Phải làm gì khi bị cản trở quyền thăm con sau ly hôn?

Ngày đăng : 10:00, 04/01/2018

Tôi đã ly hôn được gần 1 năm. Tôi nuôi con nhỏ, chồng cũ nuôi cháu lớn. Thời gian đầu, tôi thường xuyên đến thăm con vào cuối tuần, nhưng 2 tháng gần đây bố cháu viện đủ lý do để ngăn cản tôi gặp con, đồng thời chuyển trường cho cháu mà không thông báo cho tôi biết. Tôi phải làm gì để được thăm con?

Ảnh minh họa (internet)

Trường hợp của bạn, Kiemsat.vn trả lời như sau:

Sau ly hôn, bạn và chồng bạn mỗi người được giao trực tiếp nuôi một con. Do vậy, đối với người con mà chồng bạn nuôi thì chồng bạn được xác định là người trực tiếp nuôi con còn bạn được xác định là người không trực tiếp nuôi con. Theo quy định của Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì bạn có quyền và nghĩa vụ sau:

 "Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó".

Đồng thời, chồng bạn và gia đình anh ấy cũng không được quyền cản trở bạn gặp con và chăm sóc con vì theo quy định tại Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: 

"Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con."

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên thì việc vợ chồng bạn ly hôn không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ thăm nom; chăm sóc; nuôi dưỡng; giáo dục con. Trong trường hợp của bạn, bạn vẫn đang nuôi một con (không có những hành vi thuộc các trường hợp bị hạn chế quyền nuôi con) nên sau khi ly hôn, bạn (người không trực tiếp nuôi con) hoàn toàn có quyền, nghĩa vụ chăm nom người con mà chồng bạn đang nuôi, không ai có quyền cản trở. Do vậy, việc chồng cũ của bạn ngăn cản không cho bạn thăm con, chuyển trường học để cản trở việc gặp gỡ của 2 mẹ con được xác định là hành vi trái pháp luật.

Để đảm bảo quyền thăm nom con của mình, bạn có thể thỏa thuận lại với chồng cũ để chấm dứt hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp cũng như nghĩa vụ của bạn đối với người con của mình. Nếu anh ấy không đồng ý, bạn có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm về gia đình như Ủy ban nhân dân cấp xã/phường, Hội liên hiệp phụ nữ cùng cấp hòa giải. Nếu vẫn không giải quyết được thì bạn có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết. 

 Phạm Hằng