Đóng dấu bút lục biên bản, tài liệu hồ sơ vụ án vào giai đoạn nào?

Ngày đăng : 10:31, 28/02/2018

(Kiemsat.vn) - Khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015 không nêu rõ là cần thực hiện việc đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát vào biên bản, tài liệu do Cơ quan điều tra thu thập được từ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án, nên còn có cách hiểu khác nhau về vấn đề này.

Ảnh minh họa

Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự  năm 2015 quy định về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ để giải quyết vụ việc hình sự. So với Bộ luật tố tụng hình sự 2003, đây là quy định mới Kiểm sát viên cần phải đặc biệt lưu ý tại khoản 5 Điều 88 về thu thập chứng cứ đó là: "Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này"

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Kiểm sát viên tăng cường hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động điều tra, lập hồ sơ vụ án của Điều tra viên, đồng thời là căn cứ để Kiểm sát viên thực hiện tốt hơn quyền công tố của mình trong quá trình giải quyết vụ việc hình sự. Do đó, yêu cầu Kiểm sát viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát tiến độ điều tra, xây dựng yêu cầu điều tra chính xác, kịp thời và thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Trong quá trình chứng minh ở các giai đoạn tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải sử dụng chứng cứ để ra quyết định tố tụng. Các quyết định tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử bất kỳ một vụ án hình sự nào đều phải sử dụng các chứng cứ thu thập được có trong hồ sơ vụ án để phân tích, đánh giá, lập luận trước khi đưa ra các quyết định tố tụng quan trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự.

Theo quy định của pháp luật: "Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án" . Tuy nhiên, quy định này không nêu rõ là cần thực hiện việc đóng dấu bút lục vào biên bản, tài liệu do Cơ quan điều tra thu thập được từ giai đoạn nào của quá trình giải quyết. Hiện có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này:

Quan điểm thứ nhất: Việc đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát chỉ thực hiện khi đã có Quyết định khởi tố vụ án hình sự, bởi vì theo quy định tại Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: "Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án". Theo cách hiểu theo từ ngữ thì hồ sơ vụ án là hồ sơ đã được khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật. Do đó, việc đóng dấu bút lục vào hồ sơ vụ án chỉ được thực hiện đối với những biên bản, tài liệu được thu thập sau khi có quyết định khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra.

Quan điểm thứ hai: Việc thực hiện đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát đối với biên bản, tài liệu do Cơ quan Điều tra thu thập được thực hiện kể từ lúc xảy ra vụ việc, tức là từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố bởi vì: Kể từ ngày 01/01/2018 việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định tại phần thứ hai: Khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Bộ luật Tố tụng hình sự  năm 2015. Trong quá trình giải quyết tin báo về tội phạm Cơ quan điều tra có trách nhiệm phải chứng minh có hành vi phạm tội xảy ra hay không, nên việc thu thập các nguồn chứng cứ để chứng minh tội phạm được thực hiện ngay từ lúc tiếp nhận tin báo và chứng cứ đó được sử dụng trong quá trình giải quyết vụ án, được sử dụng cho việc điều tra, truy tố và xét xử.

Trên đây là một số quan điểm về việc quy định đóng dấu bút lục vào biên bản, tài liệu do cơ quan điều tra thu thập trong quá trình giải quyết vụ án, tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai. Do còn các quan điểm, ý kiến chưa thống nhất, rất mong liên ngành tư pháp Trung ương hướng dẫn chi tiết quy định này.

Phan Hồng Quang - VKSQS khu vực 41, QK4