ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Cần một thể chế cho BOT

Ngày đăng : 12:00, 04/06/2018

(Kiemsat.vn) - Sáng 04/6, khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu “Với mỗi câu hỏi được chất vấn, đề nghị các Bộ trưởng thẳng thắn xác định rõ trách nhiệm, lộ trình giải quyết vấn đề thời gian tới”. Phiên chất vấn trực tiếp kỳ họp này kéo dài 3 ngày, bắt đầu với phần đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Nguyên nhân chính dẫn đến hỏng đường là do… thời tiết

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phản ánh ý kiến cử tri là đường quốc lộ 1A qua tỉnh Bình Định khởi công cuối 2013, hoàn thành vượt mức kế hoạch và thông xe năm 2015 nhưng đến cuối năm 2016 đã hỏng nặng toàn tuyến. Bên cạnh đó, có tới 3 trạm thu phí trên quãng đường ngắn này khiến đời sống nhân dân và kinh tế vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cử tri bức xúc cần một câu trả lời rõ ràng là có sửa đường không, bao giờ sửa và ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này. 

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phản ánh ý kiến cử tri. Ảnh Qh 

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chính dẫn đến hỏng đường là do… thời tiết. Những năm 2016, 2017 nhiều bão lũ, sau bão thì còn ngập đường nên đường xuống cấp. Bên cạnh đó, xe quá khổ, quá tải nhiều trong khi lực lượng chức năng giám sát chưa tốt cũng làm đường nhanh hỏng. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị duy tu, sửa chữa nhưng kinh phí hạn chế nên chỉ đáp ứng được 30% yêu cầu. Bộ đã nắm được và đã chỉ đạo Tổng Cục đường bộ lên phương án xử lý triệt để nhưng kinh phí không có nên vẫn đang chờ để xử lý triệt để vấn đề này. Vị Tư lệnh ngành Giao thông cũng khẳng định: “Các hồ sơ nghiệm thu chất lượng lúc bàn giao đều đạt yêu cầu”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn 

Về vấn đề BOT thì hiện tại toàn tuyến có 3 trạm BOT, đặt tương đối dày đặc. Sở dĩ Bộ GTVT chấp thuận các dự án là do bám theo văn bản của Bộ Tài chính quy định, cùng 1 quốc lộ thì trên 70km theo Bộ GTVT quyết, dưới 70km thì có sự đồng thuận của tỉnh và nhân dân mới thông qua. Đặt tuyến dày đặc như vậy đúng là có ảnh hưởng đến người dân nhưng Bộ mong cử tri và đồng bào tỉnh Bình Định thông cảm và vì lợi ích hài hoà của dân sẽ tìm mọi cách để giảm giá cho… nhân dân quanh các trạm BOT.

ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cho rằng câu nói “vì lợi ích hài hoà của dân nên giảm giá” là không ổn, nghe như ban phát, xin cho. Theo đại biểu, chúng ta cần một quy tắc thị trường, bán phải có người mua, quyền lợi của nhân dân và Nhà đầu tư phải bình đẳng, không phải cứ làm bừa đi rồi để dân phản đối rồi cò kè mặc cả, hai, ba rồi bốn đồng …

Cần một thể chế cho BOT

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, hiện có hai vấn đề về BOT giao thông là thể chế và quá trình triển khai có nhiều bất cập dẫn đến bức xúc của người dân; sự bức xúc này là do chưa giải quyết được hài hoà lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân.

“Chúng ta còn ăn đong trong lĩnh vực này”, ông Nhưỡng nói và đề nghị Bộ trưởng Giao thông nêu giải pháp căn cơ để giải quyết.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận, thể chế vừa qua chưa hoàn chỉnh, nhất là pháp luật về đầu tư công. Về tồn tại trong quá trình triển khai dự án BOT thì Bộ Giao thông đang tiếp thu, tìm giải pháp khắc phục triệt để.

"Chúng tôi sẽ xử nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bộ Giao thông quán triệt làm từ cái tâm để phục vụ người dân tốt nhất", ông nêu. Trước các tranh chấp do chưa hoàn thiện thể chế xảy ra tại một số trạm BOT, ông Thể nói khi có dư luận thì Bộ sẽ phối hợp với địa phương tìm hiểu, giải quyết ngay theo hướng đảm bảo lợi ích của người dân. Ông cũng cho biết đã có 14 dự án BOT làm trên đường hiện hữu bị dừng, trong đó dừng 4 dự án đã ký hợp đồng; sắp tới Bộ Giao thông chỉ làm dự BOT trên tuyến đường mới, tạo đường song hành với tuyến cũ để người dân lựa chọn. 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trả lời phỏng vấn phóng viên bên lề Quốc hội 

Hai lần giơ biển tranh luận, bổ sung câu hỏi với Bộ trưởng mà chưa thoả mãn với câu trả lời, trả lời phỏng vấn bên lề Quốc hội sáng nay, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cụ thể thêm vấn đề “thể chế hoá BOT” mà ông đề cập. Theo ông, BOT là một chủ trương đúng tuy nhiên chúng ta thiếu một thể chế thật sự. Một thể chế, một “luật” thật sự để các Nhà đầu tư cũng yên tâm bỏ hàng chục ngàn tỷ ra làm đường, ước lượng chính xác được thời gian thu hồi vốn. Luật này cũng giúp các quy trình thẩm định hồ sơ, xin ý kiến nhân dân, phê duyệt, triển khai, giám sát dự án cũng chính xác hơn, bảo đảm sự hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, Nhà đầu tư và Nhân dân. “Chúng ta đang thiếu thể chế dẫn đến tình trạng xây trạm BOT rồi không thể bỏ đi được, bỏ đi thì nhà đầu tư thiệt hại, mua lại thì nhà nước thiệt hại, để lại thì nhân dân càng thiệt hại mà tiền của nhà nước cũng là tiền thuế của nhân dân đóng góp”, ĐBQH tỉnh Bến Tre băn khoăn. “Đây là một giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để vấn đề BOT này trong tương lại”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Chỉ định thầu trong các dự án BOT 

Hai đại biểu Trương Trọng Nghĩa và Cao Thị Xuân chất vấn về chỉ định thầu trong các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, với tổng giá trị lên tới nhiều chục nghìn tỷ đồng. 

"Doanh nghiệp phản ánh ở địa phương có hiện tượng dàn xếp mà họ không thể cạnh tranh được. Tình trạng đặc quyền và độc quyền thông qua chỉ định thầu khiến việc cạnh tranh bị vô hiệu, nhiều dự án kéo dài, đội vốn, có dự án bị đội vốn lên 36 lần. Bộ trưởng có biết việc này hay không và giải pháp xử lý thế nào?", ông Nghĩa hỏi.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Tp Hồ Chí Minh) trong phiên chất vấn sáng 04/6/2018. Ảnh QH  

Tổ chức đấu thầu BOT luôn công khai theo quy định là 1 tháng, trong thời gian đó, nếu nhà Đầu tư nào quan tâm thì nộp hồ sơ nhưng thời gian qua triển khai nhiều dự án BOT nên ít nhà đầu tư quan tâm nên có dự án kéo dài thời gian thông báo nhưng chỉ có duy nhất một nhà đầu tư nộp hồ sơ. "Với các dự án này chúng tôi phải chỉ định thầu", ông Thể nói và khẳng định do Luật Đấu thầu đã quy định rõ nên nếu có vi phạm trong quá trình thực hiện thì sẽ kiểm tra, xử lý theo luật. 

Bộ trưởng Bộ GT-VT cũng thừa nhận một số dự án kéo dài vì một nhà thầu trúng nhiều dự án nhưng năng lực yếu kém, dẫn đến lãng phí dù đã đốc thúc nhà thầu.

Tiếp tục giơ biển xin tranh luận, “17 dự án BOT đều chỉ định thầu gây lãng phí hơn 20.000 tỷ đồng”. Nhiều dự án lớn phục vụ cho dự án bất động sản của nhà đầu tư, thực tế có những con đường cực kỳ đắt vì sự đánh đổi này. Kiểm toán nêu rồi thì giờ xử lý thế nào, chừng nào xử lý vì liên quan tới dự án hàng nghìn tỷ", ông Nghĩa chất vấn thêm.

Trả lời sau đó, ông Nguyễn Văn Thể  khẳng định đã thực hiện theo đúng quy định. "Việc gì cho phép thì Bộ làm. Có những việc phải xin ý kiến Thủ tướng, Chính phủ mới thực hiện. Việc làm này hết sức minh bạch", ông Thể nhấn mạnh. 

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ nhất và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn.

Minh Tú