Kinh nghiệm về tăng cường trách nhiệm công tố, chống oai, sai và bỏ lọt tội phạm

Ngày đăng : 14:48, 29/05/2018

(Kiemsat.vn) - Tăng cường trách nhiệm công tố, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm, được xem là nội dung quan trọng, là mục tiêu chính, xuyên suốt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân. Bài viết là 10 bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn công tác của VSKND tỉnh Gia Lai.

Năm 2017, toàn ngành Kiểm sát tỉnh Gia Lai không có trường hợp nào phải đình chỉ do không phạm tội có lỗi chủ quan của VKS và không có trường hợp nào VKS truy tố mà bị Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội. Các trường hợp VKS truy tố đều được phúc cung 100%, bảo đảm quyết định truy tố của VKS có căn cứ, đúng người, đúng tội. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được thực hiện sớm hơn, mở rộng hơn cả về phạm vi và đối tượng; chất lượng các cuộc trực tiếp kiểm sát được tăng cường theo hướng chuyên sâu “gắn công tố với hoạt động điều tra”, chú trọng thực hiện đầy đủ các quyền năng luật định của VKS để tăng cường trách nhiệm công tố; kiên quyết yêu cầu Cơ quan điều tra (CQĐT) khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, xử lý nhằm chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Tổng chỉ tiêu toàn ngành Kiểm sát tỉnh Gia Lai hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra là 86,12% trên tổng số 77 nhóm chỉ tiêu theo hệ thống chỉ tiêu của ngành.

Đồng chí Nguyễn Đình Quang, Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến

Từ thực tiễn công tác, VKSND tỉnh Gia Lai rút ra những kinh nghiệm về tăng cường trách nhiệm công tố, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm sau đây:

Một là, nắm vững và quán triệt thực hiện kịp thời, nghiêm túc các chỉ thị, kết luận và nghị quyết của Đảng; nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp; các chỉ thị, kế hoạch công tác của Viện trưởng VKSND tối cao.

Hình thức, phương pháp quán triệt được đổi mới, đa dạng và phong phú; ngoài việc quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện trong Kế hoạch, Chương trình công tác hàng năm, đơn vị đã tổ chức nhiều Hội nghị học tập chuyên sâu, trong đó chú trọng quán triệt, nắm bắt, định hướng về nhận thức, tư tưởng qua việc đồng chí Viện trưởng tổ chức đối thoại với cán bộ, công chức, người lao động cơ quan, đơn vị; thông qua các cuộc họp, hội nghị giao ban trực tuyến định kỳ 01 lần/tháng, sơ kết, tổng kết; các hoạt động công tác đoàn thể của Công đoàn, Đoàn thanh niên, Ban Nữ công, Chi hội Luật gia; đặc biệt trong năm 2017, đơn vị đã tổ chức 06 Hội nghị trực tuyến chuyên đề để quán triệt, triển khai thực hiện các Luật, Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp trong toàn ngành Kiểm sát tỉnh Gia Lai. Các văn bản của Đảng, của Quốc hội có liên quan mật thiết đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân (trừ văn bản mật) cũng như các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao đều được gửi vào hộp thư điện tử của 100% cán bộ, công chức trong đơn vị để tự nghiên cứu, học tập, áp dụng trong công tác. Từ việc nắm, quán triệt, triển khai đến việc áp dụng, vận dụng trên thực tiễn luôn có sự tương tác hai chiều giữa Lãnh đạo Viện với cán bộ, công chức; giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới, với tinh thần quyết tâm cao, tạo sự thống nhất, đồng thuận về mặt nhận thức, cũng như trong hành động để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước đã giao phó cho ngành Kiểm sát nhân dân.

Hai là, xác định công tác đột phá phải gắn với định hướng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, đó là “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”. Từ đó, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể để thực hiện tốt công tác đột phá, nhằm nâng cao chất lượng công tác, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Ví dụ: Phân công Phòng 2 và Phòng 9 chủ trì, hướng dẫn VKS hai cấp tổ chức thực hiện tốt hai công tác đột phá; phân công Văn phòng xây dựng hệ thống phụ lục để theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác và quản lý chặt chẽ các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, các vụ án có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm để kịp thời chỉ đạo. Xây dựng Sổ điện tử theo dõi việc cơ quan chức năng thực hiện kiến nghị, kết luận của VKS để tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị; chủ động ban hành nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu CQĐT, cơ quan hữu quan tích cực giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Nhiều đơn vị VKS huyện (như Mang Yang, Krông Pa, Kbang, Kông Chro, Ia Grai...) chủ động phối hợp với CQĐT, kết hợp trực tiếp kiểm sát để tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ và giải đáp khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm cho lực lượng Công an cấp xã, nhằm hạn chế oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm hoặc hành chính hóa, dân sự hóa quan hệ pháp luật hình sự, nâng cao tỷ lệ phát hiện, xử lý tội phạm ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự.

Ba là, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhất là đội ngũ lãnh đạo VKSND cấp huyện; chuẩn hoá, trẻ hoá đội ngũ cán bộ, đồng thời thực hiện tốt chủ trương của Đảng về công tác quy hoạch, luân chuyển, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác. Chú trọng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; phân công, phân nhiệm cho cấp phó phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, đơn vị. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; tích cực, chủ động và nhạy bén trong việc nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.

Bốn là, tăng cường ứng dựng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Tổ chức giao ban trực tuyến định kỳ 01 tháng/01 lần và từng quý để rà soát, đánh giá, kiểm tra lại tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác theo kế hoạch của từng đơn vị cấp huyện, cấp phòng (trong năm đã tổ chức 17 Hội nghị trực tuyến đến cấp huyện). Qua đó, Lãnh đạo VKSND tỉnh kịp thời chỉ đạo các đơn vị có giải pháp khắc phục những mặt còn có hạn chế, yếu kém, nâng cao chất lượng công tác, đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc; đồng thời chỉ đạo sát sao đối với các vụ án, vụ việc phức tạp, có dấu hiệu oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Sử dụng tốt hệ thống truyền hình Hội nghị trực tuyến, Trang thông tin điện tử, hệ thống mạng nội bộ và thư điện tử công vụ để tập huấn, trao đổi thông tin, chuyển và nhận văn bản trong ngành, đảm bảo nhanh chóng, chính xác và thực hành tiết kiệm.

Năm là, chủ động quán triệt và triển khai thực hiện các đạo luật mới về tư pháp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của VKSND, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Đơn vị đã tổ chức 01 Hội nghị tập huấn chuyên sâu trong toàn ngành bằng hình thức trực tuyến (mời báo cáo viên của Vụ pháp chế và quản lý khoa học VKSND tối cao truyền đạt); trong tháng 12/2017, đơn vị đã hoàn thành việc tập huấn chuyên sâu vòng 3, với 05 chuyên đề để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Bên cạnh đó, đã phát động phong trào học tập, nghiên cứu các luật và nghị quyết trong toàn ngành; đưa việc học tập, quán triệt các đạo luật mới vào đầu giờ các buổi sáng từ nay cho đến hết năm 2018 và xem đây là một nhiệm vụ quan trọng đặc biệt trong việc đảm bảo thực hiện tốt chức năng của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai trong tình hình mới.

Sáu là, tăng cường trách nhiệm công tố trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tiếp tục xác định đây là công tác đột phá trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát tỉnh Gia Lai thực hiện kiểm sát sớm hơn, mở rộng hơn, chặt chẽ và hiệu quả hơn, đồng thời, chú trọng thực hiện các biện pháp chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm.

Cụ thể: Chỉ đạo đề ra chỉ tiêu cao hơn so với yêu cầu của ngành và thêm một số chỉ tiêu mới gắn với thực tiễn địa phương để phấn đấu thực hiện4. Ban hành kế hoạch riêng, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện; đồng thời xây dựng chuyên đề tổ chức tập huấn trực tuyến để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện tốt công tác đột phá.

Bảy là, tổng hợp, thông báo phương pháp, cách làm hay, có hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành để VKS hai cấp nghiên cứu, tham khảo, vận dụng.5 Cách làm này, đã được VKSND tối cao đánh giá là một trong những địa phương tích cực chủ động đề ra giải pháp thiết thực, có hiệu quả để thực hiện tốt Chỉ thị công tác năm 2017 của Viện trưởng VKSND tối cao, đồng thời thông báo trong toàn quốc để tham khảo (Thông báo số 104/TB-VKSTC ngày 28/4/2017 của VKSND tối cao).

Điển hình như phương pháp, cách làm của VKSND huyện Krông Pa trong việc tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động kiểm sát việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm tại Công an cấp xã nhằm chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm. Đơn vị đã nghiên cứu, xây dựng Quy trình nghiệp vụ gồm 4 bước:

Bước 1: Xây dựng Kế hoạch, ban hành Quyết định trực tiếp kiểm sát (mời tham gia cùng với Đoàn kiểm sát có: Đại diện Lãnh đạo Đội điều tra Công an huyện; đại diện Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; đại diện Lãnh đạo Ban pháp chế Hội đồng nhân dân huyện).

Bước 2: Tiến hành trực tiếp kiểm sát theo Kế hoạch.

Bước 3: Ban hành kết luận, chỉ rõ vi phạm, viện dẫn căn cứ pháp lý; nêu nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và kiến nghị yêu cầu Trưởng Công an xã khắc phục vi phạm. Đồng thời kiến nghị Lãnh đạo cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện tăng cường kiểm tra, chỉ đạo đối với Công an cấp xã (Chủ thể mà VKS kiến nghị trong Kết luận là Trưởng Công an cấp xã và Lãnh đạo cơ quan CSĐT Công an huyện).

Bước 4: Tổng hợp vi phạm, ban hành kiến nghị đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, trong đó chỉ rõ vi phạm của Công an cấp xã, viện dẫn căn cứ pháp lý, nguyên nhân và kiến nghị yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chỉ đạo chấm dứt, khắc phục ngay vi phạm (Chủ thể mà VKS kiến nghị bằng văn bản riêng là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã). Văn bản kiến nghị được VKSND huyện Krông Pa gửi tới: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (Phòng 2 và Văn phòng); Thường trực Huyện ủy; Thường trực Hội đồng nhân dân huyện; Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; Ủy ban nhân dân huyện; cơ quan CSĐT Công an huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.

Cách làm trên đã trực tiếp kiến nghị, tác động đến 02 chủ thể có thẩm quyền, đó là Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Công an cấp xã trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an cấp xã đối với việc tiếp nhận, xử lý ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm tại cơ sở. Đồng thời, văn bản kết luận và kiến nghị cũng đã được gửi đến Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, cơ quan CSĐT Công an huyện để biết, nắm tình hình và chỉ đạo.

Như vậy, về phạm vi, hiệu lực và hiệu quả của kiến nghị có sức lan tỏa rộng tới cấp ủy Đảng và các cấp chính quyền trong hệ thống chính trị của huyện và cấp xã, góp phần tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, nhất là việc chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm ngay từ cấp cơ sở và ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự; khẳng định được vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, góp phần nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân.

Tám là, chú trọng tăng cường các giải pháp tự đào tạo về nghiệp vụ, cụ thể như:

- Xây dựng chuyên đề nghiệp vụ, tổ chức Hội nghị trực tuyến để tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên của 17 VKSND cấp huyện và các phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh6.

- Tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng tranh tụng, kỹ năng đối đáp, phát biểu ý kiến trong các phiên tòa giải quyết án dân sự, hành chính; đã tổ chức 98 phiên tòa rút kinh nghiệm án hình sự/42 Kiểm sát viên làm án hình sự (tăng 32 phiên tòa so với năm 2016) và 59 phiên tòa rút kinh nghiệm án dân sự, hành chính/23 Kiểm sát viên làm án dân sự, hành chính (tăng 30 phiên tòa so với năm 2016).

- Nâng cao số lượng, chất lượng thông báo rút kinh nghiệm, hướng dẫn và trả lời thỉnh thị về nghiệp vụ cho VKS cấp huyện (đã ban hành 66 thông báo rút kinh nghiệm và 23 văn bản trả lời thỉnh thị), qua đó, kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho VKS cấp huyện.

Chín là, tích cực tổng kết công tác thực tiễn, nghiên cứu, phân tích, dự báo xu hướng tình hình tội phạm và vi phạm, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là những thiếu sót, sơ hở trong quản lý kinh tế, xã hội, ban hành 21 kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan về các giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm (tăng 08 kiến nghị)7. 

Mười là, ngoài các chỉ tiêu chung của ngành, đã chủ động đề ra chỉ tiêu riêng đối với ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, để nâng cao chất lượng công tác, như: Thực hiện phúc cung để kiểm tra, củng cố chứng cứ 100% các vụ án hình sự trước khi quyết định truy tố và tham gia 100% các phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ, việc dân sự, vụ án hành chính VKS phải tham gia theo quy định của pháp luật. Kết quả: Đã trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để củng cố chứng cứ trước khi quyết định việc truy tố (phúc cung bị can): 937 lượt/832 vụ đã truy tố (đạt 100% kế hoạch đề ra); tham gia 485 phiên tòa, phiên họp, đạt 100% số phiên tòa, phiên họp VKS phải tham gia theo quy định của pháp luật./.

Nguyễn Đình Quang

Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai

Xem thêm>>>

Giải pháp nâng cao chất lượng THQCT và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của VKSND thị xã Cai Lậy

170 mẫu văn bản trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, điều tra và truy tố.

TCKS số 03/2018