Từ vụ Vinaca làm thuốc giả: Người tiêu dùng cần cảnh giác với ma trận quảng cáo

Ngày đăng : 09:28, 07/05/2018

(Kiemsat.vn) - Từ vụ thuốc giả Vinaca, người tiêu dùng cần thận trọng về các quảng cáo thuốc và một số sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Vụ  sản phẩm “thuốc” vinaca làm từ bột than tre được quảng cáo rầm rộ là chữa được bệnh ung thư, khiến bao nhiêu người tin tưởng và bị lừa mua về dùng để rồi tiền mất, tật mang. Rồi thì hàng loạt các quảng cáo hấp dẫn khác cho thực phẩm chức năng với nhiều công dụng thần kỳ, các quảng cáo sữa trẻ em giúp thông mình, cao lớn như một phép màu đã khiến người dùng như lạc vào mê hồn trận và không ít đã lầm lẫn. Vậy, người tiêu dùng cần có cái nhìn “thông thái” về các loại quảng cáo liên quan đến thuốc chữa bệnh, hoặc các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của mình như thế nào để tránh được các thiệt hại không đáng có.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động quảng cáo đối với các sản phẩm có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người như thuốc chữa bệnh, thực phẩm/thực phẩm chức năng/phụ gia thực phẩm, sữa trẻ em chúng ta thấy:

Đối với quảng cáo thuốc chữa bệnh

  • Ảnh minh họa

Thuốc quảng cáo phải được phép cuả Bộ Y tế;

Nội dung quảng cáo thuốc phải phù hợp với các tài liệu gồm: Giấy phép lưu hành tại Việt Nam;  Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt; Chuyên luận về thuốc đã được ghi trong Dược thư Quốc gia hoặc trong các tài liệu về thuốc đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất công nhận.

Quảng cáo thuốc phải có các nội dung: Tên thuốc theo quyết định cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam; Tên hoạt chất của thuốc: Thuốc tân dược dùng tên theo danh pháp quốc tế; Thuốc có nguồn gốc dược liệu dùng tên theo tiếng Việt, trường hợp tên dược liệu ở Việt Nam chưa có thì dùng theo tên nguyên bản nước xuất xứ kèm tên la-tinh;  Chỉ định của thuốc; Chống chỉ định hoặc các khuyến cáo cho các đối tượng đặc biệt như người có thai, người đang cho con bú, người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;  Khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”.

Ngoài ra, các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc bao gồm: Chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong;  Chỉ định điều trị bệnh lây qua đường tình dục; Chỉ định điều trị chứng mất ngủ kinh niên; Các chỉ định mang tính kích dục;  Chỉ định điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u;  Chỉ định điều trị bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh rối loạn chuyển hóa tương tự khác.

Đối với quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm

Nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có các nội dung, gồm: Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Đối với quảng cáo thực phẩm chức năng, ngoài việc phải thực hiện theo quy định trên thì còn phải có các nội dung:  Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có);  Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Đối với quảng cáo sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ

Nội dung quảng cáo sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Quảng cáo sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ phải có các nội dung: Tên sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ;  Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Đặc biệt, việc quảng cáo thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi phải bảo đảm yêu cầu sau đây:

- Phần đầu của quảng cáo phải có nội dung: "Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ";

- Nội dung quảng cáo phải nêu rõ “Sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 06 tháng tuổi”.

Một điều đặc biệt nữa: Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo bị cấm quảng cáo.

(Tổng hợp từ Luật Quảng cáo, Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo; Thông tư 09/2015/TT-BYT, Thông tư 08/2013/TT-BYT)

Như vậy, khi tiếp nhận các quảng cáo các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, cần đặc biệt đến tính hợp pháp của quảng cáo như đã được Bộ Y tế cho phép quảng cáo, sản phẩm đã được đăng ký lưu hành chưa, phân biệt rõ sản phẩm, công dụng sản phẩm, các khuyến cáo của sản phẩm.

Thực tế việc quảng cáo của các nhà sản xuất thì sao?

Hàng ngày, chúng ta vẫn thấy các đoạn quảng cáo của các nhà sản xuất, phân phối trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên truyền hình,  các vi phạm, các lập lờ gây hiểu lầm. Khi quảng cáo thuốc chữa bệnh thì tập trung nhiều thời lượng phóng đại công dụng chữa bệnh, nhưng các khuyến cáo, chống chỉ định thì lại đọc nhanh, đọc lướt với thời lượng siêu ngắn, siêu nhanh.

Đối với các loại thực phẩm chức năng thì quảng cáo có nội dung chữa được bệnh này, bệnh kia, điều trị cho bệnh này bệnh kia. Nội dung chính gồm những lời ca ngợi công dụng thần kỳ của sản phẩm để hấp dẫn người tiêu dùng. Còn đối với khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” thì cũng được đọc lướt vô cùng nhanh. Với thủ thuật này, khiến người dùng rất dễ nhầm sản phẩm thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh.

Đối với sản phẩm mang nhiều lợi nhuận cho nhà sản xuất là sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ cũng được quảng cáo với toàn những lời hoa mỹ ở nội dung chính, ấn tượng với người nghe nhưng khuyến cáo "Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ" thì cũng được đọc nhanh, không cho người nghe, xem kịp tiếp nhận

Còn trên mạng xã hội, trên các kênh thông tin không chính thức khác thì nội dung quảng cáo hoàn toàn không kiểm soát được, vi phạm tràn lan. Từ đó mới có những vụ việc đáng tiếc, để lại hậu quả vô cùng lớn như vụ “Vinaca”.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường việc quản lý, chấn chỉnh việc quảng cáo thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, sữa và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ thì các cơ quan truyền thông cũng cần thông tin rộng rãi để người tiêu dùng nâng cao năng lực nhận thức và tự trang bị các kiến thức cho mình trước các ma trận quảng cáo.

Xem thêm>>>

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không quảng cáo, bán nước ngọt có ga trong trường học

Thủ tướng ra chỉ thị chấn chỉnh hoạt động quảng cáo

Phạt từ 40 triệu đến 100 triệu đối với 8 loại hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo

Lê Ngọc Sơn