Cà phê "nhuộm" pin và những tác hại kinh hoàng

Ngày đăng : 22:05, 17/04/2018

(Kiemsat.vn) - Mới đây, một cơ sở chế biến café tại Đắk Nông đã bị bắt quả tang khi đang “nhuộm màu” bằng pin phế thải cho hàng chục tấn café phế phẩm để tung ra thị trường.

Ngăn chặn kịp thời hàng chục tấn café độc hại ra thị trường

Hàng chục tấn café độc hại chuẩn bị ra thị trường - ảnh Nguyên Bá TN 

Ngày 16.4, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông bắt quả tang cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, thôn 13 xã Đắk Wer, H.Đắk R'lấp đang pha trộn tạp chất vào cà phê. 

Cơ quan chức năng làm việc tại hiện trường  - ảnh Nguyên Bá TN 

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có hàng chục tấn cà phê bẩn cùng đất, đá được tập kết ở trong kho, trong đó có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin con ó, 2 chậu chứa  35 kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin với trọng lượng 10 kg... dùng để nhuộm đen cà phê. Bước đầu, chủ cơ sở khai nhận hành vi đến các đại lý thu mua cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn... sau đó mua các cục pin về đập dẹp, dùng lõi pin hòa với nước rồi nhuộm vào cà phê, đóng gói bán ra thị trường. Cơ sở chế biến này hoạt động từ nhiều năm nay, chỉ riêng từ đầu năm đến nay đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê bẩn.

Pin đập vụn, pha nước chuẩn bị nhuộm màu cafe - ảnh Nguyên Bá TN 

Pin phế thải, nghiền vụn, cho nước rồi trộn thẳng vào cafe đã qua sử dụng để tạo lại mầu đen 

Tác hại của café nhuộm pin

Để sản xuất một viên pin khô như loại pin con ó, nhà sản xuất phải sử dụng hợp chất mangan dioxit (MngO2), màu nâu đen bao quanh lõi than chì vốn có tính dẫn điện để làm chất điện ly giải phóng nguồn điện cho lõi pin. Việc nấu lõi pin ít nhiều sẽ làm cho lượng mangan dioxit đi vào cơ thể người sử dụng, tác động xấu đến hệ thần kinh. Để kiểm nghiệm hàm lượng mangan dioxit gây độc hại ở mức độ nào đối với sức khỏe người sử dụng thì cần phải kiểm nghiệm mẫu cà phê. Theo quy định của các nước trên thế giới, nhà máy sản xuất pin phải có trách nhiệm thu hồi và xử lý pin do chứa một số kim loại nặng như Mangan, có thể theo nguồn nước phát tác vào tự nhiên gây ô nhiễm môi trường, theo nguồn nước đi vào cơ thể con người.  

Bộ Y tế đã từ lâu có cảnh báo về tác hại của mangan đối với cơ thể con người. Theo đó, Mangan có mặt trong nước ở dạng ion hòa tan (Mn2+). Nếu ở hàm lượng nhỏ dưới 0,1mg/lít thì mangan có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu hàm lượng mangan cao từ 1-5mg/lít sẽ gây ra không ít ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể.

Mn không có khả năng gây đột biến cũng như hình thành các bệnh nguy hiểm như ung thư, cũng không ảnh hưởng đến sinh sản… nhưng nó có liên quan mật thiết đến hệ thần kinh, gây ra các độc tố hình thành hội chứng manganism với các triệu chứng gần như tương tự bệnh Parkinson. Nếu lượng Mn hấp thu vào cơ thể cao có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch. Khi hít phải Mangan với lượng lớn có thể gây hội chứng nhiễm độc ở động vật, gây tổn thương thần kinh. Mn đặc biệt có hại cho trẻ bởi cơ thể trẻ em dễ dàng hấp thụ được rất nhiều Mg trong khi tiết thải ra ngoài thì rất ít. Điều đó dẫn đến sự tích tụ Mn trong cơ thể trẻ, gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ nữ đang mang thai và trẻ em tuyệt đối tránh tiếp xúc và sử dụng nguồn nước nhiễm Mn.

 Sử dụng nguồn nước bị nhiễm Mangan trong thời gian dài, nhiễm độc mangan từ nước uống làm giảm khả năng ngôn ngữ, giảm trí nhớ, giảm khả năng vận động liên quan đến tay và chuyển động của mắt, nếu nhiễm độc mangan lâu ngày có thể dẫn đến triệu chứng thần kinh không bình thường như dáng đi và ngôn ngữ bất thường. Với khả năng không gây ung thư ở người nhưng Mangan vẫn có tác động xấu tới cơ thể con người chúng ta. Theo QCVN 01: 2009/BYT- quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng mangan trong nước không được vượt quá 0.3mg/l.

Nguyễn Phạm Minh Tú