Mâm cơm tất niên, mâm cơm đoàn viên

Ngày đăng : 08:19, 14/02/2018

(Kiemsat.vn) - Bữa cơm cuối cùng của năm cũ để bắt đầu bước vào một năm mới và được gọi là bữa cơm tất niên. Với nhiều người Việt Nam, bữa cơm Tất niên mới thật sự là Tết, mới là một bữa ăn quan trọng nhất trong năm.

Ý nghĩa của lễ cúng Tất niên là để  thể hiện tấm lòng thành của gia đình để tri ân đất, trời, thần linh và cũng mời ông Công, ông Táo từ Thiên đình trở về tiếp tục cai quản việc bếp núc cho gia đình... Bên cạnh đó, gia chủ cũng báo cáo cho tổ tiên biết tình hình làm ăn, kết quả học tập của con cháu trong năm vừa  qua, sau đó là mời tổ tiên về ăn tết cùng gia đình, phù hộ cho con cháu sang năm mới sức khỏe, làm ăn gặp nhiều thuận lợi, may mắn… 

Tùy theo điều kiện gia đình cũng như phong tục tập quán mỗi vùng mà mâm lễ cúng Tất niên thịnh soạn hay bình thường. Tuy nhiên, một số thành phần bắt buộc phải có khi cúng theo phong tục của người Việt Nam như hương hoa, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng… thì phải có và đều được bầy biện trang nghiêm. Sau lễ cúng, đợi tàn hương là cả gia đình quây quần bên mâm cơm Tất niên.

Mâm cơm tất niên thường được tổ chức vào buổi chiều 30 Tết, ngày cuối cùng của năm. Lúc này, nhà cửa đã được quét tước, dọn dẹp xong, việc trang trí ngày tết đã hoàn thành. Cây quất đã trồng xong trong chậu được lũ trẻ vui thích xếp đá cuội trắng gốc cây rồi thi nhau chăng đèn nháy vòng quanh. Cành đào cũng đã được đốt gốc, cho vào bình và đặt vào đúng vị trí trang trọng nhất trong phòng khách. Bánh chưng đã được vớt lên từ sáng, ép bằng ván cho rền bánh rồi treo lên tường bếp phòng chuột. Quan trọng hơn, sau một năm vất vả làm ăn xa, các con cháu dù muộn đến mấy thì chiều 30 Tết cũng về được đến nhà để gia đình sum họp bên mâm cơm.

Theo phong tục tập quán của dân tộc ta, bữa cơm này chỉ bao gồm những thành viên trong gia đình, tập trung toàn thể con cháu từ mọi nơi tụ hội. Câu chuyện trong bữa ăn thường là con cháu báo cáo cho ông bà, cha mẹ biết những chuyện vừa qua trong năm của mình, làm ăn tấn tới hay học hành thuận lợi hay không? Đây cũng là dịp để anh em trong nhà hóa giải những khúc mắc tồn tại trong cả năm khi không có dịp để ngồi với nhau như vậy. Đây cũng là dịp để trêu chọc cô út không chịu lấy chồng hay chú ba chưa có người yêu… Tiếng cười, tiếng nói chan hòa làm không khí gia đình rất đầm ấm.

Xong phần con cháu báo cáo, lúc này người cao tuổi nhất nhà sẽ thông báo cho con cháu những việc liên quan đến họ hàng dòng tộc như góp tiền xây mộ, từ đường, giỗ chạp hay thông báo lịch đi chúc Tết họ hàng 3 ngày tới. Bữa cơm thường kéo dài vài tiếng rồi câu chuyện lại tiếp tục bên bàn trà phòng khách. Không khí của mâm cơm tất niên càng vui vẻ đầm ấm thì những ngày đầu xuân càng rộn rã đầy ắp tiếng cười. Bên cạnh việc là bữa ăn quan trọng nhất của năm, với nhiều người, nó dường như còn là bữa ăn ngon nhất Tết bởi lẽ những ngày sau đó là đi chúc Tết, là ăn uống thất thường, là di chuyển liên tục.

Mâm cỗ Tất niên là dịp để cả gia đình đoàn viên (ảnh minh họa)

Có thể nói, bữa cơm Tất niên là nét văn hoá, in đậm trong tâm trí người Việt. Đây đã trở thành một nét đẹp truyền thống, đạo lý sâu xa của dân tộc về việc giáo dục chữ hiếu, nguồn cội cho cháu con, nhắc nhở họ nhớ về những kỷ niệm, công đức của ông bà, tổ tiên. Ngày nay, trong thời đại mới với nhịp sống gấp gáp hơn, hối hả hơn, nhiều nghi lễ bị tiết giảm hoặc tự mai một theo thời gian, nhưng chỉ riêng bữa cơm tất niên, dù không phải là một nghi thức bắt buộc trong ngày Tết, vẫn được người Việt duy trì và phát triển. Đây là một nét đẹp văn hóa của người Việt, đúng nghĩa bữa cơm tất niên, bữa cơm đoàn viên.

Sơn Tùng

Nguyễn Phạm Minh Tú