Vụ án gián điệp và những bài học cảnh giác (kỳ 2) - Khẩn trương chuẩn bị cáo trạng

Ngày đăng : 07:34, 15/02/2018

(Kiemsat.vn) - Do tính chất khẩn trương của vụ án nên lúc đầu Cơ quan điều tra chỉ kết luận từng bị can riêng lẻ, chưa có bản kết luận chung và chuyển ngay cho Viện kiểm sát để nghiên cứu. Vì vậy, khi viết cáo trạng phải có kỹ năng tổng hợp hành vi cụ thể của các bị can. Tổ làm án đã bàn bạc rất kỹ và đi đến thống nhất đề cương.

Vụ Kiểm sát điều tra án an ninh lúc đó có sự thay đổi về nhân sự. Đồng chí Lê Mai được bổ nhiệm làm Vụ trưởng thay đồng chí Nguyễn Gia Thụy. Phó Vụ trưởng có các đồng chí Hoàng Trọng Lãm, Phan Xuân Bá và Nguyễn Chí Thiện.

Viện trưởng VKSND tối cao thành lập tổ làm án bao gồm các cán bộ của Vụ Kiểm sát điều tra án an ninh và trưng tập một số các đồng chí ở các vụ khác. Tổ làm án gồm có: các đồng chí Lê Mai vụ trưởng, Dương Thanh Biểu, Hoàng Thanh Đạm, Hoàng Trọng Lãm (Vụ 2C) và đồng chí Nguyễn Hoành Hội (Vụ 2A); Phùng Như Tân, (Phòng Điều tra - P6); Phạm Phổ (Vụ 3). Tổ làm án do đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Tề trực tiếp chỉ đạo.

Trung tuần tháng 6 năm 1984, tổ làm án chúng tôi được lệnh lên đường. Có lẽ rất ít các vụ án mà người trực tiếp chỉ đạo giải quyết là đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao. Đồng chí Trần Tề cùng ăn ở với anh em chúng tôi tại Đại diện Văn phòng VKSND tối cao ở thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí Trần Tề sinh năm 1922 tại xã Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Đồng chí tham gia cách mạng từ khi còn trẻ. Tháng 8 năm 1945, đồng chí Trần Tề tham gia cướp chính quyền tại tỉnh Quảng Ngãi và được cử giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Năm 1960 đến năm 1970, đồng chí là Vụ trưởng thuộc Ban Tổ chức Trung ương. Năm 1970 đến năm 1979 đồng chí là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất. Tháng 1 năm 1979, đồng chí Trần Tề được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Tổ làm án được chia thành hai nhóm. Nhóm làm nhiệm vụ kiểm sát điều tra và nhóm làm nhiệm vụ kiểm sát xét xử. Trước khi đi vào nhận nhiệm vụ, đồng chí Lê Mai căn dặn rất ngắn gọn: Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án và phục vụ chủ trương của Đảng và Nhà nước về đấu tranh làm thất bại âm mưu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ địch, yêu cầu đặt ra là vụ án phải được truy tố, xét xử một cách nhanh nhất và theo thủ tục sơ thẩm đồng thời chung thẩm (sau khi tuyên án là có hiệu lực thi hành ngay)!

Tổ làm án được giao nhiệm vụ trực tiếp kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử vụ án, bảo đảm việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Vào thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi được bố trí ăn ở tại T44. Hàng ngày chúng tôi sang Bộ Công an nghiên cứu hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Chúng tôi được Văn phòng VKSND tối cao cho mượn mấy chiếc xe đạp để đèo nhau sang Bộ Công an làm việc. Hồi đó, Sài Gòn ít xe máy và ô tô nên chúng tôi đạp xe sang nơi làm việc cũng không khó khăn lắm. Lãnh đạo VKSND tối cao đề ra yêu cầu: Cơ quan điều tra xét hỏi bị can nào thì cán bộ của tổ làm án phải bám sát để nghiên cứu kịp thời. Nếu bản cung nào chưa rõ, còn mâu thuẫn ở điểm nào, hoặc mâu thuẫn với lời khai các bị can khác thì đề ra yêu cầu điều tra tiếp. Bị can nào đã được hỏi đầy đủ thì Viện kiểm sát tiến hành phúc cung. Phấn đấu, khi Cơ quan điều tra có kết luận điều tra thì Viện Kiểm sát cũng có thể xây dựng được cáo trạng.

Các đồng chí trong Ban chỉ đạo KHCM12 tại “Tổng hành dinh” dã chiến, chỉ đạo triển khai kế hoạch đón bắt bọn phản động lưu vong, năm 1983 tại huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh sưu tầm: K.Hà  (nguồn trang Đại biểu nhân dân của Quốc hội)

Ban chuyên án của Cơ quan Điều tra lúc bấy giờ có các đồng chí Nguyễn Khánh Toàn (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an), các anh Nguyễn Phước Tân (Hai Tân), anh Lê Tiền (Hai Tiền). Sau này đều là cán bộ cấp cao của Ngành Công an nhân dân và đều là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Các đồng chí bên Cơ quan điều tra cũng rất quan tâm đến công tác giám sát điều tra của Viện kiểm sát. Mỗi lần chúng tôi sang bên đó làm việc đều được các đồng chí tạo điều kiện thuận lợi nhất để làm tốt nhiệm vụ kiểm sát điều tra.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi tiến hành phúc cung các bị can và bắt tay vào dự thảo bản cáo trạng truy tố 21 bị can. Tuy đây là vụ án được chuẩn bị hết sức khẩn trương nhưng yêu cầu về nghiệp vụ phải rất chính xác.Vụ án này có nhiều bị can nên anh em chúng tôi đã phân công nhau nghiên cứu từng nhóm một và dự thảo kỹ lưỡng phần việc của mình được giao. Trên cơ sở chuẩn bị của từng nhóm rồi tổng hợp lại. Cũng do tính chất khẩn trương của vụ án nên lúc đầu Cơ quan điều tra chỉ kết luận từng bị can riêng lẻ, chưa có bản kết luận chung và chuyển ngay cho Viện kiểm sát để nghiên cứu. Vì vậy, khi viết cáo trạng phải có kỹ năng tổng hợp hành vi cụ thể của các bị can. Tổ làm án đã bàn bạc rất kỹ và đi đến thống nhất đề cương:

 Phần thứ nhất là nội dung, tính chất vụ án. Đây có thể được coi là phần chung của bản cáo trạng.

 Phần thứ hai là nêu cụ thể quá trình diễn biến của vụ án. Phần này nêu rõ vai trò trách nhiệm, hành động làm gián điệp của 21 bị can.

 Phần thứ ba là phần quyết định.

 Những nội dung trên đây đòi hỏi người viết cáo trạng không chỉ nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án mà còn phải có phương pháp tổng hợp tốt. Nhiệm vụ biên tập được giao cho đồng chí Lê Mai và tôi đảm nhiệm. Đồng chí Lê Mai là người rất chú ý văn phong và yêu cầu viết ngắn gọn nhưng phải súc tích; mỗi nhận định, mỗi nhận xét về nội dung nào đó đều được anh tính toán rất thận trọng, chặt chẽ, viện dẫn các tài liệu chứng cứ chứng minh. Là cán bộ trẻ được làm việc bên cạnh đồng chí Vụ trưởng Lê Mai tôi học được rất nhiều điều. Bản cáo trạng dự thảo xong, đồng chí Trần Tề xem rồi yêu cầu các thành viên trong tổ tham gia đầy đủ ý kiến của mình. Sau đó chúng tôi lại tiếp tục tu chỉnh, chú trọng tới các lập luận phải sắc sảo và viện dẫn các chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của từng bị can phải hợp lý, lô gích.

Chiều cuối năm. Trời Sài Gòn vẫn nóng hầm hập. Tôi cùng anh Lê Mai và bác Nguyễn Hoành Hội mặc áo ba lỗ, loay hoay sửa lại bản cáo trạng lần cuối. Nếu như anh Lê Mai vô cùng cẩn thận khi dùng từ ngữ thì bác Nguyễn Hoành Hội lại hay nảy ra nhiều ý mới khi soạn thảo văn bản. Một lần, chúng tôi đang cụm đầu tu chỉnh bản cáo trạng vụ án thì đồng chí Trần Tề đến thăm. Thấy chúng tôi đang hì hụi làm việc, thay cho lời chào, đồng chí hỏi với giọng trìu mến: Mấy hôm nay các đồng chí vất vả lắm phải không? Vì thời gian và công việc rất gấp nên mỗi anh em chúng ta đều phải gắng sức một chút nhé!  Một nụ cười đôn hậu nở trên môi anh. Ranh giới giữa cấp trên, cấp dưới hình như cũng không còn nữa. 

Đồng chí Trần Tề hỏi anh Lê Mai: Bên điều tra đã chuyển hết hồ sơ cho ta chưa? Hít nốt hơi thuốc lá còn lại, chớp chớp đôi mắt, đồng chí Lê Mai trả lời: Báo cáo đồng chí, đến nay cơ bản họ đã chuyển đầy đủ hồ sơ cho ta. Chỉ còn vài chi tiết nhỏ nữa thôi. Chúng tôi đang cho anh em khẩn trương nghiên cứu!

Nghe đồng chí Lê Mai nói vậy tôi chợt nghĩ, đúng là từ hôm vào đây chẳng có ai không làm thêm giờ. Đêm nào anh em cũng tranh thủ đọc rồi viết, viết rồi lại đọc. Anh Lê Mai bảo tôi lấy một bản dự thảo cáo trạng đưa cho đồng chí Trần Tề. Tôi chọn bản cáo trạng đánh máy rõ nhất, sạch nhất cầm cả hai tay đưa cho Viện phó:

Đồng chí Trần Tề vỗ vai tôi mỉm cười rồi nói với mọi người: Về mặt văn phong, chứng cứ thì đề nghị anh Lê Mai và mấy anh em rà soát cho kỹ nhé, mình không có thời gian đâu!

Đồng chí Lê Mai một tay cầm bản cáo trạng, tay kia không rời cây bút khẳng định: Báo cáo, đồng chí cứ yên tâm. Vụ án này anh em chúng tôi đọc kỹ lắm đấy ạ!

Đồng chí Trần Tề gật đầu tỏ ý vừa lòng: Đồng chí cho anh em chuẩn bị 10 bản. 19 giờ tối nay các anh đi họp với tôi nhé! Khi thủ trưởng Viện về rồi, anh Lê Mai giao việc cho tôi: Tối nay tớ bận đột xuất, cậu đi với đồng chí Trần Tề nhé. Tôi gật đầu và chuẩn bị in thêm 10 bản dự thảo cáo trạng.

 Tối. Ngồi trên xe với đồng chí Trần Tề tôi mới biết cuộc họp hôm nay do đồng chí Phạm Hùng chủ trì. Đến nơi, đồng chí Phạm Hùng bắt tay chúng tôi với nét mặt rất vui. Nhìn anh Trần Tề, đồng chí Phạm Hùng nói bằng giọng Nam bộ rất ấm. Thế nào rồi? Cáo trạng xong chưa?

Đồng chí Trần Tề vui vẻ đáp: Báo cáo anh đã xong. Hôm nay chúng tôi có đưa đến đây 10 bản để xin ý kiến các anh! Nói đoạn, đồng chí Trần Tề bảo tôi đưa một bản cho đồng chí Phạm Hùng. Còn lại gửi cho đại biểu các ngành có liên quan như lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao...        

Vào cuộc họp, đồng chí Phạm Hùng nói về tính chất nguy hiểm của vụ án, đại ý: Sau khi chiến tranh kết thúc, chúng ta muốn hoà bình để xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân nhưng kẻ thù không cho chúng ta thực hiện điều đó. Chúng đang cấu kết với nhau tiến hành chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống nhân dân ta. Việc xử lý vụ án này là dịp để chúng ta lên án trước dư luận trong và ngoài nước về âm mưu thâm độc ấy của kẻ địch… Đồng chí đề nghị các đại biểu đại diện cho các ngành báo cáo về công tác chuẩn bị xét xử vụ Lê Quốc Tuý - Mai Văn Hạnh.

 Đồng chí Phạm Hùng quê ở Vĩnh Long. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Sau khi Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối đồng chí là Phó Thủ tướng. Từ năm 1981, đồng chí là Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng), kiêm Bộ trưởng Bộ Công an. Sau này đồng chí Phạm Hùng là Thủ tướng Chính phủ.

 Đồng chí Phạm Hùng căn dặn các ngành phải khẩn trương chuẩn bị, đảm bảo việc đưa vụ án gián điệp ra xét xử đạt được mục đích, yêu cầu và thời gian đề ra. Khi đề cập đến công tác của Viện kiểm sát đồng chí Phạm Hùng nhìn anh Trần Tề nói thêm: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng về sự cấu kết giữa bọn phản động trong nước và bọn phản động nước ngoài. Để vạch trần âm mưu thâm độc của kẻ thù về tiến hành chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống nhân dân ta, phiên toà cần mời một số hãng thông tấn nước ngoài vào để đưa tin. Mà phóng viên nước ngoài vào dự phiên tòa thì họ cũng chỉ quan tâm đến bản cáo trạng thôi đấy. Do vậy, bản cáo trạng phải được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần gửi dự thảo bản cáo trạng đến các ngành để tham gia ý kiến với tinh thần chặt chẽ, không để sơ hở khiến kẻ địch có thể lợi dụng đả kích, xuyên tạc chúng ta.

Nhóm Kiểm sát điều tra chúng tôi do đồng chí Lê Mai chủ trì xây dựng bản cáo trạng. Nhóm kiểm sát xét xử do đồng chí Phạm Phổ, Kiểm sát viên của Vụ 3 chuẩn bị bản luận tội. Tôi được anh Lê Mai giao nhiệm vụ tổng hợp ý kiến của các Bộ, Ban, Ngành nên đã cố gắng thể hiện đầy đủ và chuẩn xác các nội dung góp ý.Ngay tối hôm đó chúng tôi lại tiếp tục hoàn chỉnh cáo trạng. Sáng hôm sau, bản dự thảo cáo trạng được chuyển cho Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Ngoại giao… để tham gia ý kiến. Chỉ 5 ngày sau, VKSND tối cao đã nhận được văn bản góp ý. Những ý kiến của các Bộ, Ngành rất xác đáng. Đây là văn bản pháp lý truy tố các bị can ra Toà án nhưng có liên quan mật thiết đến công tác đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Cho nên có nhiều nội dung mà các Bộ, Ngành góp ý rất hợp lý. Ví dụ: Đối với sự tài trợ của nước ngoài cho tổ chức gián điệp này thì mỗi nước, mỗi tổ chức (có cả tổ chức phi chính phủ) cũng ở mức độ khác nhau và mối quan hệ giữa ta với các nước ấy, các tổ chức ấy cũng ở những cấp độ ngoại giao không giống nhau nên liều lượng nêu trong cáo trạng như thế nào cũng cần phải cân nhắc, tính toán cho hợp lý. Chúng tôi tiếp thu các ý kiến này và khẩn trương hoàn chỉnh bản cáo trạng để tống đạt cho các bị can.

Xin nói đôi chút về đồng chí Lê Mai. Anh sinh năm 1927. Quê ở Đà Nẵng. Đồng chí phục vụ Ngành Công an Đà Nẵng từ thời còn trẻ. Năm 1954, tập kết ra Bắc và công tác tại Bộ Công an. Năm 1958, chuyển về Viện công tố. Năm 1971, đồng chí được Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cao cấp và sau đó được Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng rồi Vụ trưởng Vụ Kiểm sát điều tra án an ninh.

 

Toán gián điệp biệt kích bị bắt khi xâm phạm vùng giải phóng, Thị xã Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, năm 1973.  Ảnh sưu tầm minh họa  (nguồn trang Đại biểu nhân dân của Quốc hội)

 

 

 

 

 

Tối ngày 02/12/1984, tại T44, tập thể Lãnh đạo VKSND tối cao họp nghe lần cuối bản cáo trạng. Cuộc họp do đồng chí Viện trưởng Trần Lê chủ trì. Tham gia họp có các đồng chí Phó Viện trưởng Trần Hiệu, Nguyễn Quốc Hồng, Trần Tề, Nguyễn Văn Thìn và một số đồng chí chuyên viên. Mở đầu, đồng chí Trần Tề báo cáo khái quát quá trình chuẩn bị của tổ làm án, sự chỉ đạo của cấp trên đối với vụ án. Tiếp đó, đồng chí Lê Mai báo cáo tóm tắt nội dung vụ án và quá trình chuẩn bị cáo trạng. Theo phân công của đồng chí Trần Tề thì đồng chí Lê Mai sẽ đọc dự thảo cáo trạng. Nhưng hôm ấy đồng chí Lê Mai bị cảm cúm nên yêu cầu tôi đọc. Lần đầu tiên tôi được đọc dự thảo bản cáo trạng trước đông đủ tập thể Lãnh đạo Viện nên cũng rất hồi hộp. Đồng chí Lê Mai biết tính tôi hay nói nhanh nên dặn nhỏ “cậu đọc chầm chậm thôi nhé”.

Tuy hồi hộp lo lắng nhưng cuối cùng tôi cũng đọc xong 24 trang bản cáo trạng. Các đồng chí Lãnh đạo Viện hỏi thêm một số nội dung và đóng góp nhiều ý kiến. Các ý kiến Lãnh đạo Viện tập trung nêu đậm nét về âm mưu thâm độc của kẻ thù trong việc tiến hành chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống nhân dân ta. Sau khi các Lãnh đạo Viện phát biểu xong và anh Lê Mai xin tiếp thu, đồng chí Trần Lê kết luận, trong đó có nhiều vấn đề rất mới mà anh em chúng tôi chưa lường hết được. Đồng chí Viện trưởng nói: Tôi thấy tổ làm án dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Tề đã có rất nhiều cố gắng đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc. Lãnh đạo các ngành Công an, Tòa án cũng rất khen ngợi về tinh thần hợp tác làm việc của VKSND tối cao. Vừa rồi tôi có gặp ông Chandra, Chủ tịch Tổ chức Hòa bình Thế giới sang TP Hồ Chí Minh tham dự xét xử vụTS án gián điệp này. Ông Chandra cho rằng, Việt Nam chuẩn bị xét xử vụ án này rất công phu, chu đáo và tin tưởng sẽ thành công. Tuy nhiên, ông lại hỏi tôi rằng các loại súng, đạn và phương tiện chiến tranh được đưa ra triển lãm tại nhà hát Hòa Bình thì các đồng chí lấy từ đâu ra? Nếu không làm rõ tình tiết này thì kẻ xấu sẽ xuyên tạc cho đó là súng đạn lấy từ các kho của quân đội Việt Nam đưa ra triển lãm. Bởi vì súng đạn triển lãm tại nhà hát Hoà Bình với súng đạn trong các kho của quân đội, công an chắc không khác nhau gì lắm. Vì vậy, ông Chandra có đề nghị chúng ta cần củng cố các thủ tục, tài liệu pháp lý cho chặt chẽ hơn!

Đây là một phát hiện cực kỳ thông minh và có cơ sở pháp lý. Thế mới biết các nhà chính trị của chúng ta rất giàu kinh nghiệm và am hiểu thực tiễn của đời sống pháp lý. Nếu không xử lý theo đề nghị của ông Chanđra thì rất dễ hiểu nhầm và có thể bị kẻ xấu xuyên tạc đổi trắng thay đen. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng, hôm sau anh Lê Mai và tôi sang gặp các anh bên Cơ quan điều tra. Sau khi nghe anh Lê Mai đề nghị xử lý một số vấn đề theo ý kiến của Viện trưởng thì các đồng chí bên công an rất đồng tình. Nhờ đó, các thủ tục pháp lý như biên bản thu giữ súng đạn, tàu thuyền, phương tiện chiến tranh mà Cơ quan điều tra đã lập khi bắt giữ kẻ phạm tội được sao thành nhiều bản và được niêm yết tại các phòng triễn lãm tại nhà hát Hoà Bình. Đây là chứng cứ quan trọng khẳng định các phương tiện chiến tranh như súng, đạn, thuốc nổ, máy thông tin, tiền Việt Nam giả được đưa ra triễn lãm tại nhà hát Hoà Bình là tang vật của vụ án và được thu giữ theo đúng các thủ tục, trình tự của pháp luật quy định.

Ngày 06/12/1984, bản cáo trạng số 02/CT do đồng chí Trần Tề ký được ban hành truy tố 21 bị can ra trước Tòa án nhân dân tối cao để xét xử theo trình tự sơ thẩm đồng thời chung thẩm. Ngày hôm sau anh Lê Mai chủ trì cùng mấy anh em chúng tôi vào trại giam để tống đạt cáo trạng. Khi nghe công bố bản cáo trạng các bị can đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

TS, nhà văn Dương Thanh Biểu

TCKS