Kiểm sát việc thu giữ thư tín, điện tín trong các vụ án ma túy

Ngày đăng : 04:56, 13/12/2017

(Kiemsat.vn) – Mục đích thu giữ thư tín, điện tín nhằm thu thập thông tin hoặc phát hiện, thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội; đồ vật, tài sản do phạm tội mà có và đồ vật, tài liệu ó liên quan trực tiếp đến vụ án. Kiểm sát viên cần lưu ý một số nội dung khi tiến hành kiểm sát việc thu giữ thư tín, điện tín trong điều tra các vụ án ma túy.

Ảnh minh họa: Internet

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào đưa ra khái niệm thư tín, điện tín. Do vậy, nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng về việc thu giữ thư tín, điện tín của các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án hình sự còn chưa thống nhất. Đặc biệt, đối với các trường hợp thu giữ thông tin chủ thuê bao, nhật ký cuộc gọi, tin nhắn của số điện thoại cụ thể trong vụ án (thường gọi là list điện thoại), thực tiễn cho thấy có Viện kiểm sát phê chuẩn các lệnh thu giữ thư tín, điện tín của Cơ quan điều tra; có Viện kiểm sát lại từ chối phê chuẩn vì cho rằng “thư tín, điện tín” phải là các bức thư, bức điện cụ thể. Do vậy, thời gian qua, Cơ quan điều tra đã đơn phương ban hành công văn yêu cầu các công ty Viễn thông cung cấp list điện thoại mà không có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát trước khi thi hành, điều này đã thể hiện hoạt động thu giữ list điện thoại không được kiểm sát theo quy định.

Mặc dù pháp luật chưa đưa ra quy định về khái niệm thư tín, điện tín. Tuy nhiên, cách hiểu như trên còn máy móc, không theo kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin hiện nay, khi mà điện thoại di động đã trở thành vật “bất ly thân” không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, con người liên lạc giao tiếp với nhau thông qua các ứng dụng của điện thoại thông minh (smart phone) là chủ yếu, như Facebook, Zalo, What app, Viber, … Do vậy, “thư tín”, “điện tín” cũng cần được hiểu là phương thức truyền tin giữa các cá nhân, trong đó có truyền tin qua mạng viễn thông bằng điện thoại di động mà không bó hẹp trong hình thức vật chất là các bức thư, bức điện cụ thể.

Thông qua việc xử lý các vụ án ma túy cho thấy, tội phạm về ma túy chủ yếu sử dụng điện thoại di động làm phương tiện để liên lạc, trao đổi, móc nối với nhau trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau, đứng tên chủ thuê bao không chính danh nhằm mục đích để che giấu tội phạm. Mặt khác, một phần không nhỏ các vụ án ma túy được điều tra, xử lý qua lời khai và list điện thoại của các đối tượng phạm tội (điều tra “truy xét”, không bắt được quả tang); khi đó, các chi tiết giao dịch điện thoại của các đối tượng phạm tội và đối tượng liên quan là nguồn chứng cứ quan trọng để đấu tranh, khám phá vụ án nhanh, có hiệu quả. Do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có sự thống nhất coi “list điện thoại” là nguồn chứng cứ quan trọng trong vụ án để yêu cầu thu giữ và kịp thời phê chuẩn lệnh thu giữ của Cơ quan điều tra.

Do đặc thù của tội phạm nên việc khám xét, thu giữ thư tín, điện tín là biện pháp điều tra được Điều tra viên sử dụng phổ biến trong các vụ án ma túy. Trên cơ sở quy định tại các điều 144, 147 BLTTHS năm 2003 (ứng với Điều 197, Điều 199 BLTTHS năm 2015); Điều 22 Quy chế kiểm sát điều tra thì các hoạt động mà Kiểm sát viên cần lưu ý để kiểm sát chặt chẽ hoạt động này của Cơ quan điều tra bao gồm:

Kiểm sát tính có căn cứ pháp luật và sự cần thiết áp dụng biện pháp thu giữ thư tín, điện tín để thực hiện việc phê chuẩn lệnh thu giữ thư tín, điện tín của Cơ quan điều tra

So với BLTTHS năm 2003, căn cứ thu giữ thư tín, điện tín theo quy định tại BLTTHS năm 2015 không có sự thay đổi, cơ bản đều được thực hiện khi xét thấy cần thiết. Trong hoạt động thực tiễn, chúng tôi thường gặp các trường hợp sau:

– Qua hoạt động nghiệp vụ có nghi vấn thư tín, điện tín, bưu phẩm, bưu kiện có nghi vấn (thư tín, điện tín liên quan đến đối tượng; hoặc bưu phẩm, bưu kiện qua soi chiếu) thì Cơ quan điều tra tiến hành thu giữ theo trình tự, thủ tục quy định. Đối với hoạt động này hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc khi phát hiện bưu phẩm, bưu kiện có chứa chất ma túy hoặc hàng cấm là không xác định được người nhận hoặc không buộc được ý thức chủ quan của người nhận (thời gian qua ở thành phố Hồ Chí Minh có hàng chục trường hợp phát hiện được ma túy vô chủ gửi qua bưu điện). Trường hợp này ở nước ngoài có thể áp dụng biện pháp gắn chíp vào bưu kiện, bưu phẩm và tiếp tục theo dõi để xác định, làm rõ sự liên quan.

– Trường hợp phổ biến hơn là trong quá trình điều tra, theo lời khai của bị can, lời khai của người liên quan trong vụ án về việc đã trao đổi với đồng phạm khác thông qua các ứng dụng như email, nhắn tin, chat qua Zalo, What app, gọi điện thoại qua ứng dụng Viber, Zalo, … trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội. Khi đó, Kiểm sát viên thụ lý kiểm sát điều tra vụ án phải chủ động nghiên cứu hồ sơ, đề ra yêu cầu điều tra nhằm thu thập kịp thời, đúng trình tự của pháp luật. Tuy nhiên, yêu cầu phải thuộc trường hợp cần thiết và đúng pháp luật (để củng cố chứng cứ, để mở rộng điều tra), cụ thể, tránh tùy tiện, tràn lan (ví dụ: Thư tín nào? số thuê bao nào? thời gian nào?).

– Kiểm sát viên chủ động trao đổi với Điều tra viên về kế hoạch điều tra xác minh, khi xét thấy cần thiết thu thập tài liệu liên quan đến vụ án bằng việc thu giữ thư tín, điện tín tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, để kịp thời tiến hành thu giữ. Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cần xem xét trả lời các câu hỏi: Chủ thể của thư tín, điện tín cần thu giữ có phải là đối tượng phạm tội, đối tượng bị tình nghi thực hiện hành vi phạm tội hoặc người có liên quan trong vụ án hình sự không? Nếu thu giữ thư tín, điện tín thì nội dung thu giữ được có quyết định đến việc buộc tội hay gỡ tội cho bị can, đối tượng tình nghi hoặc điều tra mở rộng, khởi tố thêm bị can trong vụ án không? Nếu không có nội dung thư tín, điện tín thu giữ thì có thể buộc tội bị can, đối tượng tình nghi thực hiện tội phạm không? Trả lời các câu hỏi này tức là Kiểm sát viên đã xem xét được việc đề nghị thu giữ thư tín, điện tín của Cơ quan điều tra có thực sự cần thiết không, từ đó quyết định việc phê chuẩn. Thực tiễn chỉ ra rằng, có những thông tin thu được qua email, list điện thoại, phù hợp với chứng cứ khác là căn cứ quan trọng quyết định việc buộc tội bị can, bị cáo. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp đều phải thu giữ, nhất là khi đã có chứng cứ trực tiếp, đủ căn cứ kết tội và cũng không thể mở rộng vụ án. Nói như vậy để hiểu rằng, bằng khả năng nắm chắc hồ sơ, kinh nghiệm thực tiễn, Kiểm sát viên cần có quyết định kịp thời là cần thiết hay không cần thiết thu giữ thư tín, điện tín và trong phạm vi số điện thoại nào? của những ai? thời điểm nào? thời gian bao lâu?

– Khi xác định vụ án cần thiết phải tiến hành thu giữ thư tín, điện tín thì phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ thư tín, điện tín ngay, tránh để cách xa thời gian người phạm tội thực hiện việc trao đổi thông tin liên quan đến hành vi phạm tội vì có loại thư tín, điện tín như list điện thoại do đặc tính kỹ thuật chỉ lưu giữ được một khoảng thời gian (theo các chuyên gia trong vòng 06 tháng), quá thời hạn này các dữ liệu sẽ tự xóa (bị chèn đè lên).

– Khi nhận được văn bản của Cơ quan điều tra đề nghị phê chuẩn lệnh thu giữ thư tín, điện tín, Kiểm sát viên được phân công nghiên cứu cần phải nhanh chóng kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của Công văn đề nghị và lệnh thu giữ thư tín, điện tín (chú ý đầy đủ đến yêu cầu giải quyết vụ án và đảm bảo quyền nhân thân cho người liên quan). Nếu đề nghị phê chuẩn của Cơ quan điều tra có đủ căn cứ thì Kiểm sát viên báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy quyền ra quyết định phê chuẩn. Quyết định phê chuẩn cần đúng theo Mẫu số 43 trong hệ thống biểu mẫu tố tụng hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành kèm theo Quy chế kiểm sát điều tra (Quyết định số 07 ngày 02/01/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Nếu đề nghị phê chuẩn của Cơ quan điều tra không đủ căn cứ thì không phê chuẩn và cần nêu rõ lý do.

Đối với những trường hợp không thể trì hoãn việc thu giữ thư tín, điện tín không có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát thì ngay sau khi nhận được văn bản thông báo của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên phải kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của các lệnh, biên bản thu giữ thư tín, điện tín cũng như kiểm tra xem Cơ quan điều tra có ghi rõ lý do không thể trì hoãn vào biên bản thu giữ thư tín, điện tín hay không. Đây là quy định bắt buộc tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 197 BLTTHS năm 2015).

Kiểm sát hình thức, nội dung Lệnh thu giữ thư tín, điện tín của Cơ quan điều tra

Kiểm sát viên cần kiểm sát Lệnh thu giữ thư tín, điện tín của Cơ quan điều tra có được lập theo đúng biểu mẫu không? (khi thu giữ thư tín, điện tín, Cơ quan điều tra phải ban hành “lệnh” chứ không phải “quyết định”); kiểm tra người ký lệnh thu giữ thư tín, điện tín có đúng thẩm quyền theo quy định của BLTTHS không? (Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra khi được phân công điều tra vụ án hình sự); Nội dung của Lệnh thu giữ thư tín, điện tín có phù hợp với nội dung trong Công văn đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn không? Có yêu cầu cơ quan bưu chính, viễn thông cung cấp đúng, đủ các thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình điều tra vụ án không?

Kiểm sát kết quả thu giữ thư tín, điện tín về nội dung, thời hạn

Mặc dù đây là một đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm được pháp luật ghi nhận. Tuy nhiên, trong thực tế sự hợp tác của các công ty viễn thông có nơi còn chưa hiệu quả (có nhiều trường hợp các công ty viễn thông trả lời chậm hoặc không trả lời kết quả đối với các lệnh thu giữ thư tín, điện tín của Cơ quan điều tra, thậm chí có trả lời nhưng kết quả không đáp ứng yêu cầu thông tin của Cơ quan điều tra), gây khó khăn cho công tác điều tra, chứng minh tội phạm. Những trường hợp chậm trả lời kết quả dẫn đến tình trạng hồ sơ đã đầy đủ thủ tục, chứng cứ, chỉ chờ kết quả của công ty viễn thông để kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm sát truy tố. Thậm chí có một số vụ án phải gia hạn điều tra, gia hạn tạm giam để chờ kết quả thu giữ thư tín, điện tín, gây khó khăn cho việc điều tra, mở rộng vụ án, làm mất đi tính kịp thời trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Do vậy, sau khi phê chuẩn lệnh thu giữ thư tín, điện tín của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên cần chủ động phối hợp cùng Điều tra viên theo dõi kết quả thu giữ để đảm bảo tiến độ điều tra vụ án, đôn đốc cơ quan chuyên môn (bưu chính, viễn thông) cung cấp kịp thời kết quả phục vụ quá trình điều tra xử lý vụ án. Hàng năm, cần tổ chức họp liên ngành giữa Cơ quan điều tra (Bộ công an), Viện kiểm sát và các đơn vị quản lý mạng viễn thông để đánh giá kết quả phối hợp, tiến tới ký quy chế phối hợp, nhằm nâng cao chất lượng công tác này.

Kiểm sát, xử lý thông tin thu được qua hoạt động thu giữ thư tín, điện tín

Như trên đã phân tích, có nhiều bưu phẩm, bưu kiện gửi từ nước ngoài (hoặc trong nước khi dùng giấy tờ giả) qua bưu điện phát hiện có chứa ma túy hoặc hàng cấm, nhưng không xử lý được và phải xác định là bưu phẩm, bưu kiện vô chủ.

Đối với trường hợp email, list điện thoại sau khi thu thập được phải kiểm tra tính có căn cứ, tính phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác để đấu tranh, chuyển hóa chứng cứ, củng cố giá trị chứng minh của thông tin. Bởi vì, qua thông tin thu giữ có thể chỉ xác định có cuộc gọi, có tin nhắn, nơi và thời gian người đó thực hiện tin nhắn hay cuộc gọi, chứ không chắc chắn xác định được nội dung tin nhắn (thường là qua tiếng lóng, ám hiệu đã thống nhất trước), hoặc không ghi lại nội dung trao đổi qua điện thoại. Có như vậy việc thu giữ thư tín, điện tín mới thể hiện được sự cần thiết, đáp ứng được đòi hỏi của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp với quy mô rộng lớn, thông tin đa dạng, hiện đại của thế giới hôm nay.

Nguyễn Đức Giang

Vụ 4, VKSND tối cao

TCKS số 15/2017