Uber vô can khi hành khách bị tài xế cưỡng hiếp, cướp tài sản?

Ngày đăng : 12:11, 21/12/2017

(kiemsat.vn) - Sau sự việc hành khách bị tài xế Uber cưỡng hiếp và cướp tài sản, dư luận bày tỏ lo ngại khi sử dụng dịch vụ xe công nghệ và đặt câu hỏi về trách nhiệm của hãng.

Như Báo điện tử dantri đưa tin, khoảng 3h sáng 10/12, chị H đặt dịch vụ “xe ôm công nghệ Uber”. Trên đường đi, thấy nữ hành khách xinh đẹp, tài xế Nguyễn Dương Khánh (25 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ, TPHCM) nảy sinh ý định cướp tài sản, hiếp dâm khách nữ này. Khánh sau đó chạy xe lòng vòng, giả vờ lạc đường nên mượn điện thoại của khách để dò bản đồ. Đến một bãi đất trống, Khánh rút dao ra khống chế, hiếp dâm nữ hành khách. Sau khi được thả, chị H kể lại toàn bộ sự việc cho bạn trai nghe. Sau đó, chị cùng bạn trai đã hẹn gặp Khánh để thương thuyết về việc chuộc điện thoại. Tại đây, Khánh bị khống chế và giao cho công an.

Câu hỏi được đặt ra là "Tại sao hành khách đặt xe qua hệ thống, có cả số điện thoại liên lạc và ảnh đại diện mà tài xế Uber vẫn giở trò đồi bại như vậy?" thì đại diện Uber Việt Nam gửi đi một thông điệp ngắn gọn: "Chúng tôi đã khóa tài khoản của đối tác tài xế liên quan, trong thời gian chúng tôi thực hiện điều tra vụ việc". Với câu trả lời này thì dường như, trách nhiệm của Uber chỉ dừng lại ở việc khóa tài khoản, không cho tài xế tiếp tục chở khách và Uber sẽ vô can đối với các sự cố xảy ra?

Tài xế Uber Nguyễn Dương Khánh tại cơ quan điều tra (Internet)

Trách nhiệm thuộc về ai?

Giải thích về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Tài xế Uber là đối tác chứ không phải nhân viên nên không thể quy trách nhiệm cho Uber. Mối quan hệ giữa Uber và tài xế là mối quan hệ đối tác, không phải quan hệ hợp đồng lao động, tài xế không phải là nhân viên chịu sự quản lý trực tiếp của Uber nên Uber không có trách nhiệm phải bồi thường do các hành vi vi phạm pháp luật của tài xế gây ra. Nói cách khác, tài xế sẽ là người chịu trách nhiệm trực tiếp về hành vi vi phạm của mình.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, khi khách hàng sử dụng dịch vụ của Uber gặp sự cố thì tài xế phải chịu trách nhiệm bởi tài xế là người trực tiếp cung cấp dịch vụ. Công ty Uber cũng phải liên đới chịu trách nhiệm nếu người bị thiệt hại chứng minh được lỗi của công ty khi tuyển dụng, ký hợp đồng với những lái xe không đủ điều kiện lưu thông theo pháp luật Việt Nam. Như vậy, Uber không phải chịu trách nhiệm bởi tài xế thực hiện việc phạm tội không liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) bổ sung thêm: đối với khách hàng là nạn nhân vụ việc, Uber cũng không có trách nhiệm phải bồi thường. "Pháp luật xử lý theo nguyên tắc: Cụ thể hóa hành vi, cá thể hóa hình phạt. Theo đó, người nào có hành vi vi phạm thì chịu trách nhiệm". Trong vụ việc này, hành vi của tài xế đã khiến Uber bị tổn hại về hình ảnh, thương hiệu nên có thể xem Uber cũng bị thiệt hại.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, Uber không thể nói vô can trong vụ hành khách bị tài xế Uber cưỡng hiếp bởi hành khách sử dụng công nghệ mạng để dùng dịch vụ là vì tin tưởng, tín nhiệm Uber nên dù đã đêm khuya vẫn lựa chọn đi. Khách hàng đã chọn Uber chứ không hề biết tài xế cụ thể là ai.

Nhà cung cấp dịch vụ Uber nói gì?

Về phía nhà cung cấp dịch vụ Uber, trên trang web của mình Uber cam kết “Uber luôn tận tâm đảm bảo an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông. Công nghệ của chúng tôi cho phép tập trung vào sự an toàn của hành khách trước, trong và sau mỗi chuyến đi. Đây là cách chúng tôi thực hiện điều đó”.

Tuy nhiên, bên trên những cam kết này, Uber cũng không quên ghi chú “Thông tin trên trang web này chỉ mang tính tham khảo và có thể không áp dụng ở quốc gia, khu vực hoặc thành phố của bạn. Thông tin này có thể thay đổi và được cập nhật mà không cần thông báo trước”. 

Như vậy, có thể nói hiện tại Uber chưa có bất kỳ quy định hay cam kết nào về quyền và trách nhiệm của đơn vị đối với hành khách, cũng như chưa có bất kỳ quy chế phối hợp nào giải quyết các khiếu nại của hành khách khi có sự cố xảy ra. Các cam kết trên cũng chỉ rất chung chung.

Được biết, Uber quản lý tài xế thông qua hồ sơ gồm: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, giấy đăng kiểm và số điện thoại dùng để kích hoạt tài khoản chứ không phải ký bất cứ hợp đồng gì.

Ảnh minh họa

Khách hàng phải tự bảo vệ mình

Một luật sư khác phân tích trên báo Pháp luật TP.HCM: “Theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp này Uber không phải chịu trách nhiệm pháp lý về bồi thường thiệt hại khi tài xế phạm tội. Tuy nhiên, xét về đạo lý kinh doanh thì cần chia sẻ rủi ro, cũng là cách để lấy lại niềm tin của khách hàng, tôi cho rằng Uber không thể nói vô can. Vụ việc này Uber cần có lời xin lỗi chính thức tới nạn nhân”,

Ai cũng nhìn nhận, công nghệ kỹ thuật và mô hình kinh doanh mới đã khiến người tiêu dùng được hưởng lợi từ sự đa dạng trong lựa chọn và sự thuận tiện nhưng với câu trả lời của Uber, một lần nữa nhiều người đặt ra câu hỏi về sự an toàn cho hành khách khi công ty này không thể kiểm soát kỹ càng những lái xe tham gia dịch vụ cũng như tính pháp lý về trách nhiệm của Uber và một số hãng taxi công nghệ cao tương tự.

Thiết nghĩ với loại hình vận chuyển hành khách đặc biệt này, Nhà nước và Bộ GTVT nên sớm có quy định quản lý cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi xảy ra sự cố.

Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi, người sử dụng dịch vụ cần phải tự tìm cách bảo vệ tính mạng và tài sản của bản thân khi lựa chọn loại hình dịch vụ vận tải này.

 

 

 

Phạm Hằng (tổng hợp)