Nữ Kiểm sát viên làm công tác khám nghiệm có “tinh thần thép”

Ngày đăng : 11:22, 30/06/2017

(Kiemsat.vn) - Nghe đến khám nghiệm tử thi, có lẽ ai cũng rùng mình vì sợ. Thực tế, nỗi sợ đó, không cho phép tồn tại trong suy nghĩ của mỗi Kiểm sát viên, đặc biệt là nữ Kiểm sát viên làm công tác khám nghiệm hiện trường.

 

(Ảnh minh họa internet)

Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Ngô Thị Bích Phượng, Phó Trưởng phòng THQCT và KSXX sơ thẩm án an ninh ma túy, trật tự xã hội, VKSND Tp. Đà Nẵng cho biết: Kiểm sát viên đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường vụ án, như kiểm sát việc chấp hành các thủ tục, trình tự khám nghiệm, kiểm sát các hoạt động khám nghiệm, kiểm sát việc thu thập, bảo quản dấu vết đúng quy định của BLTTHS. Vì vậy, đòi hỏi KSV phải nắm chắc các quy định của vật chứng. Khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoạt động khám nghiệm của Cơ quan điều tra thì Kiểm sát viên sẽ yêu cầu khắc phục, bổ sung kịp thời để việc khám nghiệm được thực hiện theo pháp luật.

Đồng chí chia sẻ mỗi KSV đều nhận thức rõ vai trò của mình trong quá trình kiểm sát khám nghiệm. Vì thế, họ làm việc không kể ngày, đêm; không chỉ trong giờ hành chính. Chỉ cần tiếng chuông điện thoại từ Cơ quan cảnh sát điều tra thông báo về vụ tai nạn hay giết người xảy ra trên địa bàn là phải gác lại tất cả công việc đang làm còn dở dang để đến ngay hiện trường, dù vị trí khám nghiệm hiện trường ở vùng đồi núi, sông nước.

Khi được hỏi về nỗi sợ khi khám nghiệm tử thi đồng chí Phượng cười hiền trả lời chúng tôi: “Dù biết vất vả khó khăn nhưng không được phép sợ, vì công việc cần tính xác thực, chính xác của vụ việc, nên phải kịp thời kiểm sát mọi hoạt động khám nghiệm để đảm bảo đúng pháp luật. Mặt khác, những Kiểm sát viên làm công việc kiểm sát khám nghiệm tử thi cũng phải có tinh thần thép, đam mê với nghề; quan trọng nữa là phải được gia đình yêu thương và thấu hiểu”.

15 năm công tác trong ngành kiểm sát, đồng chí và các nữ Kiểm sát viên khác đã tiếp cận và xử lý rất nhiều vụ việc. Có những sự vụ để lại những ký ức không thể quên, đó không chỉ là những vụ tai nạn thương tâm, những vụ giết người oan trái mà còn là nỗi đau mà người ở lại phải gánh chịu trong suốt cuộc đời, mà người ngoài cuộc chỉ chứng kiến thôi đã thấy đau lòng. Vụ án xảy ra  ngày 7/6/ 2015,  tại đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu Tp. Đà Nẵng, do xích mích riêng của hai vợ chồng mà họ không hòa giải được, người chồng đã giết chết vợ rồi thắt cổ tự tử, để lại hai đứa con mới 18 tuổi và 6 tuổi. Hình ảnh hai đứa trẻ phải chịu mồ côi cả cha lẫn mẹ, đứng run rẩy sợ hãi nhìn cha mẹ chúng giữa căn nhà lụp xụp trong một ngày trời mưa tầm tã là một nỗi ám ảnh không nguôi.

Đồng chí Phượng chia sẻ tiếp, có những vụ án gây ra bởi  kẻ nghiện ma tuý đá, mất kiểm soát, chìm trong ảo giác, chúng có hành vi giết người man rợn, dã man, mất hết nhân tính, nhưng chị phải kịp thời chấn tĩnh để thực hiện công việc, hoàn thành nhiệm vụ. Vì thực tế, khi đến hiện trường, chị đã gặp nhiều cảnh tượng hãi hùng gây ám ảnh.

Đối diện với công việc kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, mỗi kiểm sát viên luôn gặp nhiều áp lực và cũng nhiều gian nan thử thách, đối với nữ Kiểm sát viên làm công việc này lại càng khó khăn, vất vả hơn nhiều. Tuy biết là vậy, nhưng đã yêu nghề, các đồng chí nữ kiểm sát viên lại tôi luyện thêm tinh thần thép.

     Tố Quyên – Thi Anh