VKSND tối cao hướng dẫn công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính

Ngày đăng : 14:31, 09/01/2018

(Kiemsat.vn) - Ngày 05/01/2018, VKSNDTC ra văn bản số 05/HD-VKSTC hướng dẫn công tác Kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2018.

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao tại Hội nghị triển khai công tác ngành KSND năm 2018

Theo đó, VKSND tối cao đề nghị VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện một số nội dung về công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Trong đó:

- Tăng cường kiểm sát việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án; nhất là việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản thi hành án là quyền sử dụng đất; kiểm sát ngay từ khi Cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án; xem xét và yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế khi cần thiết để hạn chế tình trạng đương sự tẩu tán tài sản; kiểm sát việc ban hành và tổ chức thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đúng quy định pháp luật.

- Chú trọng các hoạt động kiểm sát mang tính chất thường xuyên như kiểm sát việc Tòa án gửi bản án, quyết định cho Cơ quan thi hành án dân sự; Cơ quan thi hành án dân sự ban hành và gửi các quyết định về thi hành án dân sự cho VKSND; kiểm sát việc xác minh và phân loại các việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành án; trực tiếp xác minh, lập hồ sơ kiểm sát đối với ít nhất từ  03 - 05%  các việc thi hành án được phân loại chưa có điều kiện thi hành.

-Tăng cường và đổi mới các cuộc trực tiếp kiểm sát, nhất là trực tiếp kiểm sát các Chi cục thi hành án dân sự. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng trên 15 Chi cục thi hành án dân sự thì Phòng 11 VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải phối hợp với các VKSND cấp huyện để trực tiếp kiểm sát từ 02 đến 03 Chi cục. Quan tâm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, phúc tra việc thực hiện kết luận trực tiếp kiểm sát.

- Quan tâm kiểm sát các việc thi hành án tồn đọng, kéo dài; việc thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong vụ án hình sự (nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng); việc thi hành án có liên quan đến các tổ chức tín dụng, trong đó, VKSND các cấp cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về “Thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” có liên quan đến công tác kiểm sát thi hành án dân sự.

- Tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các đương sự, nhất là đối với bên phải thi hành án là UBND các cấp trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Chú trọng kiểm sát để phát hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự như hoạt động thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án.

- VKSND các cấp:

+ Tăng cường phát hiện, tổng hợp đầy đủ vi phạm pháp luật, kịp thời ban hành các bản kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục và phòng ngừa vi phạm và tội phạm. Thực hiện nghiêm túc chỉ tiêu công tác của Ngành về kháng nghị, kiến nghị; tăng cường hiệu lực, hiệu quả các bản kháng nghị, kiến nghị; chú trọng phúc tra việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị.

+ Giải quyết khẩn trương và báo cáo nghiêm túc lên VKSND cấp trên trực tiếp đối với các trường hợp kháng nghị, kiến nghị không được chấp nhận hoặc chấp nhận một phần; chú ý báo cáo rõ các kiến nghị trong lĩnh vực kiểm sát thi hành án hành chính; quản lý chặt chẽ các kiến nghị, kháng nghị trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính của VKS hai cấp; định kỳ theo các kỳ báo cáo tháng, sơ kết 6 tháng, theo kỳ họp Quốc hội, các VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng báo cáo đánh giá kết quả thực hiện, chất lượng, hiệu quả các kháng nghị, kiến nghị gửi VKSNDTC (Vụ 11).

- Thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; chú trọng áp dụng các quyền hạn như  yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự tự kiểm tra và thông báo kết quả giải quyết cho VKS; yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự cung cấp hồ sơ, tài liệu để kiểm sát, kết luận. Thực hiện nghiêm túc và báo cáo đầy đủ, kịp thời đối với các yêu cầu của VKSNDTC về kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

- Tiếp tục thực hiện chức năng kiểm sát đối với hoạt động của Thừa phát lại ở các địa phương có thành lập Văn phòng thừa phát lại.

VKSND tối cao đề nghị đồng chí Viện trưởng VKSND các cấp bố trí nhân lực, kinh phí, trang bị đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; nhất là trong hoạt động trực tiếp kiểm sát, trực tiếp xác minh việc thi hành án.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời báo cáo bằng văn bản về VKSND tối cao (Vụ 11) để tổng hợp, hướng dẫn giải quyết.

Xem chi tiết Hướng dẫn 05/HD-VKSTC tại đây.

Phạm Hằng (giới thiệu)