An toàn thực phẩm mùa lễ hội: Chuyện chưa bao giờ cũ

Ngày đăng : 09:17, 28/02/2018

(Kiemsat.vn) - Ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, người dân lại nô nức đi lễ hội. Theo đó, những dịch vụ ăn uống mọc lên như nấm sau mưa. Mùa lễ hội năm nay, vấn đề an toàn thực phẩm dù đã có những thay đổi theo hướng tích cực nhưng vẫn là nỗi lo thường trực.

Vẫn còn nhiều sai phạm 

Lễ hội đầu xuân là “mùa vàng” để các cơ sở kinh doanh thực phẩm “gặt hái”. Nhưng rất nhiều hàng quán không đáp ứng đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm như: dụng cụ đựng đồ ăn không không đảm bảo, nguyên liệu chế biến không rõ nguồn gốc, chứa chất độc hại… Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, khiến thực khách mắc bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn E.coli, lao phổi, viêm gan…

Đơn cử như tại Hà Nội, mấy ngày vừa qua, các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) do Sở Y tế Hà Nội chủ trì đã kiểm tra các điểm kinh doanh tại một số lễ hội lớn trên địa bàn và bước đầu phát hiện nhiều sai phạm…

Theo thông tin của Hà Nội mới, ngày 23-2, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của TP Hà Nội do Sở Y tế Hà Nội chủ trì đã tiến hành kiểm tra 4 nhà hàng, quán cơm ở chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Kết quả, 3/4 cơ sở không tuân thủ việc bảo quản thực phẩm trong tủ chuyên dụng, bày bán thực phẩm tươi sống lẫn lộn với thực phẩm chín ngay trước cửa quán. Ngoài ra, qua xét nghiệm nhanh cũng phát hiện 2/4 quán hàng có nhiều bát đĩa rửa không sạch…

Năm nay, khu vực chùa Hương có 145 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Dù ở đâu cũng thấy tấm giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm lồng trong khung kính nhưng nhiều nhà hàng không chấp hành những quy định tối thiểu về việc bảo quản thực phẩm, vệ sinh dụng cụ, không bố trí các thùng đựng rác nên thực khách vô tư xả thức ăn thừa, giấy ăn ngay xuống nền đất. 

Một cơ sở tại chùa Hương bảo quản thực phẩm chín không đúng quy định (Ảnh Hà Nội mới)

Anh Nguyễn Xuân Bắc, một chủ nhà hàng khá lớn cho biết: “Trung bình mỗi ngày lễ hội, chúng tôi đón tiếp khoảng 3.000 khách. Do lượng khách đông nên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm khó tránh khỏi sơ suất!”

Cũng theo ghi nhận từ An ninh thủ đô, tại khu vực phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ), hiện có 21 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Mỗi ngày phủ Tây Hồ đón trên một vạn lượt khách. Nơi đây gần như biến thành “bãi chiến trường” với vô số rác, giấy ăn xả trắng cả nền đất. Những quán hàng nhỏ lẻ, di động như bánh tôm, bún ốc bày lộ thiên ngay bên đường đi tấp nập khách đi lễ; thực phẩm không được đậy điệm; người bán hàng không đeo găng tay, thản nhiên đếm tiền rồi lại bốc thức ăn cho khách…

Trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2018, tính đến ngày 24-2, tại hơn 13.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, hơn 700 đoàn kiểm tra của thành phố và các quận, huyện; xã, phường đã phát hiện trên 2.800 cơ sở vi phạm, tiến hành xử phạt hơn 1.400 cơ sở với số tiền gần 5,3 tỷ đồng, Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho biết.

Chung tay giám sát an toàn thực phẩm

Nguyên nhân của việc mất an toàn thực phẩm mùa lễ hội là do ý thức, trách nhiệm bảo đảm ATTP của cộng đồng chưa cao, đặc biệt là việc chấp hành các quy định, hướng dẫn bảo đảm ATTP chưa nghiêm, chưa tự giác và còn gian dối trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; dễ dãi trong lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm.

Việc bảo đảm VSATTP mùa lễ hội cần sự chung tay của cả cộng đồng (Ảnh Hà Nội mới)

Ngay từ thời điểm trước Tết Nguyên đán, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP đã ra Chỉ thị số 09/CT-BCĐTƯVSATTP yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018.

Cụ thể, đẩy mạnh hoạt động truyền thông đến các đối tượng sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm (điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở, trang thiết bị, vệ sinh cá nhân người sản xuất, chế biến thực phẩm; quy định nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, ghi nhãn thực phẩm; vệ sinh ăn uống; lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn…).

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Kết hợp lấy mẫu thực phẩm, ưu tiên xét nghiệm sớm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã kêu gọi người dân tham gia giám sát ngăn chặn thực phẩm bẩn, đồng thời công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin về an toàn thực phẩm mùa Lễ hội Xuân. Người dân có thể thông báo các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm theo các số điện thoại đường dây nóng sau: 0243 232 1556 hoặc 0911 811 556.

Cục An toàn thực phẩm đang tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, bánh, kẹo, rượu, cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, các cơ sở kinh doanh ăn uống, thức ăn đường phố phục vụ lễ hội.

Mùa lễ hội vẫn còn dài, thiết nghĩ bên cạnh những nỗ lực của ngành chức năng, người dân và du khách cũng nên nâng cao ý thức, cùng chung tay giám sát ATTP, phát hiện và phản ánh thông tin về các cơ sở vi phạm để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Nghị định 178/2013/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể về việc xử lý các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Theo đó, tùy thuộc vào hành vi và mức độ vi phạm, đối tượng vi phạm sẽ phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung; bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.

Cẩm Thi