thuộc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định (Điều 45 BLTTHS 2015). Chính vì vậy, dẫn đến có nhiều cách hiểu cũng như việc áp dụng không thống nhất dẫn đến sai sót khi áp dụng quy định này.

Từ những bất cập trên, để việc áp dụng các biện pháp ngăn chăn nêu trên được thống nhất, thuận tiện, thiết nghĩ các ngành chức năng cần có văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định tại các điều luật nêu trên.

Xem thêm>>>

Một người có thể bị áp dụng hai biện pháp ngăn chặn?

Biện pháp ngăn chặn phải được hủy bỏ trong những trường hợp nào?

Có thể áp dụng 05 biện pháp ngăn chặn cho việc xem xét yêu cầu dẫn độ   

Nguyễn Thành Giang - TAQS khu vực 2 Hải quân