Hoạt động sử dụng chứng cứ và nguyên tắc sử dụng chứng cứ trong tố tụng hình sự

Ngày đăng : 15:47, 13/03/2018

(Kiemsat.vn) - Để đảm bảo việc sử dụng chứng cứ trong quá trình chứng minh vụ án hình sự một cách hiệu quả, cần nắm rõ được mục đích và nguyên tắc sử dụng chứng cứ.

Ảnh minh họa

Hoạt động sử dụng chứng cứ

Trong các giai đoạn tố tụng hình sự, chứng cứ đã thu thập được trong vụ án thông qua hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ thì những chứng cứ thu thập trước đó được sử dụng để phát hiện, thu thập chứng cứ mới. Bởi lẽ, trong các giai đoạn tố tụng không phải tất cả các vụ án đều đã có đầy đủ các chứng cứ, nhất là trong giai đoạn điều tra vụ án. Vì vậy, việc phát hiện và thu thập thêm chứng cứ mới là hoạt động được tiến hành liên tục cho đến khi các cơ quan tiến hành tố tụng có đủ chứng cứ chứng minh sự thật vụ án. Một trong những cách thức được sử dụng để thu thập thêm những chứng cứ mới là sử dụng chứng cứ đã có, đã thu thập được từ trước. Ví dụ: Từ lời khai của người làm chứng đã phát hiện ra người phạm tội và từ lời khai của người phạm tội đã thu được hung khí gây án…

Chứng cứ đã thu thập được trong vụ án dùng để nghiên cứu, kiểm tra và đánh giá tài liệu, chứng cứ mới và ngược lại. Trong cùng một vụ án, các chứng cứ có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, song chúng đều có quan hệ với nhau bởi những mối liên hệ logic, biện chứng. Để xác định giá trị từng chứng cứ không thể không xem xét đến toàn bộ hệ thống chứng cứ, không thể không so sánh giá trị giữa các chứng cứ với nhau và tất yếu không thể không kiểm tra, đánh giá giá trị của chúng để làm căn cứ sử dụng chứng cứ đó vào việc giải quyết vụ án. Việc kiểm tra được tiến hành theo chiều thuận, từ chứng cứ đã có kiểm tra chứng cứ mới, hoặc ngược lại từ chứng cứ mới thu thập dùng để kiểm tra chứng cứ đã thu thập từ trước.

Trong quá trình chứng minh ở các giai đoạn tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải sử dụng chứng cứ để ra quyết định tố tụng. Các quyết định tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử bất kỳ một vụ án hình sự nào đều phải sử dụng các chứng cứ thu thập được có trong hồ sơ vụ án để phân tích, đánh giá, lập luận trước khi đưa ra các quyết định tố tụng quan trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự như: Cơ quan điều tra phải sử dụng các chứng cứ để quyết định khởi tố và điều tra vụ án, Viện kiểm sát phải sử dụng chứng cứ để làm căn cứ có ra quyết định truy tố hay không truy tố, Hội đồng xét xử phải sử dụng các chứng cứ đã được kiểm tra, đánh giá để tuyên bố một người có tội và phải chịu hình phạt hay không phạm tội và được trả tự do.

Nguyên tắc sử dụng chứng cứ

Để việc sử dụng chứng cứ đạt được mục đích, chủ thể tiến hành tố tụng cần phải quán triệt và thực hiện một số vấn đề mang tính nguyên tắc trong sử dụng chứng cứ, đó là:

Nguyên tắc khách quan, toàn diện và đầy đủ trong tố tụng hình sự: Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chỉ được sử dụng những chứng cứ với đầy đủ các thuộc tính bắt buộc là khách quan, liên quan và hợp pháp. Các tài liệu, chứng cứ thu thập được qua biện pháp điều tra, trinh sát, phải được chuyển hóa thành chứng cứ hợp pháp mới được sử dụng. Những tài liệu, chứng cứ phải được kiểm tra, xác minh đầy đủ, phải phù hợp với thực tế khách quan, đảm bảo sự tin cậy vững chắc và có đủ căn cứ mới sử dụng được. Tuyệt đối không sử dụng chứng cứ chưa qua nghiên cứu, kiểm tra, xác minh làm căn cứ, cơ sở để đưa ra những quyết định pháp lý, hoặc sử dụng vào việc kiểm tra, đánh giá các chứng cứ khác. Khi sử dụng chứng cứ không được định kiến, chủ quan, thiên lệch, coi trọng chứng cứ này mà bỏ qua chứng cứ kia, chỉ coi trọng sử dụng chứng cứ gốc, chứng cứ trực tiếp mà bỏ qua, coi nhẹ chứng cứ sao chép, chứng cứ thuật lại, chứng cứ gián tiếp, không chỉ sử dụng chứng cứ buộc tội mà sử dụng cả chứng cứ gỡ tội và ngược lại.

Khi sử dụng chứng cứ phải tuân theo đúng những quy định của pháp luật: Pháp luật tố tụng hình sự đã quy định thế nào là chứng cứ, cũng như quy định về nguồn chứng cứ. Do vậy, khi sử dụng những chứng cứ phải chấp hành nghiêm chỉnh theo những quy định của pháp luật tố tụng. Chẳng hạn, khi sử dụng lời khai của bị can, bị cáo làm chứng cứ thì phải hết sức thận trọng vì “... Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.  Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội” (khoản 2 Điều 98 BLTTHS năm 2015). Đối với bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, thì việc lấy lời khai, hỏi cung những người này phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Khi sử dụng lời khai của người làm chứng cần lưu ý:

“1. Người làm chứng trình bày những gì mà họ biết nguồn tin về tội phạm, về vụ án, nhân thân của người bị buộc tội, bị hại, quan hệ giữa họ với người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi đặt ra.

2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó” (Điều 91 BLTTHS năm 2015).

Sử dụng chứng cứ phải đảm bảo tính kịp thời

Sau khi phát hiện, thu thập chứng cứ, cơ quan tiến hành tố tụng cần tiến hành nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá ngay để sử dụng nhằm đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời của các hoạt động tiếp theo, vừa đảm bảo thời gian đã được quy định đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, vừa đảm bảo yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn tội phạm có thể xảy ra, hạn chế những thiệt hại cho xã hội, bắt giữ ngay người phạm tội không để chúng có thời gian lẩn trốn, tiêu hủy tài sản, chứng cứ tang vật, xóa hết dấu vết hoặc tiếp tục gây án. Mặt khác, các chứng cứ sau khi kiểm tra đánh giá, đã xác định được giá trị chứng minh của chứng cứ thì chỉ được sử dụng đúng với giá trị của nó, việc sử dụng cần căn cứ vào giới hạn, giá trị chứng minh của từng chứng cứ, không được phép phán đoán chủ quan, sử dụng gượng ép, ngoài khả năng chứng minh của từng chứng cứ. Sử dụng đúng giá trị chứng minh của chứng cứ cho phép người tiến hành tố tụng xác định đúng sự thật khách quan, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt kẻ phạm tội.

Vật chứng là chứng cứ phải đảm bảo sử dụng nhiều lần: Không được xử lý vật chứng trước khi có quyết định của người có thẩm quyền, xử lý vật chứng phải theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Việc bảo quản vật chứng phải bảo đảm không làm mất mát, hư hỏng, thất lạc chứng cứ, bảo quản, gìn giữ nguyên vẹn giá trị chứng minh và cả giá trị kinh tế của vật chứng, phải đảm bảo cho vật chứng có giá trị chứng minh được sử dụng nhiều lần cho đến khi kết thúc vụ án. Có nhiều vật chứng việc bảo quản rất phức tạp, khó khăn, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tuân thủ nghiêm chỉnh những quy định của BLTTHS. Đặc biệt, phải thận trọng khi sử dụng vật chứng là công cụ, hung khí, là vũ khí, chất nổ, những vật mang vết, dễ vỡ, dễ bị xóa dấu vết, những tài liệu chỉ có một bản là chứng cứ gốc chứng minh hành vi phạm tội của bị can, bị cáo.

(Trích bài viết: “Thu thập, kiểm tra, đánh giá và nguyên tắc sử dụng chứng cứ trong tố tụng hình sự” của Ts. Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh, TCKS số 21/2017)

TCKS số 21/2017