Triển lãm ảnh tái hiện cuộc sống của người di cư ở Việt Nam

Ngày đăng : 10:57, 13/12/2016

Mười ba bộ ảnh tái hiện những câu chuyện đầy cảm xúc về cuộc sống của người di cư và gia đình của họ tại chín tỉnh, thành trên khắp đất nước đã được giới thiệu tại triển lãm ảnh "Nơi tôi gọi là Nhà", khai mạc sáng 13-12 tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội.

Triển lãm tái hiện 13 câu chuyện xúc động về cuộc sống của người di cư và gia đình của họ trên khắp đất nước. (Ảnh: Trung Hưng)

Triển lãm do Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam phối hợp tổ chức. Tại triển lãm, người xem có dịp được chiêm ngưỡng các bộ ảnh do tác giả Nguyễn Minh Đức thực hiện tại Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Vĩnh Long.

Mười ba câu chuyện được chắt lọc từ quá trình anh Minh Đức rong ruổi khắp Việt Nam và ghi lại những khoảnh khắc đầy xúc động về cuộc sống của những người di cư từ nông thôn ra thành thị để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp và mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đó là câu chuyện đầy cảm động của chị Nghiêm Thị Xuyền tại Phú Xuyên, Hà Nội, một phụ nữ di cư là mẹ của ba con: “Nhớ con lắm, nhất là đứa út. Mỗi lần về thăm nhà, lúc đi nó cứ bảo mẹ đừng đi, ở nhà với con. Lúc đó khóc mà không dám cho nó nhìn thấy, bảo với nó là mẹ chỉ đi có một lúc thôi rồi sẽ về”.

Chị Xuyền đã từ quê nhà ra Hà Nội kiếm sống bằng gánh tào phớ từ năm 1992. Trước đó, chị và chồng mình đã nuôi cá lồng nhưng công việc không hiệu quả và thua lỗ.

Đó cũng là câu chuyện về một người đàn ông vừa làm cha vừa làm mẹ: “Ba bố con ngủ chung một giường. Nhiều đêm tỉnh dậy thấy đứa lớn ngồi khóc, hỏi sao chưa ngủ mà lại ngồi khóc, nó bảo nhớ mẹ, bố mang mẹ về đi. Lúc đó chỉ ôm nó và bảo thôi ngủ đi, mẹ sắp về chơi rồi”.

Hai vợ chồng anh chị bàn nhau, chị quyết định đi làm công ty xa nhà, còn anh ở nhà vừa trông con, vừa làm thêm các công việc phu hồ, như vậy thì cả hai anh chị cùng đi làm sẽ có được nhiều tiền hơn cho con ăn học.

Đó cũng là câu chuyện về một cậu bé sáu tuổi chỉ có thể được biết mặt bố khi những người thực hiện bộ ảnh đến thăm và cho em xem ảnh người cha của mình đang lặn lội mưu sinh ở nơi thị thành xa xôi.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Đức, tác giả bộ ảnh, chia sẻ về dự án của mình. (Ảnh: Trung Hưng)

Chia sẻ về những câu chuyện bằng hình ảnh của mình, nhiếp ảnh gia Minh Đức cho biết, những câu chuyện anh mô tả không chỉ xoay quanh những người lao động di cư mà còn hướng về gia đình họ, những người cha, người mẹ, vợ, chồng, con cái mà họ đã để lại nơi quê nhà, những điểm tựa tinh thần cho sự cố gắng của họ.

Anh Đức mong muốn qua bộ ảnh của mình, những khía cạnh tốt đẹp về người di cư sẽ được chia sẻ và truyền tải tới cộng đồng, cùng những ý nghĩa tích cực mà sự di cư mang lại, đó là những đóng góp thầm lặng vào sự phát triển ở những nơi mà người di cư đến làm việc, cũng như sự thay đổi tích cực từ quê nhà từ sự đóng góp của họ.

Thống kê tại sự kiện cho thấy, Việt Nam đã và đang trải qua quá trình di cư nội địa một cách mạnh mẽ qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, đặc biệt là trong những thập kỷ gần đây. Trong vòng năm năm qua, Việt Nam đã ghi nhận một con số đáng kể khoảng 14% trong tổng dân số 91 triệu dân, tức vào khoảng 12,4 triệu người, là người di cư.

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, di cư là yếu tố quan trọng trong phát triển và là một vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu đối với các quốc gia đã và đang phát triển.

Người di cư là động lực then chốt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và sự đóng góp của họ cần phải được ghi nhận. Chính nhờ có sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những thập kỷ qua, tỷ lệ nghèo của Việt Nam đã giảm một cách đáng kể. Di cư rõ ràng là một trong những nền tảng giúp Việt Nam giảm nghèo kể từ đầu những năm 1990, với đóng góp vào mức tăng trưởng kinh tế gần 7% mỗi năm.

Các nhân vật trong bộ ảnh cùng tác giả chia sẻ về cuộc sống của người di cư tại lễ khai mạc triển lãm. (Ảnh: Trung Hưng)

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, di cư đã trở thành một vấn đề toàn cầu và có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của quốc gia. Trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Việt Nam, dòng người di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là lao động di cư từ nông thôn tới thành thị, các khu công nghiệp, chế xuất.

Theo ông Lâm, di cư lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường chính trị, sự phát triển kinh tế-xã hội, cũng như những chính sách xã hội đối với những người di cư. Người di cư hiện đang chịu rất nhiều khó khăn vì chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị, trong điều kiện sống và thu nhập.

Các bộ ảnh đã cho thấy cuộc sống của người di cư, cũng như cách họ đã vượt qua khó khăn như thế nào. Họ đã di cư vì mưu sinh, vì theo đuổi học vấn, cơ hội phát triển nghề nghiệp, vì tương lai, học hành của con cái. Họ đã gặp khó khăn, đã đối diện với cuộc sống không mấy dễ dàng ở nơi đến và họ đã vượt lên số phận, ông Lâm nhấn mạnh.

Tiếng nói của người di cư trong triển lãm ảnh này sẽ được mang tới Hội nghị công bố kết quả điều tra di cư nội địa lần thứ hai năm 2015 của Việt Nam, được tổ chức vào ngày 16-12 tới.

Triển lãm “Nơi tôi gọi là Nhà” sẽ mở cửa từ ngày 13 đến 18-12-2016 tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. (Ảnh: Trung Hưng)

TRUNG HƯNG – MINH DUY/nhandan