Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội và thách thức cho hàng Việt

Ngày đăng : 14:38, 11/07/2018

(Kiemsat.vn) - Những biện pháp bảo hộ, trả đũa qua lại nhau giữa các nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo những chiều hướng rất khác nhau về lâu dài.

Nguy cơ “chịu trận” vì hàng TQ mượn xuất xứ

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không chỉ đơn thuần là cuộc chiến về mặt kinh tế mà còn là cạnh tranh quyền lực, là cuộc chiến về bản quyền, công nghệ, chính sách tiền tệ... giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhiều mặt hàng tiêu dùng, nông nghiệp... Trung Quốc có thể tăng xuất khẩu sang VN sau cuộc chiến thương mại với Mỹ (Ảnh: Tuổi trẻ)

Thực tế khách quan cho thấy, khi các mặt hàng của Trung Quốc xuất sang Mỹ bị đánh thuế cao, sức cạnh tranh và lợi nhuận giảm sút, họ sẽ tìm tới các thị trường tiêu thụ khác. 

Báo Chính phủ đưa tin, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đề cập đến nguy cơ các sản phẩm Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa Việt Nam. Từ trước đến nay, qua chính ngạch, tiểu ngạch đến buôn lậu, hàng Trung Quốc đã tràn ngập thị trường Việt Nam. Vì vậy, trong bối cảnh này, việc hàng Trung Quốc "tấn công" sang Việt Nam là khó tránh khỏi. Cùng với đó, do chiến tranh thương mại nên nhu cầu tại thị trường Trung Quốc suy giảm, hàng giá rẻ của họ sẽ tiếp tục tuồn xuống Việt Nam. Do không thể cạnh tranh về giá cả, hàng Việt Nam sẽ chịu sức ép rất lớn. Các ngành hàng gặp khó khăn đầu tiên là nông sản, thép, kim loại, điện tử, dệt may...

“Chúng ta đã áp dụng thuế tự vệ với thép, phân bón nhưng dệt may, đồ gỗ, da giày. Nếu những sản phẩm này của Trung Quốc được đẩy mạnh xuất sang Việt Nam, liệu chúng ta có dễ dàng ngăn chặn không?", vị tư lệnh ngành công thương cho biết.

Không chỉ dừng lại ở việc cạnh tranh với hàng Việt, hàng Trung Quốc còn có khả năng mượn xuất xứ Việt để xuất sang Mỹ nhằm né mức thuế cao.

Nếu điều này xảy ra, uy tín hàng Việt bị ảnh hưởng nghiêm trọng và Mỹ sẽ có những biện pháp với hàng Việt.

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, thép Trung Quốc có thể khiến ngành thép Việt Nam vạ lây nếu sẽ tìm cách lấy xuất xứ “made in Việt Nam”. Khi đó không chỉ bị Mỹ đánh thuế chống bán phá giá mà nguy cơ sản phẩm thép Việt Nam bị tạm ngưng xuất khẩu sang thị trường này rất cao, Pháp luật TP.HCM đưa tin.

Cơ hội nào cho hàng Việt?

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và thị trường Mỹ. (Ảnh: VOV)

Tuy nhiên, trong thách thức luôn có cơ hội. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích: “Đây là cơ hội cho không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, mua được nguyên - nhiên vật liệu, linh kiện, chi tiết phụ tùng rẻ, qua đó tăng sức cạnh tranh xuất khẩu, có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào Mỹ để thay thế phần nào hàng hóa Trung Quốc”.

Về lĩnh vực thực phẩm, việc Trung Quốc ra quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với mặt hàng thịt lợn nhập từ Mỹ khiến thịt lợn Mỹ phải đối mặt mức thuế nhập khẩu lên đến 71% (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mỗi năm Trung Quốc cần nhập khẩu hơn 2 triệu tấn thịt lợn và chắc chắn không thể bỏ qua thị trường Việt Nam. Việt Nam cần phải đẩy mạnh đi tới ký kết hiệp định thú y với Trung Quốc, chỉ khi đạt được thỏa thuận này sản phẩm chăn nuôi của chúng ta mới được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường đông dân nhất thế giới.

Đây cũng là cơ hội cho dệt may Việt Nam. Theo ông Phạm Xuân Hồng- chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, các đơn hàng dệt may của nước ngoài mà trước đây đặt ở Trung Quốc  sẽ chuyển sang Việt Nam nhiều hơn.

Căng thẳng giữa hai quốc gia trên còn là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm đầu tư từ Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam rất cần nguồn vốn đầu tư từ Mỹ vì đây là quốc gia có nguồn tài chính tốt, công nghệ hiện đại.

Đây là thời điểm “vàng” để các doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu vào Mỹ để thay thế phần nào hàng hóa của Trung Quốc bị hạn chế vào thị trường này, đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam đón dòng chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài.

Việt Nam cần làm gì?

Mỹ và Trung Quốc chính thức bước vào "cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế", VN cần có ngay biện pháp ứng phó  (Ảnh: internet).

Trước những bất lợi "nhãn tiền", Việt Nam cần có biện pháp ứng phó.

Đề cập đến khả năng hàng Trung Quốc tràn vào nội địa Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Chúng ta cần đặt ra vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề này. Không chỉ là Bộ Công Thương, mà còn là cơ quan Thuế, Hải quan, doanh nghiệp, người tiêu dùng... Cần xem lại luật cạnh tranh, quản lý ngoại thương, cam kết thương mại để có biện pháp tự vệ”, dẫn theo Kinh tế đô thị. Cần tăng cường kiểm soát các con đường mà hàng Trung Quốc có thể vận chuyển vào Việt Nam, chặn cho được buôn lậu.

Với nguy cơ hàng Trung Quốc sẽ tìm cách "núp danh" thương hiệu "made in Vietnam" để xuất sang Mỹ, “các doanh nghiệp, ngành hàng cần đẩy mạnh phối hợp với Nhà nước để chú trọng quan tâm xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng Việt Nam thông qua hệ thống chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Trong đó, với những ngành hàng có lợi thế xuất khẩu như dệt may, da giày... cần đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp hỗ trợ trong nước, tránh lệ thuộc Trung Quốc”, ông Phạm Tất Thắng (Viện nghiên cứu thương mại - Bộ Công thương) chia sẻ trên Tuổi trẻ.

Ngoài ra, trong bối cảnh bất ổn thương mại như hiện nay, Việt Nam phải tận dụng tốt nhất cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần định hướng nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, trong đó tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu. “Chúng ta cần có biện pháp cả về nghiên cứu thị trường, tổ chức trong triển khai thực hiện. Cần đánh giá được tầm vóc của nguy cơ đó và đưa ra đề xuất. Cũng cần làm tốt thông tin thị trường, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, tăng cường kiến tạo cho doanh nghiệp trong giai đoạn tới”, dẫn theo Dân trí.

Ngày 6/7/2018, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc chính thức bước vào cuộc chiến thương mại khi quyết định của Mỹ tăng thuế lên 25% đối với hơn 800 mặt hàng với tổng trị giá 34 tỷ USD nhập từ Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực.

Trung Quốc gọi đây là cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế từ trước tới nay, và tuyên bố sẽ cũng đáp trả lại Mỹ với tổng giá trị hàng hóa tương đương, đồng thời sẽ kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo thông tin của Báo chính phủ, tại hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình sáu tháng đầu năm của Bộ Công Thương ngày 9-7, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đã báo cáo Thủ tướng về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và yêu cầu các đơn vị của Bộ khẩn trương đề xuất giải pháp ứng phó.

Bộ trưởng cho rằng việc Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc có thể dẫn tới nguy cơ các sản phẩm nước này gồm cả các mặt hàng chưa phòng vệ thương mại như da giày, dệt may, đồ gỗ... tràn vào Việt Nam. Do đó Việt Nam cần có đánh giá kỹ những tác động từ nhiều chiều để nhìn nhận rõ cơ hội, thách thức.

Xem thêm >>>

 Mỹ cảnh báo Trung Quốc có thể hứng trừng phạt mới vì Triều Tiên

Cẩm Thi (tổng hợp)