Tiến sĩ Dương Thanh Biểu: Mức án VKS đề nghị là hợp lý, đúng quy định của pháp luật

Ngày đăng : 20:57, 12/01/2018

(Kiemsat.vn) - Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao, người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã trao đổi với Phóng viên Kiemsat.vn về mức án mà VKS đề nghị áp dụng với bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.

Phóng viên: Thưa ông, ngày 11/01/2018, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm, đại diện VKSND TP Hà Nội đã công bố bản luận tội, đề nghị Hội đồng xét xử có bản án nghiêm khắc với từng bị cáo. Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng bị đề nghị mức án từ 14-15 năm tù, Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị mức án chung thân. Xin ông cho biết quan điểm của mình về mức án đề nghị này?     

Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao

Tiến sĩ Dương Thanh Biểu:  Qua những ngày xét xử, dựa trên kết quả thẩm vấn các bị cáo, nhân chứng, kiểm tra, đối chiếu các tài liệu, chứng cứ, thái độ khai báo của các bị cáo và quy định của pháp luật, VKS đã công bố bản luận tội và đề xuất các mức án đối với từng bị cáo. Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng bị đề nghị mức án từ 14 - 15 năm tù về tội cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị từ 13 -14 năm tù về tội cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tù chung thân về tội tham ô, tổng hợp hình phạt tù chung thân, tôi thấy VKS đề nghị mức án như vậy là hợp lý.

Phóng viên: Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018 không còn quy định về tội Cố ý làm trái nhưng VKS vẫn truy tố các bị cáo về tội danh trên. Xin ông cho biết thêm về vấn đề này?

Tiến sĩ Dương Thanh Biểu: Theo tinh thần Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội (sau đây viết tắt là Nghị quyết 109) về việc thi hành Bộ luật hình sự thì các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”; “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”; “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; “quy mô lớn” đã được áp dụng để khởi tố bị can trước ngày 01/7/2016  thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Đặc biệt, đối với hành vi mà Bộ luật Hình sự năm 2015 bãi bỏ (các Điều 83, 149, 159, 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999) xảy ra trước ngày 01/7/2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (Bộ luật Hình sự năm 1999) để xử lý. Như vậy, Viện kiểm sát áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 là đúng pháp luật.

Phóng viên: Bản luận tội do đại diện VKS trình bày đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng mức án đối với mỗi bị cáo. Theo ông, Toà án sẽ tuyên án thế nào?

Tiến sĩ Dương Thanh Biểu:  Như phần trên đã đề cập, đại diện VKS đề nghị mức án cụ thể đối với từng bị cáo là dựa trên kết quả thẩm vấn các bị cáo, nhân chứng, kiểm tra các tài liệu của hồ sơ vụ án, thái độ khai báo của từng bị cáo và căn cứ các quy định của Bộ luật hình sự. Sau khi VKS công bố Bản luận tội, Luật sư, bị cáo và những người tham gia phiên tòa có quyền tranh luận với Kiểm sát viên về bản luận tội. Luật sư, bị cáo... có quyền đưa ra các tài liệu, chứng cứ, quan điểm của mình đối với Bản luận tội. Kiểm sát viên có quyền tranh luận với Luật sư, bị cáo... về những ý kiến mà họ đưa ra. Trên cơ sở tranh luận công khai giữa Kiểm sát viên và Luật sư, bị cáo... Hội đồng xét xử sẽ xem xét, đánh giá khách quan toàn diện và sẽ quyết định hình phạt đối với từng bị cáo.

Như vậy, Hội đồng xét xử sẽ dựa trên kết quả tranh luận dân chủ, công khai tại phiên tòa giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự để đưa ra phán quyết về hình phạt áp dụng đối với từng bị cáo.

Phóng viên: Trong cáo trạng Viện kiểm sát đã dùng cụm từ “lợi ích nhóm” , nhưng cụm từ này không có trong Bộ luật Hình sự 2015 và trước đó, chúng ta có thể hiểu thế nào?

Tiến sĩ Dương Thanh Biểu:  Cụm từ “Lợi ích nhóm” là mang tính chất chính trị để chỉ sự cấu kết giữa những người có chức, có quyền làm sai pháp luật để tham nhũng. Những hành vi này Bộ luật hình sự quy định là phạm tội có tổ chức. Bản luận tội có đề cập đến “lợi ích nhóm” là thể hiện quyết tâm chính trị trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Nghĩa là, đối với các vụ án tham nhũng, gây hậu quả nghiêm trọng thì phải phát hiện lợi ích nhóm để xử lý một cách kiên quyết, với tinh thần không có vùng cấm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Trong lịch sử tư pháp nước nhà, chưa có vụ án nào mà bị cáo nguyên là Uỷ viên Bộ Chính trị. Điều đó thể hiện quyết tâm rất cao và thái độ rất kiên quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ Đảng.

Việc đưa vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm ra xét xử, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật và phòng, chống tham nhũng là không có vùng cấm.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm Tiến sĩ Dương Thanh Biểu về cuộc phỏng vấn này   

Sơn Tùng