Tìm hiểu tội phạm về tham nhũng, chức vụ của BLHS Trung Quốc

Ngày đăng : 10:20, 10/01/2018

(Kiemsat.vn) - Bài viết giới thiệu cùng bạn đọc về trách nhiệm hình sự của đơn vị (pháp nhân) phạm tội trong các tội phạm tham nhũng và một số tội phạm về chức vụ theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) Trung Quốc.

Ảnh minh họa

Các quy định của BLHS Trung Quốc về đơn vị phạm tội trong các tội phạm về tham nhũng, chức vụ

Các loại tội phạm về tham nhũng được quy định tại Chương 8 BLHS Trung Quốc, bao gồm các tội danh: Tham ô (02 điều luật); Lạm dụng công khoản; Nhận hối lộ; Đơn vị nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Đơn vị đưa hối lộ; Môi giới hối lộ; Nguồn gốc tài sản lớn không minh bạch; Che giấu tài khoản ở nước ngoài; Phân chia tài sản nhà nước; Phân chia tài sản bị phạt tịch thu.

Nhìn từ góc độ chủ thể của tội phạm quy định trong các tội phạm nêu trên, các nhà Luật học Trung Quốc chia làm ba loại, đó là: (1) Chủ thể thực hiện tội phạm thông thường, bao gồm các tội danh: Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ; (2) Chủ thể thực hiện tội phạm là công nhân viên nhà nước, bao gồm các tội danh: Tham ô, Lạm dụng công khoản, Nhận hối lộ, Nguồn gốc tài sản lớn không minh bạch, Che giấu tài khoản ở nước ngoài; (3) Chủ thể thực hiện tội phạm là đơn vị, bao gồm các tội danh: Đơn vị nhận hối lộ, Đơn vị đưa hối lộ, Đưa hối lộ cho đơn vị, Phân chia tài sản nhà nước và tội phân chia tài sản bị phạt tịch thu (1).

Đơn vị phạm tội trong các tội phạm tham nhũng

Đơn vị phạm tội theo quy định tại Điều 30 BLHS Trung Quốc bao gồm: Công ty, xí nghiệp, cơ quan, tổ chức, đoàn thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, mà pháp luật coi là đơn vị phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự. Đơn vị phải chịu trách nhiệm hình sự và phải chịu hình phạt khi thực hiện hành vi phạm tội. Về hình phạt, Điều 31 BLHS Trung Quốc quy định: Đơn vị nào phạm tội sẽ bị phạt tiền; người phụ trách trực tiếp và nhân viên chịu trách nhiệm trực tiếp khác của đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu phần riêng của Bộ luật này (BLHS) và những quy định có liên quan của luật khác có quy định khác thì áp dụng theo quy định đó.

Như vậy, ngoài các chủ thể là cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội tham nhũng và chức vụ thì BLHS Trung Quốc còn quy định pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện các hành vi phạm tội này và cũng phải chịu hình phạt. Cụ thể, pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự và hình phạt khi thực hiện một trong các tội phạm dưới đây: 

- Tội đơn vị nhận hối lộ, BLHS Trung Quốc quy định: “Cơ quan nhà nước, công ty nhà nước, xí nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể nhân dân đòi nhận tài sản hoặc nhận các tài sản phí pháp của người khác để làm lợi cho họ, có tình tiết nghiêm trọng, thì bị phạt tiền; đối với người phụ trách trực tiếp và nhân viên chịu trách nhiệm trực tiếp khác bị xử phạt tù đến 5 năm hoặc phạt giam ngắn hạn (2). Các đơn vị nêu trên, trong trao đổi kinh tế, nhận tiền hoa hồng, phí thủ tục nằm ngoài sổ sách dưới bất kỳ danh nghĩa nào đều bị coi là tội nhận hối lộ và sẽ bị xử phạt theo quy định trên” (Điều 387).

Theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc ngày 16/9/1999 về “Tiêu chuẩn để Viện kiểm sát trực tiếp thụ lý, lập án điều tra”, quy định: Khi đơn vị đòi nhận tài sản của người khác hoặc đòi nhận tài sản phi pháp của người khác, thì bắt buộc phải kèm theo điều kiện là giành lợi ích cho người khác, và theo đó hành vi phải thuộc trường hợp nghiêm trọng mới cấu thành tội đơn vị nhận hối lộ. Các Cơ quan nhà nước, công ty nhà nước, xí nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể nhân dân trong trao đổi kinh tế nhận tiền hoa hồng, phí thủ tục nằm ngoài sổ sách, thì đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, số tiền nhận hối lộ, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì đương nhiên phải lập án điều tra: (1) Đơn vị nhận hối lộ có số lượng từ 10 vạn nhân dân tệ trở lên; (2) Đơn vị nhận hối lộ số lượng tuy chưa đến 10 vạn Nhân dân tệ, nhưng có một trong các tình tiết sau: (a) Cố ý gây khó khăn nhằm ép buộc đơn vị, người có liên quan tạo ra ảnh hưởng xấu cho họ; (b) Đơn vị ép buộc để đòi nhận tài sản; (c) Hành vi khiến cho lợi ích nhà nước hoặc lợi ích xã hội bị thiệt hại nghiêm trọng (3).

- Tội đưa hối lộ cho đơn vị, Điều 391 BLHS Trung Quốc quy định: “Người nào để mưu cầu lợi ích bất chính đã hối lộ tài sản cho cơ quan nhà nước, công ty nhà nước, xí nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể nhân dân hoặc khi trao đổi kinh tế, đã vi phạm quy định của nhà nước đưa các khoản tiền dưới danh nghĩa chi hoa hồng, chi phí thủ tục sẽ bị phạt tù đến 03 năm hoặc phạt giam ngắn hạn. Đơn vị nào phạm tội theo quy định trên thì bị phạt tiền; đối với người phụ trách trực tiếp và nhân viên chịu trách nhiệm trực tiếp khác sẽ bị xử phạt theo quy định trên”.

Theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc ngày 16/9/1999 về “Tiêu chuẩn để Viện kiểm sát trực tiếp thụ lý, lập án điều tra” thì: (1) Số tiền hối lộ đối với đơn vị, nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì đương nhiên lập án: Người hối lộ đưa hối lộ có số lượng từ 10 vạn nhân dân tệ trở lên, đơn vị đưa hối lộ có số lượng 20 vạn Nhân dân tệ trở lên; (2) Người đưa hối lộ tuy chưa đến 10 vạn Nhân dân tệ, đơn vị đưa hối lộ chưa đến 20 vạn Nhân dân tệ, nhưng có một trong các tình tiết sau: (a) Muốn giành được những lợi ích phi pháp mà đưa hối lộ; (b) Đưa hối lộ cho 03 đơn vị trở lên; (c) Đưa hối lộ cho Cơ quan chính Đảng, Cơ quan Tư pháp, Cơ quan thực thi pháp luật hành chính; (d) Hành vi khiến cho lợi ích nhà nước hoặc lợi ích xã hội bị thiệt hại nghiêm trọng (4).

- Tội đơn vị đưa hối lộ, Điều 393 BLHS Trung Quốc quy định: “Đơn vị nào hối lộ để cầu lợi bất chính hoặc vi phạm quy định của nhà nước, chi cho nhân viên nhà nước tiền hoa hồng, phí thủ tục, có tình tiết nghiêm trọng sẽ bị phạt tiền; đối với người phụ trách trực tiếp và nhân viên chịu trách nhiệm trực tiếp khác sẽ bị phạt tù đến 05 năm hoặc bị phạt giam ngắn hạn. Khoản thu phi pháp có được do hối lộ để làm của riêng, sẽ bị xử theo quy định tại Điều 389 và Điều 390 của Bộ luật này”.

Điều 389 quy định: “Người nào để mưu cầu lợi ích bất chính đã đưa tài sản cho nhân viên nhà nước, là phạm tội đưa hối lộ. Người nào trong trao đổi kinh tế, vi phạm quy định của nhà nước, cho nhân viên nhà nước tài sản, với mức tương đối lớn hoặc vi phạm các quy định của nhà nước, đưa cho nhân viên nhà nước các khoản tiền dưới danh nghĩa hoa hồng, phí thủ tục, sẽ bị xử theo tội đưa hối lộ. Người nào do bị ép buộc phải nộp tài sản cho nhân viên nhà nước, mà không thu lợi bất chính, thì không phải là đưa hối lộ”.

Điều 390 quy định: “Người nào đưa hối lộ sẽ bị phạt tù đến 05 năm hoặc bị phạt giam ngắn hạn; nếu đưa hối lộ để mưu cầu lợi ích bất chính, có tình tiết nghiêm trọng hoặc gây thiệt hại lớn đến lợi ích nhà nước, sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm; nếu có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 10 năm trở lên hoặc tù chung thân hoặc có thể bị tịch thu tài sản. Người đưa hối lộ trước khi bị truy tố, chủ động khai báo hành vi hối lộ sẽ được giảm hình phạt hoặc miễn hình phạt”.

Theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc ngày 16/9/1999 về “Tiêu chuẩn để Viện kiểm sát trực tiếp thụ lý lập án điều tra vụ án”, đối với tội đơn vị đưa hối lộ: Số số tiền đơn vị đưa hối lộ, nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì đương nhiên phải lập án: (1) Đơn vị đưa hối lộ từ 20 vạn Nhân dân tệ trở lên; (2) Đơn vị vì mưu cầu lợi ích không chính đáng mà đưa hối lộ từ 10 vạn nhân dân tệ đến chưa đủ 20 vạn nhân dân tệ, nhưng có một trong các tình tiết sau: (a) Mưu cầu lợi ích phi pháp mà đưa hối lộ; (b) Đưa hối lộ từ 03 người trở lên; (c) Đưa hối lộ cho Lãnh đạo chính đảng, nhân viên tư pháp, nhân viên thực thi pháp luật hành chính; (d) Hành vi khiến cho lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội bị thiệt hại nghiêm trọng (5).

- Tội phân chia tài sản nhà nước, BLHS Trung Quốc quy định: “Cơ quan nhà nước, công ty nhà nước, xí nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể nhân dân vi phạm quy định nhà nước, tập thể lấy danh nghĩa đơn vị đem tài sản nhà nước để phân chia cho các cá nhân, với số lượng tương đối lớn, thì người phụ trách trực tiếp và người chịu trách nhiệm trực tiếp khác sẽ bị phạt tù đến 3 năm, hoặc bị phạt giam ngắn hạn, kèm theo phạt tiền cá nhân hoặc phạt tiền đơn vị; số lượng lớn sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, kèm theo phạt tiền” (khoản 1 Điều 396).

Tội phân chia tài sản phạt tịch thu (theo các nhà Luật học Trung Quốc thì hành vi phân chia tài sản phạt tịch thu là hành vi của Cơ quan tư pháp, Cơ quan thực thi hành chính vi phạm quy định nhà nước, không nộp các tài sản mà cơ quan này đã phạt và tịch thu cho nhà nước, đơn vị đã nhân danh tập thể đem tài sản tịch thu được chia cho các cá nhân (6). BLHS Trung Quốc quy định về tội phân chia tài sản phạt tịch thu như sau: “Cơ quan tư pháp, cơ quan hành chính vi phạm quy định nhà nước, phân chia tài sản phạt tịch thu cho nhà nước, nhưng lấy danh nghĩa đơn vị chia cho các cá nhân, sẽ bị xử phạt theo quy định trên” (khoản 2 Điều 396).

Theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc ngày 16/9/1999 về “Tiêu chuẩn để Viện kiểm sát trực tiếp thụ lý, lập án điều tra”. Theo đó, đơn vị sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự nếu: (1) Các khoản tài sản nhà nước đã phân chia, gộp lại có số lượng từ 10 vạn nhân dân tệ trở lên thì đương nhiên lập án điều tra về tội phân chia tài sản nhà nước; (2) Các khoản phân chia tài sản phạt tịch thu, gộp lại có số lượng từ 10 vạn nhân dân tệ trở lên thì đương nhiên lập án điều tra (7) về tội phân chia tài sản phạt tịch thu.

Quy định về một số tội phạm chức vụ

Một số tội danh khác liên quan đến nhân viên nhà nước được pháp luật hình sự Trung Quốc quy định cũng rất chặt chẽ, đặc biệt đối với các trường hợp như: Cán bộ nhà nước đi thực hiện công vụ nếu được tặng quà, theo quy định phải nộp lại cho nhà nước mà không nộp thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự, hoặc trường hợp nhân viên nhà nước có tài sản, hoặc việc chi tiêu sinh hoạt vượt quá mức thu nhập hợp pháp, hoặc có tài sản gửi ở nước ngoài mà không khai báo theo quy định của nhà nước thì được yêu cầu giải thích rõ phần chênh lệch bất hợp pháp, và có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự, tịch thu phần chênh lệch hoặc truy thu tài sản. Đặc biệt, đối với tội tham ô tài sản, BLHS Trung Quốc quy định 02 trường hợp phạm tội, đó là: Tội tham ô tài sản do người có chức vụ, quyền hạn quản lý tài sản thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản do mình trực tiếp quản lý và Tội tham ô tài sản do nhân viên nhà nước được tặng quà theo quy định của nhà nước phải nộp lại quà tặng mà không nộp thì cũng bị xem là tham ô tài sản. Cụ thể:

- Điều 394 quy định về Tội tham ô: “Nhân viên nhà nước khi thực hiện công vụ ở trong nước hoặc giao dịch đối ngoại nhận được quà tặng, theo quy định của nhà nước phải nộp vào quỹ mà không nộp, số lượng tương đối lớn sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 382 và Điều 383 của Bộ luật này”.

Cũng quy định về Tội tham ô, Điều 382 quy định: “Nhân viên nhà nước lợi dụng chức vụ chiếm đoạt, lừa gạt hoặc bằng các thủ đoạn khác chiếm hữu phi pháp tài sản của công dân là tội tham ô. Những người được cơ quan nhà nước, công ty nhà nước, xí nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể nhân dân ủy quyền quản lý, kinh doanh tài sản của nhà nước, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt, lừa gạt hoặc bằng các thủ đoạn khác chiếm hữu phi pháp tài sản công sẽ bị xử về tội tham ô. Người nào câu kết với những người được nêu trên để cùng tham ô, sẽ bị xử về tội tham ô với vai trò đồng phạm” (hình phạt đối với người phạm tội tham ô trong trường hợp này được quy định tại Điều 383).

- Tội nguồn gốc tài sản lớn không minh bạch và Tội che giấu tài khoản ở nước ngoài:

+ Tội nguồn gốc tài sản lớn không minh bạch: Nhân viên nhà nước có tài sản hoặc việc chi tiêu vượt quá thu nhập hợp pháp, mức chênh lệch lớn, có thể bị yêu cầu giải thích rõ về nguồn gốc. Nếu không giải thích được nguồn gốc hợp pháp của tài sản và việc chi tiêu đó, thì phần chênh lệch sẽ bị coi là thu nhập bất hợp pháp và sẽ bị phạt đến 05 năm, hoặc bị phạt giam ngắn hạn. Phần chênh lệch sẽ bị truy thu (khoản 1 Điều 395).

+ Tội che giấu tài khoản ở nước ngoài: Nhân viên nhà nước có tiền gửi ở nước ngoài phải khai báo theo quy định của nhà nước. Nếu số lượng tương đối lớn mà che giấu không khai báo sẽ bị phạt tù đến 02 năm hoặc phạt giam ngắn hạn; nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì do cơ quan sở tại hoặc cơ quan chủ quản cấp trên xem xét để xử phạt hành chính (khoản 2 Điều 395).

Theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc ngày 16/9/1999 về “Tiêu chuẩn để Viện kiểm sát trực tiếp thụ lý, lập án điều tra”, thì: Nguồn gốc tài sản lớn không minh bạch có số lượng từ 30 vạn Nhân dân tệ trở lên thì đương nhiên lập án điều tra; số lượng tài khoản gửi ở nước ngoài quy đổi ra Nhân dân tệ có số lượng từ 30 vạn Nhân dân tệ trở lên thì đương nhiên lập án điều tra (8).

(1) Cao Minh Tuyên, Mã Khắc Xương, “Giáo trình Hình pháp học”, Nxb. Đại học Bắc Kinh – Nxb. Cao đẳng giáo dục, 2007, tr.702.

(2) Theo quy định của BLHS Trung Quốc, hệ thống hình phạt có hình phạt chính và hình phạt bổ sung: Hình phạt chính có 05 loại gồm: Quản chế, giam ngắn hạn, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình; Hình phạt bổ sung có 03 loại gồm: Phạt tiền, tước quyền lợi chính trị và tịch thu tài sản (Điều 33). Trong đó, phạt giam ngắn hạn được quy định như sau: “Thời hạn giam ngắn hạn là từ 01 tháng đến 06 tháng (Điều 42); Phần tử bị phạt giam ngắn hạn do Cơ quan Công an gần nhất thực hiện. Trong thời gian bị giam ngắn hạn, phần tử bị phạt giam ngắn hạn có thể mỗi tháng được trở về nhà 01 đến 02 lần, phải tham gia lao động, có thể được xem xét trả tiền thù lao” (Điều 43).

(3) Lý Lập Chúng, “Hình pháp nhất thông bản – Tổng thành pháp luật hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” (tái bản lần thứ 9), Nxb. Pháp luật, 2012, tr.507.

(4) Lý Lập Chúng, “Hình pháp nhất thông bản – Tổng thành pháp luật hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” (tái bản lần thứ 9), Nxb. Pháp luật, 2012, tr.510.

(5) Lý Lập Chúng, “Hình pháp nhất thông bản – Tổng thành pháp luật hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” (tái bản lần thứ 9), Nxb. Pháp luật, 2012, tr.511.

(6) Cao Minh Tuyên, Mã Khắc Xương, “Giáo trình Hình pháp học”, Nxb. Đại học Bắc Kinh – Nxb. Cao đẳng giáo dục, 2007, Tr.720.

(7) Lý Lập Chúng, “Hình pháp nhất thông bản – Tổng thành pháp luật hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” (tái bản lần thứ 9), Nxb. Pháp luật, 2012, tr.513.

(8) Lý Lập Chúng, “Hình pháp nhất thông bản – Tổng thành pháp luật hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” (tái bản lần thứ 9), Nxb. Pháp luật, 2012, tr.512.

(9) Linh Thư – Hồng Nhì, “Nhiều doanh nghiệp chủ động hối lộ”, xem: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/148983/pho-thu-tuong--nhieu-dn-chu-dong-hoi-lo.html

(10) Linh Thư – Hồng Nhì, “Nhiều doanh nghiệp chủ động hối lộ”, xem: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/148983/pho-thu-tuong--nhieu-dn-chu-dong-hoi-lo.html

 

(Trích bài: “Tìm hiểu đơn vị phạm tội trong các tội phạm tham nhũng và một số tội phạm về chức vụ theo quy định của BLHS Trung Quốc” của Tiến sĩ Bùi Văn Hưng, VKSQS Trung ương, TCKS số 15/2017).

 

TCKS