Tòa án không buộc anh T phải chịu án phí cấp dưỡng nuôi con là đúng

Ngày đăng : 08:42, 09/04/2018

(Kiemsat.vn) -  Theo các tác giả thì  “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản ly hôn”  là việc dân sự, vì trước khi tới Tòa án thì hai bên đã có sự thống nhất thỏa thuận trực tiếp với nhau về các vấn đề cấp dưỡng, cũng như các vấn đề liên quan khác. Vì vây, Tòa án không buộc anh T phải chịu án phí cấp dưỡng nuôi con là phù hợp.

Nội dung vụ việc:

Ngày 03/2/2018,  anh Trương Phước T và chị Mai Bảo N gửi yêu cầu đến TAND thị xã A để yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn. Sau khi thụ lý việc hôn nhân và gia đình giữa anh T và chị N, TAND thị xã A tiến hành hòa giải đoàn tụ nhưng không thành. Sau đó Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Nội dung công nhận theo yêu cầu gồm:

- Công nhận sự thuận tình ly hôn giữa anh T và chị N.

- Giao con chung là cháu Trương Phước N, sinh ngày 27/8/2012 cho chị N trực tiếp nuôi dưỡng, anh T cấp dưỡng mỗi tháng 2 triệu đồng.

Về lệ phí: anh T và chị N mỗi người phải chịu 150.000 đồng lệ phí việc hôn nhân và gia đình sơ thẩm.

Đối với quyết định giải quyết việc hôn nhân và gia đình của TAND thị xã A không buộc anh T phải chịu án phí cấp dưỡng nuôi con

Ảnh minh họa

* Tác giả Cao Văn Huynh, TAQS khu vực 2 quân khu 4

Trước khi tới Tòa thì hai vợ chồng anh T đã có sự thống nhất và thỏa thuận với nhau về việc cấp dưỡng, chăm lo cho con cũng như nghĩa vụ của các bên  đối với con. Sau đó mới tới TAND thị xã A yêu cầu ghi nhận sự việc này, mà không phải hai vợ chồng khi ra Tòa mới bắt đầu thỏa thuận như quy định tại Điểm b, Khoản 6 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định: “Trường hợp……; Trường hợp tại phiên tòa mới thỏa thuận được với nhau thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu mức án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá nghạch”. Nên T phải chịu án phí cấp dưỡng là không đúng. Ở đây Tòa án chỉ ra quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của vợ chồng T với nội dung ghi nhận theo yêu cầu mà hai bên đã có thỏa thuận trước đó như nội dung bài viết mà tác giả đã đưa.

Đối chiếu theo quy định tại tại Mục 1 Chương V của Nghị quyết số 326/2016 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về lệ phí , án phí giải quyết việc dân sự của Tòa án, thì cũng không điều khoản nào có quy định liên quan đến án phí, lệ phí cấp dưỡng. TAND thị xã A ghi nhận sự tự nguyện, thuận tình và thỏa thuận thi hành trực tiếp với nhau trước đó của vợ chồng T, và không buộc anh T phải chịu án phí cấp dưỡng nuôi con là có cơ sở.

* Tác giả Thành Giang, TAQS khu vực 2 Hải quân

Trước tiên cần xác định một cách cụ thể, rành mạch đây là một việc hôn nhân và gia đình, cụ thể là “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản ly hôn” được quy định tại khoản 2 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Nghiên cứu Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ta thấy quy định về án phí dân sự tại điểm b khoản 1 Điều 3 xác định “Án phí dân sự gồm có các loại án phí giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”; còn về lệ phí Tòa án tại khoản 1 Điều 4 quy định như sau: Lệ phí giải quyết yêu cầu về …, hôn nhân và gia đình, … quy định tại các khoản 1, 2 … Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự.

Như vậy có thể xác định việc thu án phí theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị quyết số 236/2016/UBTVQH14 chỉ áp dụng đối với các vụ án tranh chấp về Hôn nhân và gia đình theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự. Còn đối với vụ việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn của anh Trương Phước T và chị Mai Bảo M chỉ phải chịu lệ phí Tòa án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 và khoản 3 Điều 37 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Như vậy, việc Tòa án nhân dân thị xã A không buộc anh T phải chịu án phí cấp dưỡng nuôi con là phù hợp với quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.        

Bài có liên quan>>>

Có tính án phí cấp dưỡng nuôi con đối với việc hôn nhân gia đình không?

Anh T vẫn phải chịu án phí cấp dưỡng nuôi con

 

Cao Văn Huynh - Thành Giang