Không có căn cứ để thay đổi tội danh của siêu lừa Huyền Như

Ngày đăng : 08:47, 11/02/2018

Trên cơ sở kết quả của quá trình điều tra lại, xem xét, đánh giá động cơ, mục đích và phương thức thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội của Huỳnh Thị Huyền Như nhằm chiếm đoạt hơn 1.085 tỷ đồng trên tài khoản tiền gửi của 05 công ty; xét từ khi hình thành ý thức chiếm đoạt đến khi tội phạm hoàn thành, VKSNDTC khẳng định: Hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như là hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
 
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên toà xử án ngày 8/2/2018 

 Do đó, không có căn cứ để thay đổi tội danh của Huyền Như từ tội “Lừa đảo chiếm đảo chiếm đoạt tài sản” sang  tội “Tham ô tài sản” như Bản án phúc thẩm số 02/2015/HSPT của Toà phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM trước đó nhận định.

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như bị VKSNDTC truy tố với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS.

Với hành vi phạm tội của mình, Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt được 1.085.479.580.534 đồng tiền gửi của 05 công ty, trong đó chiếm đoạt 200.169.459.665 đồng của Công ty Hưng Yên, 170.350.000.000 đồng của Công ty An Lộc, 380 tỷ đồng của Công ty Phương Đông; 124.988.994.500 đồng của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu và 209.971.126.369 đồng của Công ty Cổ phần chứng khoán Saigonbank – Berjaya (SBBS). VKSNDTC cũng xác định Võ Anh Tuấn nguyên Cán bộ hành chính văn phòng Vietinbak CN TP.HCM là đồng phạm của Huỳnh Thị Huyền Như trong việc chiếm đoạt số tiền hơn 200 tỷ đồng của Công ty Hưng Yên.

Từ năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như đã vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và vay của nhiều cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác. Đến năm 2010 do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi cao, Huyền Như không còn khả năng trả nợ. Năm 2010, Huyền Như lại được bổ nhiệm làm Kiểm soát viên, Quyền trưởng phòng giao dịch Vietinbank Điện Biên Phủ, CN TP.HCM. Để có tiền trả nợ, từ tháng 5/2011 – 9/2011, Huyền Như đã lợi dụng các đơn vị, cá nhân gửi tiền vào Vietinbank muốn nhận lãi suất cao, một số cá nhân, đại diện các đơn vị tiền gửi có ý thức tư lợi cá nhân, muốn nhận chi lãi ngoài hợp đồng.. để gạ gẫm, dẫn dụ các đơn vị này gửi tiền vào Vietinbank. Khi các đơn vị gửi tiền vào tài khoản của họ mở tại Vietinbank, Huyền Như đã lập các giấy tờ khống, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống trực tiếp thực hiện các thao tác chuyển tiền từ các tài khoản của khách hàng đến các tài khoản của những người mà Như nợ tiền.

Như vậy, Như đã có ý định lừa đảo và ý thức chiếm đoạt số tiền hơn 1.085 tỷ đồng tiền gửi của các công ty Hưng Yên, An Lộc, Phương Đông, Bảo hiểm Toàn Cầu và Công ty SBBS khi các công ty này chưa gửi tiền vào tài khoản mở tại Vietinbank. Khi các đơn vị này gửi tiền vào Vietinbank theo sự lừa dối của Như, ngay lập tức Như đã dùng thủ đoạn làm giả hồ sơ, chữ ký và thực hiện quyền hạn của mình để chuyển tiền.

Nói riêng về hành vi phạm tội của Võ Anh Tuấn, cáo trạng chỉ rõ, Tuấn biết Như lấy tên giả, lấy danh nghĩa Vietinbak CN Nhà Bè mà Tuấn là Phó giám đốc Chi nhánh đi huy động vốn của Công ty Hưng Yên, trước khi làm giả các HĐ tiền gửi, Tuấn và Như đã trao đổi và bàn trước. Sau đó, Như đã đưa 10 tỷ đồng cho Tuấn thông qua Công ty XNK Hoàng Khải, do đó VKSNDTC đã truy tố Võ Anh Tuấn tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đồng phạm với Như.

Bản án phúc thẩm số 02/2015/HSPT của Toà phúc phẩm TANDTC tại TP.HCM nhận định hành vi chiếm đoạt hơn 1.085 tỷ đồng của Như có dấu hiệu phạm vào tội “Tham ô tài sản”. Tuy nhiên, quá trình điều tra lại, trên cơ sở xem xét, đánh giá động cơ, mục đích và phương thức thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội của Như, xác địnhh lỗi của 5 công ty khi thực iện thoả thuận trái pháp luật với Như trong việc gửi tiền hưởng lãi suất vượt trần trái quy định của Nhà nước, lỗi trong thực hiện giao dịch gửi tiền vào Vietinbank, lỗi thực hiện không đầy đủ trách nhiệm của chủ tài khoản trong việc quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi trái pháp luật của Như, đồng thời xem xét lỗi của Vietinbank trong việc giám sát, quản lý tiền gửi của khách hàng cho thấy từ khi hình thành ý thức chiếm đoạt đến khi phạm tội hoàn thành, hành vi của Như là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do đó, VKSNDTC cho rằng không có căn cứ để thay đổi tội danh của Như từ tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang tội “Tham ô tài sản” như Bản án phúc thẩm đặt ra.

Hoa Việt/Baovephapluat