Dọn sạch "sạn" những lễ hội đón Xuân Mậu Tuất: Chấn chỉnh các “điểm nóng”

Ngày đăng : 10:23, 06/02/2018

Các lễ hội đầu năm luôn là những không gian văn hóa thu hút hàng triệu lượt du khách. Nhưng, tình trạng phản cảm, biến tướng tâm linh, cướp lộc, bạo lực… vẫn diễn ra ở nhiều lễ hội, khiến dư luận bất bình... Dọn cho sạch “sạn” của lễ hội - nhiệm vụ cấp thiết của những người làm văn hóa trước thềm đón Xuân Mậu Tuất.

Các lễ hội đầu năm luôn là những không gian văn hóa thu hút hàng triệu lượt du khách. Nhưng, tình trạng phản cảm, biến tướng tâm linh, cướp lộc, bạo lực… vẫn diễn ra ở nhiều lễ hội, khiến dư luận bất bình... Dọn cho sạch “sạn” của lễ hội - nhiệm vụ cấp thiết của những người làm văn hóa trước thềm đón Xuân Mậu Tuất.

Cam kết xóa những điểm “nóng”

Trước thềm năm mới, nhiều địa phương đã tổ chức “họp nóng” ngõ hầu bàn cách “dọn sạn lễ hội”...

Về việc tổ chức lễ hội chùa Hương - nơi thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm tại miền Bắc - tại cuộc họp báo do Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) - cho biết: Lễ hội chùa Hương năm 2018 được thực hiện với chủ đề “Lễ hội Kỷ cương - Văn minh du lịch”.

Ban tổ chức nhấn mạnh, sẽ không còn hiện tượng phát lộc, cướp lộc tại lễ hội. Các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm việc quản lý các phương tiện vận chuyển khách trên suối Yến. Bên cạnh đó, bố trí bổ sung phao cứu sinh cung cấp đầy đủ cho các phương tiện tham gia vận chuyển khách, phương tiện cứu hộ đảm bảo an toàn người và tài sản cho du khách.

Tại Bắc Ninh, Sở VHTTDL tỉnh và đại diện BTC các lễ hội của địa phương cam kết xóa bỏ những điểm nóng về lễ hội. Ông Nguyễn Xuân Chung - Phó GĐ Sở VHTTDL Bắc Ninh cho hay: “Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đang được các đơn vị chức năng hết sức quan tâm. Các lễ hội trên địa bàn tỉnh được xây dựng nội quy, quy định thực hiện nếp sống văn minh tại di tích và lễ hội; Chú trọng quy hoạch tổng thể không gian lễ hội. Nghiêm cấm việc kinh doanh trong khu vực nội tự; mỗi nơi thờ tự (đình, chùa, đền).

Đối với các lễ hội lớn, thu hút nhiều khách du lịch như lễ hội Lim, lễ hội Ném Thượng, lễ hội Đền Bà Chúa Kho… được lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Các hoạt động kiểm tra, giám sát được diễn ra thường xuyên nhằm đảm bảo lễ hội trang nghiêm, an toàn”.

Nói về lễ hội chọi trâu tại Đồ Sơn, Hải Phòng, ông Hoàng Xuân Minh - Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn - cho biết: “Hiện nay quận đang xây dựng đề án về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, một trong những lễ hội truyền thống thu hút rất đông khách du lịch. Việc diễn ra lễ hội phải được đảm bảo an toàn hơn, thời gian thi đấu của trâu chọi được rút ngắn xuống còn 1 vòng và các phương án an ninh được tăng cường…

Chấm dứt hành động phản cảm

Tại Hà Nội, năm 2017, khi kết thúc lễ khai hội chùa Hương, một nhà sư đã phát tặng lộc cho phật tử và du khách có mặt tại sân chùa. Sau đó, do quá đông du khách “xin lộc”, nhà sư không thể chia tiếp cho từng người nên đã “phát lộc lên không trung”, từ đó dẫn đến tình trạng dòng người chen lấn, cướp lộc tạo nên hình ảnh phản cảm.

Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức - cho biết: “Ngay sau việc này, chúng tôi đã báo cáo Sở VHTT Hà Nội, các ngành của thành phố đề nghị Ban trị sự Phật giáo huyện Mỹ Đức có chấn chỉnh. Năm nay, chúng tôi nhắc nhở và không để xảy ra chuyện tương tự”.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng và BTC lễ hội chùa Hương sẽ thường xuyên kiểm tra các hoạt động văn hóa, xử lý nghiêm những vi phạm theo đúng quy định của Nhà nước. Phòng ngừa các tệ nạn xã hội như bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan, sách báo ngoài luồng, thuốc nam giả không rõ nguồn gốc, đồ chơi trẻ em nguy hiểm. BTC quản lý chặt chẽ các điểm kinh doanh dịch vụ, không đổi tiền lẻ trong khu vực lễ hội.

Hành vi hát quan họ, ngửa nón xin tiền vẫn tồn tại nhiều năm trở lại đây khiến nhiều du khách rất bức xúc. Không những thế nó còn làm ảnh hưởng tới hình ảnh văn hóa quan họ.

Về vấn đề này, một lãnh đạo Sở VHTTDL Bắc Ninh cho biết: Hiện các đơn vị chức năng và BTC lễ hội Lim Xuân Mậu Tuất đang có sự chuẩn bị cao nhất nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. Không để các hành vi hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, đốt pháo, thả đèn trời… diễn ra trong lễ hội. Đồng thời, nghiêm cấm các hình thức hát quan họ ngửa nón nhận tiền, các quầy hàng dịch vụ khu vực lễ hội phải tổ chức ký cam kết đúng quy định và niêm yết giá công khai...

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng có những chỉ đạo nghiêm đối với lễ hội Ném Thượng. Theo đó, BTC lễ hội không thực hiện tục “chém lợn” giữa sân đình mà chuyển vào khu vực riêng để mổ lợn làm cỗ ngọc tế thánh và không để hiện tượng dùng tiền polymer nhúng vào máu lợn.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khẳng định, việc quản lý lễ hội này tuy khó khăn nhưng 2 năm trở lại đây tục chém lợn đã không còn diễn ra tại sân đình nữa mà sau khi rước lợn sẽ đưa vào khu riêng để hành lễ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ hội Chùa Hương 2018. Phó Thủ tướng mong muốn lãnh đạo thành phố Hà Nội, huyện Mỹ Đức và các đơn vị chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân, du khách bảo tồn các giá trị văn hóa tôn giáo, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của du khách trong nước và quốc tế vãn cảnh Chùa Hương. Đặc biệt, quần thể thắng cảnh Hương Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.

VƯƠNG TRẦN - MAI CHÂU/Baolaodong