Công khai danh tính người mua dâm có đúng không?

Ngày đăng : 15:55, 31/01/2018

(Kiemsat.vn) - Câu hỏi này tưởng như chuyện đã cũ bởi đây từng là đề xuất của một ngành. Tuy nhiên, mấy ngày nay lại được dư luận "xới lên" sau sự việc xảy ra tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Theo thông tin từ Vnexpress, chiều 29/1 vừa qua, Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang công bố công khai hành vi, danh tính 3 người phụ nữ có hành vi bán dâm, chứa mại dâm và 1 người đàn ông mua dâm.

Theo đó, tại vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám, khu phố 10, thị trấn Dương Đông trước sự chứng kiến của nhiều người dân, du khách, trong đó có cả trẻ em, một chiến sĩ công an cầm giấy đọc rõ tên, tuổi, quê quán, hành vi mua dâm, bán dâm của cả bốn người và đề nghị UBND huyện Phú Quốc ra quyết định xử phạt hành chính. Nhiều người chứng kiến dùng điện thoại ghi lại và đăng lên mạng xã hội.

Trao đổi trên báo Dân trí vào tối 30/1, Đại tá Phạm Trung Thành, Trưởng phòng Tham mưu, kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Kiên Giang, cho biết, nội dung thể hiện trong clip đúng là công an thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc) đang triển khai một buổi sinh hoạt, nhằm răn đe, phòng chống tội phạm. Do tại khu vực này, tình hình hoạt động mại dâm phức tạp, nhà thông tin khu vực xa nên công an thị trấn đã thực hiện buổi sinh hoạt nêu trên ngay trên hè đường.

Công khai tên người mua bán dâm tại thị trấn Dương Đông - Ảnh cắt từ clip

Hiện pháp luật Việt Nam không có quy định cho cơ quan chức năng được công khai thông tin cá nhân của người vi phạm hành chính liên quan hoạt động mại dâm ra cộng đồng. Những người mua, bán dâm dù bị xử phạt hành chính song vẫn có quyền được giữ kín danh tính, bảo vệ nhân phẩm. Luật hình sự Việt Nam không xem hành vi mua bán dâm là tội phạm (trừ trường hợp mua dâm người chưa thành niên) mà chỉ xử lý hình sự đối với hành vi tổ chức, môi giới, chứa chấp mại dâm.

Việc công khai tên người mua bán dâm trước cộng đồng như vậy là trái với qui định của Luật xử phạt vi phạm hành chính, bởi luật chỉ quy định phạt tiền, không có quy định công khai tên tại nơi công cộng. Trách nhiệm của cơ quan chức năng bên cạnh biện pháp xử lý hành chính phạt tiền đối với người vi phạm thì lấy giáo dục và cảm hóa họ là chính. 

Dẫu còn có những nhận thức, quan điểm khác nhau, nhưng hiện nay việc xử lý người mua bán dâm đã khác trước và dựa trên cơ sở tôn trọng nhân phẩm, quyền con người. Hiện nay người bán dâm không còn bị đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc được giáo dục tại xã, phường, thị trấn và người mua dâm (trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự như mua dâm người dưới 18 tuổi hoặc bị nhiễm HIV mà cố tình lây nhiễm cho người khác) chỉ bị xử phạt hành chính. 

Theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình:

Điều 22 quy định phạt tiền từ 500.000 đến 10.000.000 đồng đối với hành vi mua dâm, tùy tính chất và mức độ của hành vi. 

Điều 23 quy định phạt tiền từ 100.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi bán dâm, tùy tính chất và mức độ của hành vi. 

 

Phạm Hằng (tổng hợp)