VKSND tối cao hướng dẫn công tác THQCT, KSĐT và KSXX sơ thẩm án ma túy năm 2018

Ngày đăng : 08:33, 16/01/2018

(Kiemsat.vn) - Kể từ thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành, yêu cầu các VKSND địa phương nghiên cứu kỹ các điểm mới trong chương tội phạm về ma túy và bám sát nội dung hướng dẫn thực hiện trong Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 để triển khai thực hiện.

Ngày 04/01/2018, VKSNDTC đã ban hành Hướng dẫn số 02/HD-VKSTC về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án ma túy năm 2018. 

Trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can

Kiểm sát chặt việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can của CQĐT, cần chú ý một số nội dung sau:

- Kiểm sát chặt chẽ việc lập biên bản thu giữ, niêm phong và mở niêm phong đối với vật chứng thu giữ nghi là ma túy trong các trường hợp bắt giữ, khám xét, cần xác định khối lượng, trích mẫu để thực hiện trưng cầu giám định; kiểm sát chặt chẽ nội dung quyết định trưng cầu giám định của CQĐT và kết luận giám định của Cơ quan chuyên môn trong các vụ án liên quan đến ma túy, tập trung vào việc xác định loại và khối lượng ma túy như Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định; lưu ý thận trọng khi xem xét phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can trong các vụ án khám phá bằng biện pháp truy xét, không thu giữ được vật chứng là ma túy, chỉ có lời khai nhận của các đối tượng trong vụ án.

- Khi nhận được Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Kiểm sát viên phải nghiên cứu hồ sơ, xem xét tài liệu chứng cứ để đề xuất người có thẩm quyền quyết định phê chuẩn hay không phê chuẩn, hoặc cần phải yêu cầu CQĐT bổ sung thêm tài liệu chứng cứ. Kiên quyết không phê chuẩn khi không có đủ căn cứ. Trong các trường hợp người bị khởi tố bị can không thừa nhận hành vi phạm tội, kêu oan thì Kiểm sát viên phải trực tiếp vào hỏi để làm rõ các nội dung trong hồ sơ, đánh giá các tài liệu chứng cứ trước khi đề xuất lãnh đạo ra Quyết định.

- Phối hợp chặt chẽ với CQĐT cùng cấp để xác định đúng thẩm quyền điều tra, nếu thấy vụ án đang điều tra không thuộc thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, thì phải yêu cầu CQĐT cùng cấp làm các thủ tục chuyển vụ án đến đúng CQĐT có thẩm quyền điều tra; nếu VKS đã yêu cầu mà CQĐT không thực hiện thì VKS ra quyết định chuyển vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 169 BLTTHS năm 2015; không để VKS ra Quyết định chuyển vụ án hình sự để truy tố theo thẩm quyền khi vụ án đã kết thúc điều tra.

Trong giai đoạn điều tra, truy tố các vụ án hình sự về ma túy

- Thực hiện vào sổ thụ lý theo dõi đầy đủ, kịp thời các vụ án đã khởi tố điều tra; phân công Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ THQCT, KSĐT đối với vụ án và Kiểm tra viên giúp việc. Kiểm sát viên được phân công phải bám sát và kiểm sát chặt chẽ quá trình điều tra thu thập chứng cứ của Điều tra viên, Cán bộ điều tra để áp dụng linh hoạt các biện pháp kiểm sát, mọi hoạt động điều tra thu thập chứng cứ phải được kiểm sát chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục quy định của tố tụng hình sự. Thực hiện nghiêm túc quy định trong quy chế nghiệp vụ, ngay sau khi có quyết định phân công, Kiểm sát viên được phân công thụ lý phải nghiên cứu hồ sơ đề ra yêu cầu điều tra đối với vụ án, gửi cho CQĐT để thực hiện và trong quá trình điều tra phải bám sát tiến độ điều tra vụ án, yêu cầu Điều tra viên thực hiện các nội dung trong yêu cầu điều tra; nếu trong quá trình kiểm sát phát hiện những vấn đề mới cần phải làm rõ hoặc những nội dung trong yêu cầu điều tra chưa được thực hiện thì tiếp tục ban hành yêu cầu điều tra bổ sung, nhắc lại những yêu cầu chưa được thực hiện và đôn đốc Điều tra viên thực hiện. Tất cả vụ án đều phải ban hành yêu cầu điều tra, đây là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện.

- Kiểm sát chặt chẽ hoạt động thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, biên bản về hoạt động điều tra của CQĐT; Chú ý các quy định mới trong BLTTHS năm 2015, Kiểm sát viên phải tham gia đầy đủ các hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám xét, hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra của Điều tra viên; tuân thủ quy định về việc giao nhận hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, biên bản hoạt động điều tra giữa CQĐT và VKSND, thực hiện đóng dấu bút lục và sao lưu tài liệu phục vụ xây dựng hồ sơ kiểm sát theo đúng quy định. Chấp hành nghiêm chỉnh việc sắp xếp hồ sơ kiểm sát án hình sự theo quy định về lập hồ sơ kiểm sát của VKSND tối cao.

- Kiểm sát viên phải tham gia trực tiếp kiểm sát việc hỏi cung của Điều tra viên, ít nhất một lần trên một bị can. Đối với những bị can có đơn khiếu nại, kêu oan hoặc tố cáo việc Điều tra viên thiếu khách quan trong hoạt động điều tra thu thập chứng cứ hoặc bị can có lúc nhận tội, có lúc không nhận tội thì Kiểm sát viên phải trực tiếp lấy lời khai bị can để làm rõ nội dung và đề xuất biện pháp giải quyết kịp thời, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội; kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo các quyền của bị can trong tố tụng hình sự như việc được giải thích quyền và nghĩa vụ, quyền được thuê hoặc chỉ định luật sư bào chữa, quyền im lặng,...

- Đối với những vụ án lớn, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều bị can, liên quan đến nhiều địa bàn khác nhau thì Lãnh đạo đơn vị cần phải quan tâm chỉ đạo sát sao, định kỳ yêu cầu Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thụ lý vụ án tổng hợp báo cáo kết quả KSĐT để nắm chắc tiến độ giải quyết, từ đó có định hướng, chỉ đạo giải quyết tiếp…

Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về ma túy

- Thực hiện đầy đủ các quy định về quy trình thủ tục và kỹ năng nghiệp vụ trong công tác THQCT, KSXXST vụ án hình sự đối với các tội phạm về ma túy, chủ động trong xét hỏi và tranh luận với luật sư, bị cáo nhằm bảo vệ quan điểm đã truy tố trong cáo trạng.

- Chấp hành nghiêm túc về thẩm quyền THQCT, KSXXST các vụ án về ma túy theo quy định của pháp luật và quy chế nghiệp vụ của ngành. Đối với những vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, đông bị can, dư luận quan tâm, VKSND cấp trên thụ lý THQCT và KSĐT thì chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, VKS cấp trên phải có văn bản thông báo cho VKS cấp có thẩm quyền THQCT và KSXXST để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ; VKS cấp dưới kịp thời cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu vụ án VKS cấp trên thụ lý THQCT và KSĐT để chủ động trong công tác khi được VKS cấp trên yêu cầu. Kiểm sát viên được phân công phải chủ động phối hợp chặt chẽ với Kiểm sát viên đang THQCT và KSĐT để nghiên cứu hồ sơ, cùng đánh giá chứng cứ sử dụng để buộc tội và những chứng cứ gỡ tội, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong hồ sơ để yêu cầu CQĐT bổ sung, khắc phục.

- Viện kiểm sát nhân dân các địa phương tổ chức việc tập hợp những khó khăn, vướng mắc và những đề xuất, kiến nghị khi được VKSND tối cao (Vụ 4) phân công thụ lý THQCT và KSXXST những vụ án về ma túy để xây dựng báo cáo và gửi về VKSND tối cao (Vụ 4) trước ngày 30/7/2018.

- Thông qua công tác THQCT và KSHĐTP trong việc giải quyết án ma túy, VKSND các cấp kịp thời phát hiện những vi phạm, thiếu sót trong hoạt động điều tra, xét xử, bào chữa, phiên dịch, giám định tư pháp, xác minh thu giữ và xử lý tiền, tài sản do phạm tội mà có,... để ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục. Đồng thời, chú ý phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước để kịp thời ban hành kiến nghị xử lý và phòng ngừa vi phạm.

Xem thêm thông tin chi tiết Hướng dẫn số 02 tại đây.

 

Anh Nga (giới thiệu)