Chuyện về anh

Ngày đăng : 10:58, 21/02/2018

(Kiemsat.vn) - Anh không được phong tặng những danh hiệu hoành tráng, nhưng anh xứng đáng được nhận tấm Huy chương là sự tin yêu của đồng chí, đồng đội.

Chuyện tôi kể về anh khá “đặc biệt”. Thường người ta vẫn nghĩ gương người tốt, việc tốt phải là những con người giành được nhiều danh hiệu cao quý. Anh không gặp may chăng, hay điều kiện cụ thể của đơn vị chưa đưa anh đến các danh hiệu đó. Nhưng ở anh, tôi vẫn thấy có tấm Huy chương khác, đó là sự tin yêu của đồng chí, đồng đội dành cho anh… Tôi đem băn khoăn của mình trình bày với đồng chí Viện trưởng, “sếp” của tôi đồng ý và khích lệ, tôi cầm bút, viết ngay.

Rời quân ngũ tháng 10/1982 với cấp bậc trung úy, đồng chí Vũ Ngọc Bản được tiếp nhận về VKS tỉnh Nghệ An. Mới “chân ướt chân ráo” về công tác tại VKS tỉnh và học bổ túc nghiệp vụ kiểm sát tại đơn vị, theo sự phân công của tổ chức, anh lên nhận công tác tại VKS huyện Quỳ Hợp, huyện miền núi phía Tây Nghệ An từ đó.

Thời kỳ đó, Quỳ Hợp tuy là một huyện miền núi nhưng khi có sự ra đời của Liên hiệp thiếc Nghệ Tĩnh thì giao lưu rộng rãi hơn, là địa bàn của nhiều dân tộc sinh sống nên tình hình trật tự trị an khá phức tạp. Án xảy ra nhiều và nghiêm trọng. Các tập tục mê tín dị đoan lạc hậu còn tồn tại, nạn chặt phá rừng làm nương rẫy là tình trạng phổ biến. Trong khi đó, lực lượng cán bộ, kiểm sát viên của đơn vị quá ít, chủ yếu là người dân tộc, chưa được đào tạo nghiệp vụ chu chỉnh. Với vốn kiến thức văn hóa phổ thông và vốn nghiệp vụ kiểm sát ít ỏi, đồng chí Bản cùng với đồng nghiệp tự học, tự tìm hiểu để áp dụng chức năng nghiệp vụ của ngành vào thực tiễn công tác.

Chỉ có hai kiểm sát viên, trong đó có một kiểm sát viên là viện trưởng. Một mình đồng chí Bản giải quyết công việc cụ thể ở các khâu hình sự, kiểm sát chung, KSXXDS, văn phòng. Anh đã nghiên cứu mở bản theo dõi án KSĐT, KSXXHS, tiện cho các đồng chí trong đơn vị thực hiện. Các bảng biểu mẫu đó là một trong những sáng kiến của anh và được đơn vị áp dụng đến nay.

Đỉnh cao phức tạp của Quỳ Hợp là những năm đầu của thập kỷ 90. Cơn sốt đá đỏ ở huyện Quỳ Châu đã biến Quỳ Hợp thành nơi “ém quân” của tội phạm. Hàng vạn người đến khai thác đá Rubi kéo theo hàng trăm vụ cướp, giết người, cưỡng đoạt, gây rối trật tự công cộng. Trước tình hình đó, với trách nhiệm là phó viện trưởng phụ trách công tác hình sự, Vũ Ngọc Bản cùng đồng nghiệp tăng cường và quản lý tin báo tội phạm, phân loại xử lý kịp thời các vụ việc, kiên quyết đưa ra truy tố các vụ án, cùng với 3 ngành xác định 10 vụ án điểm đưa ra xét xử lưu động, phúc đáp được nhiệm vụ chính trị, không có vụ nào oan sai. Tỷ lệ án kết thúc điều tra so với án khởi tố hàng năm đạt từ 85% - 90%. Năm 1996, đồng chí viện trưởng vì sức khỏe phải đi điều trị dài ngày, xấp xỉ 50% quân số đi học, một mình anh ghánh vác nhiệm vụ quản lý đơn vị, giải quyết công việc cụ thể. Qua kiểm tra việc thực hiện kế hoạch năm 1996, VKS Quỳ Hợp là đơn vị điển hình. Thi hành án hình sự đạt 100% (thi hành 28/29 bị án, một bị án được tạm hoãn), tỷ lệ kết thúc điều tra so với án khởi tố đạt 90%. Hầu hết các trường hợp tạm giam đều xử án giam. Trong thành tích chung của đơn vị, có sự đóng góp đáng kể của đồng chí Bản.

Về cuộc sống đời thường, anh là người gần gũi với đồng chí, đồng đội, sống giản dị, khiêm tốn, sẵn sàng và hết lòng giúp đỡ đồng chí mình khi hoạn nạn, khó khăn. Anh thực sự là người anh của lớp cán bộ trẻ, vừa làm vừa học.

Chuyện về anh giản dị như cái tên của anh, nhưng đẹp và đáng yêu như bông hoa của núi rừng miền Tây xứ Nghệ.

Trần Thanh Thủy

TCKS in