Báo động chiêu trò mạo danh công an, lừa đảo tiền qua internet banking

Ngày đăng : 10:13, 11/06/2018

(Kiemsat.vn) - Chiêu trò lừa đảo qua điện thoại hiện nay đã xuất hiện những thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Tội phạm lừa đảo mạo danh điều tra viên, cán bộ công an... yêu cầu bị hại ra một ngân hàng để mở một tài khoản và chuyển tiền qua internet banking hòng chiếm đoạt.

Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Trang tin điện tử Chính phủ, nhận định tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại có dấu hiệu phức tạp trở lại, mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an TPHCM đã có văn bản gửi Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPHCM nhằm hỗ trợ tuyên truyền phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm lừa đảo này.

Cụ thể, tội phạm lừa đảo mạo danh điều tra viên, cán bộ công an, Viện kiểm sát, Tòa án… đưa ra các thông tin về việc bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, rửa tiền mà cơ quan Công an đang tiến hành điều tra; dò hỏi các thông tin về tài khoản ngân hàng, tiền gửi tại các ngân hàng của bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm.

Bọn chúng sẽ yêu cầu bị hại ra một Ngân hàng khác để mở một tài khoản đứng tên của chính người bị hại, và đăng ký dịch vụ Internet Banking cho tài khoản mà mình đã mở bằng số điện thoại do các đối tượng lừa đảo giả danh Công an cung cấp.

Các đối tượng lừa đảo nói mục đích là để kiểm tra, xác minh, giám định số tiền này có liên quan đến đường dây tội phạm hay không và giám sát tài khoản này của bị hại. Từ đó buộc nạn nhân cung cấp toàn bộ tên đăng nhập (username) và mã kích hoạt (mã OTP). Từ những thông tin này, những kẻ lừa đảo dễ dàng chuyển tiền sang tài khoản khác bằng Internet Banking.

Với thủ đoạn này, các đối tượng làm cho bị hại nghĩ rằng tiền vẫn trong tài khoản đứng tên mình nên không mất. Mặt khác, đối với các nhân viên của các Ngân hàng khi khách hàng đến giao dịch chuyển/nộp tiền vào tài khoản của chính khách hàng nên nghĩ rằng không phát sinh vấn đề lừa đảo gì, từ đó không biết để cảnh báo cho khách hành về nguy cơ bị lừa đảo.

Trước thực tế phức tạp nói trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi tương tự. Trong thực tế, nếu cơ quan công an làm việc sẽ có thư mời ghi rõ thời gian, địa điểm rõ ràng và dân tới trực tiếp trụ sở để làm việc. Công an không bao giờ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, do đó khi nghe những cuộc điện thoại này người dân cần dập máy ngay lập tức.

Xem thêm>>>

Đề phòng "sập bẫy" lừa đảo nhờ nhận tiền qua facebook

Nhờ mua thẻ cào điện thoại: Chiêu trò cũ, vẫn bị lừa

Phạm Hằng