Cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra hình sự

Ngày đăng : 12:51, 12/01/2017

Về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định phù hợp với Điều 21 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, cụ thể là: Điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại các Chương XXI, XXII của Bộ luật hình sự...

Ngày 20/8/2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2006, năm 2009. Thực hiện các quy định của Pháp lệnh này, tổ chức của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân, của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã đi vào ổn định và hoạt động có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước. Cơ quan điều tra được tổ chức theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu nên đã phát hiện điều tra, xử lý có hiệu quả với các tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự theo thẩm quyền của các Cơ quan điều tra.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được trong hoạt động điều tra hình sự theo Pháp lệnh năm 2004, thực tế cũng cho thấy Pháp lệnh này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều tra hình sự như: còn có nhiều quy định chung nên khi thực hiện phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, một số quy định về thẩm quyền điều tra, quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, quan hệ giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, quy định về Điều tra viên… chưa cụ thể. Mặt khác, do được ban hành từ lâu nên Pháp lệnh năm 2004 chưa có điều kiện thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc, tổ chức, hoạt động và cơ chế kiểm soát quyền lực của các cơ quan tư pháp, các quy định về ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân… trong hoạt động điều tra hình sự.

Xuất phát từ tình hình nêu trên, để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp và đổi mới tổ chức, hoạt động của Cơ quan điều tra; bảo đảm tính thống nhất và sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh năm 2004 thì việc xây dựng, ban hành Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đồng bộ, cụ thể và nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra hình sự trong tình hình mới.

Thực hiện phân công của Chính phủ, Bộ Công an – cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự đã thành lập Ban soạn thảo dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Công an làm trưởng Ban soạn thảo, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành gồm có Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao. Dự án Luật đã được xây dựng trên cơ sở các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm và hội nhập quốc tế; bảo đảm hợp hiến, tương thích trong hệ thống pháp luật; tuân thủ quy trình, thủ tục xây dựng dự án luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Dự án Luật đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, tháng 5 năm 2015 và đã được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ngày 26/11/2015 với tỷ lệ biểu quyết thông qua là 86, 44% trên tổng số 87,45% đại biểu tham gia biểu quyết.

Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự gồm 10 chương, 73 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015, so với Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, sửa đổi, bổ sung các năm 2006, năm 2009 có những nội dung mới cơ bản như sau:

Thứ nhất, về các hành vi bị nghiêm cấm

Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể như sau:

– Làm sai lệch hồ sơ vụ án; truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội; không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội; ra quyết định trái pháp luật; ép buộc người khác làm trái pháp luật; làm lộ bí mật điều tra vụ án; can thiệp trái pháp luật vào việc điều tra vụ án hình sự.

– Bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

– Cản trở người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can thực hiện quyền về tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.

– Không chấp hành yêu cầu, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền điều tra hình sự.

– Chống đối, cản trở hoặc tổ chức, lôi kéo, xúi giục, kích động, cưỡng bức người khác chống đối, cản trở hoạt động điều tra hình sự; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người thi hành công vụ trong điều tra hình sự.

– Các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thứ hai, về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra của Công an nhân dân.

Hợp nhất Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ thành Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ; bổ sung Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu.

Bổ sung thẩm quyền điều tra các tội khủng bố, tội tài trợ khủng bố của Cơ quan An ninh điều tra. Cùng đó, để bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bổ sung quy định Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân có thẩm quyền tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc trong trường hợp để bảo đảm khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an.

Thứ ba, về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân.

Bổ sung thẩm quyền điều tra đối với các tội phạm quy định tại các điều 193, 207, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 305, 309, 337, 338, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cho Cơ quan An ninh điều tra trong Quân đội nhân dân để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân.

Thứ tư, về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Quy định cụ thể Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là Cục Điều tra hình sự gồm có các phòng điều tra và bộ máy giúp việc; Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự Trung ương là Phòng Điều tra gồm có bộ phận điều tra và bộ máy giúp việc.

Về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định phù hợp với Điều 21 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, cụ thể là: Điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại các Chương XXI, XXII của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

Thứ năm, về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

Để bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác điều tra hình sự, quy định về tổ chức, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được điều chỉnh cho phù hợp, cụ thể như sau:

– Tinh gọn đầu mối theo hướng, không quy định trại tạm giam, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp, Cảnh sát quản lý hành chính là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

– Bổ sung quy định về Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (cấp bộ), Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (cấp tỉnh), Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng này làm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và tội phạm trên biển trong tình hình hiện nay.

Thứ sáu, về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các cơ quan này được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo thẩm quyền nhưng lại không quy định các cơ quan này có nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Do vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm (có dấu hiệu của tội phạm) thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan mình nhưng lại không được giải quyết mà phải chuyển đến cho cơ quan điều tra để giải quyết sẽ không bảo đảm mục đích của việc quy định quyền hạn điều tra của các cơ quan này là bảo đảm nhanh chóng, kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Để khắc phục những bất cập này, Luật quy định các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc phát hiện những hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và điều tra theo quy định của Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự.

Luật quy định thời hạn điều tra đối với tội phạm quả tang, ít nghiêm trọng, chứng cứ, lý lịch rõ ràng do Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư điều tra theo thẩm quyền từ 20 ngày thành 01 tháng để bảo đảm tính khả thi.

Bổ sung quyền hạn điều tra đối với 9 tội cho Đồn Biên phòng đóng ở nơi xa xôi, hẻo lánh.

Thứ bảy, về quan hệ phân công và phối hợp trong hoạt động điều tra

Để xác định rõ mối quan hệ giữa hoạt động điều tra theo tố tụng và hoạt động trinh sát; phân định rõ thẩm quyền hành chính và tố tụng trong hoạt động chỉ đạo Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Luật bổ sung Điều 42 quy định về quan hệ giữa đơn vị điều tra và đơn vị trinh sát trong điều tra hình sự và Điều 43 quy định về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan Công an, Quân đội các cấp đối với hoạt động điều tra hình sự.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở Công an cấp cơ sở, Luật bổ sung Điều 44 quy định về trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an trong hoạt động điều tra hình sự theo hướng phân biệt rõ trách nhiệm của Công an xã với Công an phường, thị trấn, đồn Công an phù hợp với thực tiến, cũng như trình độ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị này.

Thứ tám, về Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và Cán bộ điều tra

Chỉnh lý quy định tuyển chọn Điều tra viên thành thi tuyển ngạch đối với Điều tra viên.

Quy định chức danh Cán bộ điều tra ở Cơ quan điều tra là người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực điều tra hình sự, giúp Điều tra viên thực hiện một số hoạt động điều tra hình sự. Đối với cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, khi tiến hành điều tra vụ án, Thủ trưởng cơ quan này phân công người thuộc cơ quan, đơn vị làm Cán bộ điều tra giúp mình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.

Quy định về nhiệm kỳ của Điều tra viên theo hướng kéo dài thời hạn trong trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng bậc là mười năm.

Quy định về hạn tuổi phục vụ của Điều tra viên theo hướng kéo dài cho những người có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp, tính thống nhất với Bộ luật Lao động, Luật Công an nhân dân, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thứ chín, về trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác điều tra hình sự

Để khắc phục những vướng mắc, bất cập của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 do chưa có quy định về thống nhất quản lý đối với công tác điều tra hình sự, Chương IX quy định về trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác điều tra hình sự. Trong đó, quy định Chính phủ thống nhất quản lý về công tác điều tra hình sự, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý về công tác điều tra hình sự.

GS.TS, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh,  Cục trưởng V19 Bộ Công An

Nguồn: TCKS số 2/2016