Phiên xét xử Đinh La Thăng cùng đồng phạm sẽ không có vành móng ngựa

Ngày đăng : 10:51, 08/01/2018

Theo Thông tư 012017TT-TANDTC có hiệu lực từ 112018 thì ông Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) sẽ được xử tại phòng xét xử không…

Phiên xét xử Đinh La Thăng cùng đồng phạm sẽ không có vành móng ngựa

Phòng sẽ xét xử ông Đinh La Thăng ngày 8/1/2018

Ngày mai 8/1, sẽ diễn ra phiên tòa xét xử Đinh La Thăng và đồng phạm. Trước đó vài ngày, TAND thành phố Hà Nội cũng thông tin đã hoàn thành công tác chuẩn bị, sắp xếp phòng xét xử theo đúng quy định mới.

Phiên tòa không vành móng ngựa

Cụ thể, theo Thông tư 01/2017/TT-TANDTC có hiệu lực từ 1/1/2018, các bị cáo sẽ có chỗ ngồi riêng, bên dưới luật sư bào chữa và đại diện cơ quan công tố. Trong khi trả lời thẩm vấn, các bị cáo sẽ đứng trước bục hoặc bàn. Những người tham gia tố tụng khác có thể đứng tại chỗ để khai báo.

Phòng xử án được bố trí hai bục:

- Bục cao nhất là HĐXX, thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp.

- Bục thứ hai là vị trí của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa.

Phòng xử án phải bảo đảm không gian để tiến hành phiên tòa và hàng rào ngăn cách giữa khu vực của những người tiến hành tố tụng với khu vực của người tham dự phiên tòa. Phải bố trí lối đi riêng cho HĐXX và những người tiến hành tố tụng khác. Tường trong phòng xử án có nền màu vàng.

Sơ đồ vị trí chỗ ngồi những người có mặt trong phòng xử án như sau:

Phiên xét xử Đinh La Thăng cùng đồng phạm sẽ không có vành móng ngựa

Sơ đồ phòng xử án theo Thông tư số 01

Liên quan quy định về phòng xử án không có vành móng ngựa, luật sư Lê Văn Thiệp phân tích, việc bỏ vành móng ngựa khi xét xử các vụ án hình sự thể hiện tính nhân văn, tôn trọng quyền con người của các bị cáo. Việc các bị cáo đứng lên bục khai báo đã cho thấy sự thay đổi rõ nét và đúng đắn, tiệm cận với những nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự thế giới cũng như khẳng định xu thế hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự của Việt Nam.

Việc bỏ vành móng ngựa trong tất cả các phòng xử án cho thấy nguyên tắc "Suy đoán vô tội" và “Giả định phạm tội" được tôn trọng. Theo nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam thì "không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của Tòa án". Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định nguyên tắc này tại điều 13 với tên gọi mới là "Nguyên tắc Suy đoán vô tội".

"Việc bỏ vành móng ngựa có tính nhân văn sâu sắc cũng như không tạo áp lực cho HĐXX cũng như bị cáo, người tham gia tố tụng khác. Cá nhân tôi cho rằng nếu các nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự được thực hiện cả về hình thức và nội dung thì sẽ là một cuộc cách mạng trong hoạt động tư pháp. Trên cơ sở thực hiện tốt các nguyên tắc này sẽ đảm bảo được việc xét xử đúng pháp luật, khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có ý nghĩa trong việc phòng ngừa tội phạm cũng như răn đe tội phạm, bảo vệ được các quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ", luật sư Thiệp nhận định.

Phiên tòa đầu tiên áp dụng Bộ luật TTHS mới 

Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP Hà Nội – một trong 5 người thuộc Hội đồng xét xử (HĐXX) cho biết, phiên xét xử ông Đinh La Thăng là một trong những phiên tòa đầu tiên được áp dụng Bộ luật Tố tụng Hình sự mới (BLTTHS năm 2015, có hiệu lực từ 1/1/2018). Vì vậy, HĐXX sẽ áp dụng tất cả các quy định mới trong việc điều hành, điều khiển quá trình xét xử.

Một điểm mới nổi bật của BLTTHS năm 2015 là chú trọng, đảm bảo tối đa quyền tranh tụng của những người tham gia tố tụng. “Việc này phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp mà Đảng, Nhà nước đề ra, đồng thời đảm bảo quyền con người tốt hơn nữa cho các bị cáo cũng như đảm bảo tối đa nguyên tắc suy đoán vô tội với bị can, bị cáo”, Thẩm phán Trương Việt Toàn nêu rõ.

Thẩm phán Trương Việt Toàn cũng khẳng định: “HĐXX trong vụ án sẽ đảm bảo tối đa tính độc lập, không chịu sự tác động và can thiệp nào, chỉ tuân thủ theo pháp luật”.

Những người tham gia tranh tụng và xét xử tại phiên tòa Đinh La Thăng và đồng phạm cũng có số lượng lớn nhất từ trước đến nay. Giữ quyền Chủ tọa tại phiên tòa sơ thẩm là Thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân. Hội đồng xét xử còn có Thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh tòa Hình sự - TAND TP Hà Nội) và 3 hội thẩm nhân dân. Để bảo đảm hoạt động xét xử, TAND TP Hà Nội cũng bố trí 1 Thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết.

Do tính chất phức tạp của vụ án, phiên xử có tới 3 kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Đó là: Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội Đào Thịnh Cường và 2 kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Minh Đồng, Nguyễn Mạnh Thường. VKSND TP Hà Nội cũng bố trí 2 kiểm sát viên dự khuyết tại phiên xử.

Về phía những người tham gia tố tụng, tính đến thời điểm này có khoảng 40 luật sư tham gia phiên tòa. Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng mời 3 luật sư bào chữa là luật sư Phan Trung Hoài, Nguyễn Huy Thiệp và Đào Hữu Đăng. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh từ chỗ có 9 luật sư dự định bào chữa, thì hiện chỉ còn 5 người.

Tại phiên tòa cũng sẽ có 2 nguyên đơn dân sự (người bị hại) là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam. TAND TP Hà Nội cũng đã triệu tập 7 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, hơn 30 người làm chứng và 6 giám định viên.

Vụ án Đinh La Thăng và các đồng phạm có tổng số 22 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó, 12 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 165, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999, gồm: Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN); Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN); Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN); Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN); Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán PVN); Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN); Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN); Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN); Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC); Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC); Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC); Trương Quốc Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC).

Có 8 bị cáo bị truy tố về tội "Tham ô tài sản" theo quy định tại Điều 278, khoản 4-Bộ luật Hình sự năm 1999, gồm: Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC), Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh văn phòng PVC); Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch thuộc PVC); Nguyễn Thành Quỳnh (nguyên Giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng Công ty cổ phần miền Trung-Công ty cổ phần Đà Nẵng); Lê Thị Anh Hoa (vợ của bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh, Hoa nguyên là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quỳnh Hoa); Nguyễn Đức Hưng (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban Điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch thuộc PVC); Lê Xuân Khánh (nguyên Trưởng phòng Kinh tế-kế hoạch, Ban Điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch thuộc PVC); Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban Điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch thuộc PVC).

Riêng hai bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc PVC) và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) bị truy tố về cả 2 tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản."

 

Trọng Bằng/Baocongly