Chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” – Bản hùng ca bất diệt

Ngày đăng : 05:15, 18/12/2017

(Kiemsat.vn) – Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Mỹ đã buộc phải ngồi vào đàm phán với miền Bắc Việt Nam để quyết định cho tương lai của Việt Nam. Cuộc đàm phán kéo dài mấy năm và chúng ta chỉ giành chiến thắng kết quả đàm phán Hiệp định Paris 1973 sau khi Mỹ thua trên bầu trời Hà Nội.

 Chúng ta không muốn công nhận tính hợp pháp của Việt Nam cộng hòa, trong khi Việt Nam cộng hòa không muốn công nhận tính hợp pháp của Mặt trận và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam khiến hội nghị Pari bế tắc một thời gian dài.

Đàm phán bế tắc, ngày 5/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon điện cho Trưởng đoàn đàm phán Kissinger: “Hãy để một chỗ hở ở cửa cho cuộc họp tiếp. Tôi có thể sẵn sàng cho phép ném bom ồ ạt miền Bắc Việt Nam trong thời gian nghỉ ngơi đó” (Hồi ký Kissinger). Mục tiêu của chiến dịch ném bom hủy diệt Linebacker II này với cường độ, sức công phá và mật độ lớn đến mức khủng khiếp để buộc phía Việt Nam phải chấp nhận điều khoản của Mỹ. Bên cạnh đó, “làm cho Hà Nội không có được các vũ khí và đồ tiếp tế cần thiết để tiếp tục chiến tranh” (Tuyên bố của Ních-xơn. Dẫn theo Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, Nhà xuất bản Thông tin lý luận, H.1986, trang 382).

Trước khi diễn ra chiến dịch, B-52 đã nhiều lần bay vào oanh tạc không phận miền Bắc Việt Nam. Lần đầu tiên máy bay B-52 tham chiến chính là tại Việt Nam, và tại đây nó đã thể hiện sức tàn phá rất ghê gớm. Bởi kích thước khổng lồ và lượng bom mang theo rất lớn (hơn 30 tấn bom mỗi chiếc), B-52 còn được mệnh danh là “Pháo đài chiến lược (Stratofortress)”, hoặc đơn giản hơn là “Pháo đài bay”.

Trong một phi vụ oanh tạc, máy bay B-52 thường đi thành nhóm ba chiếc theo đội hình mũi tên, trên độ cao 9–10 km và ném khoảng gần 100 tấn bom (mỗi chiếc ném hơn 30 tấn) với mật độ dày đặc xuống một khu vực khoảng 2,5 km². Nếu một quả bom tiêu chuẩn là 500 lb (gần 250 kg) thì mật độ bom rơi là khoảng 130 quả trên 1 km², tức là khoảng cách trung bình giữa hai hố bom cạnh nhau là khoảng 80 mét. Với mật độ ném bom cao như vậy, xác suất hủy diệt sinh mạng và phá hủy công trình trong bãi bom B-52 sẽ là cực cao.

Với tầm nhìn xa trông rộng của một nhà chiến lược tài tình, Bác Hồ đã có những tiên đoán được lịch sử khẳng định, một nhận định thiên tài khi nói với đồng chí Phùng Thế Tài ngay từ năm 1968 về việc B-52 sẽ vào Hà Nội. Lúc này, đồng chí Phùng Thế Tài là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đặc trách cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ngay phút đầu đầu tiên Bác lại hỏi về B52 và nhận định: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua… Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân huỷ diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Vì vậy nhiệm vụ của chú rất nặng nề”.

Tại Hà Nội, công tác chuẩn bị chiến đấu cũng hết sức khẩn trương. Thành phố gấp rút cho sơ tán người già, trẻ em và những người không có nhiệm vụ chiến đấu, sản xuất ra khỏi nội thành với thời hạn phải hoàn thành trước ngày 04/12/1972. Đến ngày 18/12/1972 nội thành đã sơ tán được khoảng 20 vạn người. (ảnh TTXVN)

Ngày 18/12/1972, những tốp B-52 đầu tiên xuất kích và gần như ngay lập tức chiếc B-52 có mật danh liên lạc Charcoal 1 của Bob Certain bị bắn hạ khi đã tới sát mục tiêu rải bom, 3 trong số 6 phi công tử trận. Lập công là tên lửa SAM-2 của Tiểu đoàn 59, trung đoàn tên lửa 261 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng chỉ huy.

Trong 12 ngày đêm từ 18/121972 đến 30/12/1972, phía Mỹ đã có 81 máy bay bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B-52 (có 16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F-111 (có 2 chiếc rơi tại chỗ). Góp công rất lớn cho chiến công này là các đơn vị Rada, tiêu biểu là Đài Rada P35 của Đại đội 45, Trung đoàn 291 đã phát hiện tốp B52 đầu tiên vào Hà Nội, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Hồi 22:45’ ngày 26/12/1972, một đợt rải thảm của B-52 đã trúng vào con phố sầm uất Khâm Thiên khiến 287 người chết, 290 người bị thương, phá hủy hoàn toàn 534 ngôi nhà, hư hỏng 1.200 nhà khác. Phố Khâm Thiên mãi mãi bỏ đi 3 số nhà 45-47-49 làm Tượng đài căm thù giặc Mỹ.

Hình ảnh chị Bùi Thị Đệ bế trên tay đứa con nhỏ đã trở thành biểu tượng bất tử, bức tượng không có sự đau buồn, bi lụy mà tràn ngập sự kiên cường và căm thù mãnh liệt, quyết biến đau thương thành hành động của dân tộc Việt Nam.

Ngày 22/12/1972, bom B-52 đánh trúng Bệnh viện Bạch Mai, sát hại nhiều cán bộ, nhân viên, bác sĩ, sinh viên, bệnh nhân tại đây.

Đến tận bây giờ, sau 45 năm, hàng ngày, vẫn rất đông các bác sỹ, bệnh nhân, nhân dân đến thắp hương trước Bia căm thù giặc Mỹ được dựng tại khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, để tưởng nhớ những người bác sỹ tay đã anh dũng hy sinh, góp phần làm nên chiến công vĩ đại của dân tộc.

Chiến thắng to lớn này là minh chứng sống động khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt và to lớn của Trung ương Đảng, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các lực lượng vũ trang Trung ương, các đơn vị, địa phương và Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân Thủ đô đã chủ động, tích cực chuẩn bị chống địch tập kích đường không. Đây là một kỳ tích tiêu biểu cho tầm cao trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam cũng như truyền thống và hào khí Thăng Long – Hà Nội văn hiến, anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử.

Sơn Tùng