Những phẩm chất đạo đức cơ bản của người cán bộ Kiểm sát theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng : 03:58, 11/07/2017

(Kiemsat.vn) - Mỗi cán bộ Kiểm sát cần có trình độ khoa học pháp lý, trình độ nghiệp vụ, nhưng trước hết phải có phẩm chất đạo đức cách mạng, phải có cái tâm trong sáng, luôn thấm nhuần và làm theo lời dạy của Bác Hồ: Cán bộ Kiểm sát phải "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên phải rèn luyện phẩm chất, đạo đức và đặt lên hàng đầu vấn đề “tư cách người cách mạng”. Bác Hồ cũng chính là con người Việt Nam đẹp nhất, tiêu biểu nhất cho phẩm chất đạo đức, khí phách của dân tộc ta.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đặc biệt quan tâm giáo dục lập trường giai cấp công nhân, bản chất cách mạng và niềm tin cộng sản, giáo dục lòng yêu nước, thương dân cho cán bộ, đảng viên. Người luôn làm gương và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng, phải kết hợp chặt chẽ phẩm chất và năng lực, “hồng” và “chuyên”, “đức” và “tài”, trong đó “đức” là gốc. Với mỗi người, Bác Hồ ví đạo đức như là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông suối. Người dạy rằng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(*).

Bác Hồ đã chỉ rõ: Đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng tư của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Theo Bác, đạo đức cách mạng giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách. Người nói: Có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại không rụt rè, lùi bước; khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần, chất phác, khiêm tốn; mới “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá”. Bác cũng chỉ rõ: Tư tưởng không đúng thì có nhiều, nhưng có một tư tưởng mẹ: Đó là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích của tập thể. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư, nết xấu như: Lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô… nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh, trục lợi, thích địa vị, quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, coi khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Bác Hồ luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Ngày 03/02/1969, nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, Bác đã viết bài đăng báo Nhân dân nhan đề “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Trong tình hình hiện nay, những lời dạy của Bác Hồ về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân vẫn giữ nguyên giá trị và tính thời sự. Trong di chúc của Người để lại cho muôn đời sau, Bác Hồ đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân”.

Riêng đối với cán bộ ngành Kiếm sát nhân dân, bên cạnh những yêu cầu chung về đạo đức cách mạng của người cán bộ, Bác Hồ còn dạy rằng: “Cán bộ Kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Lời dạy của Bác Hồ chính là chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ Kiểm sát để mỗi cán bộ, đảng viên của ngành Kiểm sát nhân dân phấn đấu rèn luyện, coi đó là phương châm giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cả về chính trị tư tưởng, về kiến thức pháp lý xã hội chủ nghĩa và về nghiệp vụ công tác kiểm sát.

Trước hết, Bác đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát phải công minh, nghĩa là phải luôn công bằng và sáng suốt trong công việc. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp phải luôn theo đúng lẽ phải, không thiên vị, nhận thức rõ ràng và giải quyết các vấn đề một cách đúng đắn, không sai lầm. Cái tâm của người cán bộ Kiểm sát có trong sáng thì xem xét và quyết định mọi việc mới công bằng. Làm cán bộ Kiểm sát được Đảng, Nhà nước giao trách nhiệm giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội, bảo vệ công lý, người cán bộ Kiểm sát phải công tâm khi thực hiện nhiệm vụ, không thể vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư mà làm trái pháp luật, trái với lẽ công bằng.

Theo Bác, người cán bộ Kiểm sát, không chỉ công minh mà còn phải chính trực trong công việc. Phẩm chất chính trực đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát trong công việc của mình phải có bản lĩnh, ngay thẳng, chân thành, theo đúng lẽ phải, không gian dối, không thiên vị, không mờ ám, luôn coi trọng công việc. Được giao nhiệm vụ thì quyết tâm thực hiện, “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh”.

Đức tính “công minh, chính trực” của người cán bộ Kiểm sát thế hiện trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp phải luôn nắm vững căn cứ pháp luật và các chính sách của Đảng để vận dụng pháp luật kết hợp với chính sách trong từng trường hợp cụ thể. Mọi hành vi pháp lý của cán bộ, Kiếm sát viên phải xuất phát từ quy định của pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm việc xử lý vi phạm pháp luật đúng người, đúng tội, không được làm oan, sai, không được bỏ lọt tội phạm và vi phạm pháp luật. Đồng thời, phải chống chủ nghĩa cá nhân, không thiên vị, nể nang đối với những người thân thích, quen biết; không vì lợi ích cá nhân mà né tránh, không dám thẳng thắn đấu tranh bảo vệ công lý, cũng không vì thù oán cá nhân mà xử lý sai đối với người mà mình không có thiện cảm hoặc người dám đấu tranh, phê bình những biểu hiện sai trái của mình. Người cán bộ Kiểm sát công minh, chính trực phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có thái độ quyết đoán khi giải quyết công việc, không chần chừ, do dự, dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, người cán bộ Kiểm sát phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Để bảo đảm sự công minh, chính trực, Bác Hồ yêu cầu người cán bộ Kiểm sát phải có tác phong và phương pháp làm việc khách quan, thận trọng và khiêm tốn. Tính khách quan của người cán bộ Kiểm sát biểu hiện ở chỗ, khi giải quyết công việc, người cán bộ Kiểm sát phải luôn xuất phát từ thực tế, biểu hiện thực tế một cách trung thực, không suy diễn, không xuyên tạc, bóp méo sự thật, không nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chủ quan, phiến diện, định kiến cá nhân. Phải đi sâu tìm hiểu, phân tích, làm rõ bản chất của sự việc, dựa vào những cơ sở khoa học, cơ sở thực tế để đưa ra quyết định giải quyết sự việc một cách phù hợp, chính xác.

Tính thận trọng đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát khi giải quyết các vụ việc cụ thể phải cân nhắc, suy tính thật cẩn thận, kỹ lưỡng để tránh sai sót khi đưa ra quyết định giải quyết. Sự thận trọng cũng chính là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật của người cán bộ Kiểm sát. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trên các lĩnh vực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, người cán bộ Kiểm sát phải đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, đánh giá mọi tình tiết, điều kiện, hoàn cảnh của sự việc thực tế xảy ra; đối chiếu với quy định của pháp luật, từ đó xác định đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn giúp cho việc giải quyết vụ việc đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời. Tính thận trọng còn đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát phải kiên quyết chống lại căn bệnh qua loa, đại khái, xem xét sự việc một cách hời hợt, tắc trách. Tuy nhiên, thận trọng nhưng không được chần chừ, do dự; phải kiên quyết nhưng không chủ quan, nóng vội đi đến giải quyết sự việc một cách thiếu chính xác.

Bác Hồ còn yêu cầu người cán bộ Kiểm sát còn phải có tác phong khiêm tốn. Sự khiêm tốn của người cán bộ Kiểm sát có nghĩa là luôn có ý thức và thái độ đúng mức trong việc nhìn nhận, đánh giá bản thân; không tự lấy làm thoả mãn về những gì mình đã đạt được mà không tự phấn đấu, học tập để tiếp tục vươn lên; không tự đánh giá mình quá cao và tỏ ra coi thường người khác; không quan liêu, cửa quyền, hống hách. Người cán bộ Kiểm sát phải khiêm tốn bởi vì công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật là vô cùng khó khăn, phức tạp, có thực sự khiêm tốn, cầu thị thì mới chiếm được cảm tình và sự tin tưởng của nhân dân, đồng thời mới phối hợp tốt với các ngành, đặc biệt là với các cơ quan tư pháp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

Những đức tính của người cán bộ Kiểm sát mà Bác Hồ đã dạy chúng ta có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo thành một thể thống nhất, đó chính là “đạo đức cách mạng” của người cán bộ Kiểm sát. Thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ, người cán bộ Kiểm sát sẽ rèn luyện được phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong, phương pháp làm việc khoa học, đúng đắn, phát huy được năng lực chuyên môn để hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của mình trên các lĩnh vực công tác được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trong những năm qua, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức ở Trung ương và địa phương, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm các quyền dân chủ của nhân dân. Bằng những kết quả của các lĩnh vực công tác kiểm sát, ngành Kiểm sát đã góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam, thống nhất nước nhà, cũng như vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Tiến sĩ Lê Hữu Thể

Phó Viện trưởng VKSNDTC

Trích “Những kỷ niệm sâu sắc về ngành KSND” – VKSNDTC – 2010

(*) Hồ Chí Minh toàn tập – tập 5, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. 1995, tr 225