Kinh nghiệm giải quyết các vụ án ma túy trên địa bàn Tp. Hà Nội

Ngày đăng : 03:45, 25/07/2017

(Kiemsat.vn) – Từ những kết quả đã đạt được trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án về ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội, tác giả đã rút ra một số kinh nghiệm giải quyết loại án này.

Năm 2016, tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất và mức độ ngày càng nguy hiểm, chủ yếu vẫn là các tội mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma tuý như heroin, ma tuý tổng hợp ATS, Ketamin, Methamphetamine; bên cạnh đó cũng xuất hiện một số loại ma túy mới như “cỏ Mỹ”, “trà sữa”, “kẹo”, “nước vui”… đây thực chất là ma túy tổng hợp có xuất xứ từ Trung Quốc gây tác hại và ảnh hưởng rất lớn đối với người sử dụng.

Ảnh mang tính chất minh họa ((nguồn internet)

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy rất tinh vi, đối tượng cầm đầu đường dây mua bán thường không bộc lộ danh tính mà hoạt động chủ yếu thông qua các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại như điện thoại di động, bộ đàm, internet… để chỉ đạo từ xa, tìm nguồn hàng và thuê các đối tượng khác vận chuyển bằng các phương tiện như taxi, thuê xe tự lái, xe khách…

Nguyên nhân của tình hình vi phạm, tội phạm ma tuý nêu trên là do việc vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý thu được lợi nhuận cao; công nghệ thông tin phát triển gây khó khăn cho công tác phát hiện, bắt giữ; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống ma tuý còn hạn chế; công tác tổ chức cai nghiện cho các đối tượng nghiện chưa đạt hiệu quả cao…

Từ những kết quả đã đạt được trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án về ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội, có thể rút ra những kinh nghiệm sau:

Quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và chỉ đạo của VKSND tối cao về đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 18/4/2008 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới” các quy định của Chương XVIII Bộ luật Hình sự năm 1999 về các tội ma túy, Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội phạm ma túy; khi Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 234/TANDTC-HS ngày 17/9/2014, VKSND tối cao ban hành Công văn số 3240/VKSTC-V1C ngày 24/9/2014 chỉ đạo về việc áp dụng pháp luật giải quyết án ma túy theo hướng không đồng ý với yêu cầu của Công văn số 234 của Tòa án nhân dân tối cao; VKSND thành phố Hà Nội chỉ đạo VKSND hai cấp thực hiện đúng theo chỉ đạo của VKSND tối cao, kiên quyết bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát, không chấp nhận quan điểm của Tòa án theo Công văn số 234. Thông qua thực tiễn giải quyết án ma túy trên địa bàn, VKSND thành phố Hà Nội đã tích cực phối hợp với Vụ 4 VKSND tối cao để tham mưu cho Lãnh đạo VKSND tối cao xây dựng và cùng liên ngành Bộ Công an, VKSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 (TTLT số 08) quy định việc xử lý các tội về ma túy căn cứ vào việc giám định “loại”, “trọng lượng” ma túy và chỉ giám định hàm lượng để xử lý trong một số trường hợp đặc biệt; việc ban hành TTLT số 08 là căn cứ để các cơ quan tư pháp thành phố Hà Nội giải quyết tồn tại, vướng mắc các vụ án ma túy do ảnh hưởng bởi Công văn số 234.

Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành giải quyết các vụ án ma túy

Ngay sau khi Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 234, VKSND thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị liên ngành Công an – Viện kiểm sát – Tòa án và các cơ quan Trung ương họp để chỉ đạo giải quyết các vụ án ma túy trên địa bàn và đã ban hành Văn bản số 1503/VKS-LN ngày 07/10/2014 hướng dẫn tạm thời việc giải quyết các vụ án ma túy trong khi chờ hướng dẫn của liên ngành Trung ương. Trong các kỳ giao ban hàng tháng, Lãnh đạo VKSND thành phố đều yêu cầu VKSND cấp huyện báo cáo tình hình và việc giải quyết các vụ án ma túy; ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND thành phố đều được đưa vào kết luận giao ban để các đơn vị thực hiện. Việc chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND thành phố thường xuyên để yêu cầu các đơn vị thực hiện theo đúng chỉ đạo của VKSND tối cao đến khi Liên ngành Trung ương ban hành TTLT số 08 quy định việc xử lý các tội về ma túy căn cứ vào việc giám định “loại”, “trọng lượng” ma túy và chỉ giám định hàm lượng để xử lý trong một số trường hợp đặc biệt; trên cơ sở TTLT số 08, VKSND thành phố Hà Nội đã quán triệt và chỉ đạo VKSND hai cấp khẩn trương phối hợp với các ngành Công an, Tòa án giải quyết các vụ án ma túy còn tồn tại, kiểm sát chặt chẽ quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan điều tra và kết luận giám định của Cơ quan giám định theo đúng quy định của TTLT số 08 về giám định để xác định “loại”, “trọng lượng” ma túy làm cơ sở vững chắc cho việc ra các quyết định của Viện kiểm sát; đồng thời, giải quyết các vấn đề còn vướng mắc để đảm bảo thực hiện tốt cuộc đấu tranh chống tội phạm về ma túy.

Chỉ đạo VKSND hai cấp thực hiện tốt chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”

Đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy hiện nay là lĩnh vực “nóng” được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, dư luận xã hội rất quan tâm xử lý loại tội phạm này để đảm bảo trật tự xã hội; tội phạm về ma túy thường hình thành các “đường dây”, một số vụ án mua bán ma túy lớn thường có mức án cao nên các đối tượng có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt đối phó với các cơ quan chức năng; vì vậy, công tác điều tra và kiểm sát điều tra vụ án cần phải tiến hành chặt chẽ và thực hiện đúng chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao theo Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra và Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và nâng cao trách nhiệm trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Nhằm thực hiện tốt các Chỉ thị trên của Viện trưởng VKSND tối cao và giải quyết có hiệu quả các vụ án ma túy, VKSND thành phố đã chỉ đạo VKSND hai cấp: Đề ra yêu cầu điều tra 100% các vụ án và thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện các yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát, trước khi phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, Kiểm sát viên phải trực tiếp hỏi cung bị can đảm bảo căn cứ vững chắc khi phê chuẩn, trước khi kết thúc điều tra vụ án, Kiểm sát viên phải cùng Điều tra viên hỏi tổng cung bị can nhằm làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của bị can, cùng Điều tra viên đánh giá kết quả điều tra và đã thực hiện hết các yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát hay chưa? Chỉ kết thúc điều tra khi có sự thống nhất giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy

Xuất phát từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn Thủ đô, VKSND thành phố Hà Nội đã chủ động chủ trì cùng với Công an thành phố Hà Nội xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp số 03/QCPH-CA-VKS ngày 15/7/2014 trong việc điều tra, kiểm sát điều tra giải quyết các vụ án hình sự. Viện kiểm sát và Tòa án ký Quy chế phối hợp số 01/2013/QCLN/VKS-TA ngày 09/9/2013 về phối hợp trong việc giải quyết án và chỉ đạo, điều hành. Trên cơ sở các quy chế phối hợp, Viện kiểm sát đã chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra và Tòa án thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy.

Hàng tuần, giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra đều tổ chức họp rà soát các vụ án đang thụ lý điều tra để bàn đẩy nhanh tiến độ giải quyết, đối với các vụ án đã hoàn thành công tác điều tra thì thống nhất kết thúc điều tra, đối với các vụ án có khó khăn, vướng mắc thì bàn biện pháp tháo gỡ để đảm bảo tiến độ điều tra; đối với những chuyên án lớn, ngay từ giai đoạn đầu đã có sự tham gia của Viện kiểm sát như tham gia khám nghiệm hiện trường, phân loại đối tượng bắt giữ, họp bàn kế hoạch điều tra, định hướng điều tra giải quyết vụ án. Đối với những vụ án có nhiều quan điểm về việc nhận định đánh giá chứng cứ, Lãnh đạo ba ngành, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán cùng phân tích, nhận định đánh giá chứng cứ nhằm giải quyết vụ án một cách khách quan và toàn diện; là địa bàn có nhiều vụ án ma túy lớn nhưng việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lớn đều đảm bảo đúng thời hạn, không để xảy ra oan hoặc bỏ lọt tội phạm.

Trong công tác xét xử các vụ án ma túy, Tòa án nhân dân hai cấp tăng cường tổ chức các phiên tòa lưu động, xét xử các bị cáo tại khu dân cư, tổ dân phố. Năm 2016, Viện kiểm sát cùng Tòa án phối hợp đưa đi xét xử lưu động 709 vụ án ma túy, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật ở cơ sở, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác phòng, chống tội phạm về ma túy.

(Trích bài viết “Kinh nghiệm giải quyết các vụ án ma túy trên địa bàn Tp. Hà Nội” của đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội, Tạp chí Kiểm sát số 05/2017)