Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có hiệu lực từ 01/7/18

Ngày đăng : 08:05, 08/04/2018

(Kiemsat.vn) - Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua vào ngày 21/11/2017 và chính thức có hiệu lực từ 01/7/2018.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản như sau:

Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hộ chiếu, giấy thông hành và giấy tờ khác có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật. Cấp, bổ sung, hủy bỏ thị thực; cấp, thu hồi, hủy bỏ giấy miễn thị thực của Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật.

Thực hiện nhiệm vụ công chứng, chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên; tiếp nhận, bảo quản giấy tờ, tài liệu và đồ vật có giá trị của công dân, pháp nhân Việt Nam khi có yêu cầu phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với pháp luật của quốc gia tiếp nhận.

Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu của nước ngoài và chứng nhận lãnh sự giấy tờ, tài liệu của Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật. Thực hiện ủy thác tư pháp phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên…

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Phối hợp thực hiện nhiệm vụ liên quan đến phòng dịch, kiểm dịch động vật, thực vật phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia tiếp nhận, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

Thống nhất quản lý hoạt động thông tin đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan đề xuất, triển khai hoạt động thông tin đối ngoại tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

Kinh phí hoạt động thường xuyên được cấp cho Bộ Ngoại giao để phân bổ cho cơ quan đại diện, trừ kinh phí dành cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thương mại theo quy định của Chính phủ.

Việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công cho dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công. Trong trường hợp cần thiết, việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và dự án đầu tư có thể được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Việc triển khai dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện được áp dụng theo thứ tự: Điều ước quốc tế, thỏa thuận giữa Việt Nam với quốc gia tiếp nhận, pháp luật của quốc gia tiếp nhận, pháp luật của Việt Nam. Nguồn kinh phí thực hiện các dự án đầu tư xây dựng do ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Luật còn sửa đổi tiêu chuẩn thành viên cơ quan đại diện; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cử, triệu hồi người đứng đầu cơ quan đại diện; chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện”.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước cử và triệu hồi đại diện của Chủ tịch nước tại tổ chức quốc tế. Quyết định kéo dài nhiệm kỳ của đại sứ đặc mệnh toàn quyền trong thời gian không quá 3 tháng. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định kéo dài nhiệm kỳ của đại sứ đặc mệnh toàn quyền trên 3 tháng trong trường hợp cần thiết do yêu cầu đối ngoại và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Xem Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (Sửa đổi) tại file đính kèm.

Xem thêm>>>

Những nội dung cơ bản của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) 2017

Luật Lâm nghiệp: Cơ sở để phát triển kinh tế rừng bền vững

Một số điểm mới của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)

Phạm Hằng (giới thiệu)