H phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người”

Ngày đăng : 01:52, 22/11/2016

(Kiemsat.vn) - Sau khi đọc bài viết: Cứu người nhưng gây hậu quả nghiêm trọng có bị truy cứu TNHS hay không? của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thủy đăng trên Kiemsat.vn ngày 04/11/2016, tôi có ý kiến trao đổi như sau:

Trước hết khi đề cập tới nội dung này, ta cần hiểu qua về tình thế cấp thiết, vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác và tội vô ý làm chết người.

– Tình thế cấp thiết, mục đích chính là để bảo vệ một lợi ích lớn, bằng cách hy sinh một lợi ích nhỏ hơn. Tính mạng con người là thứ quý giá nhất không thể so sánh hay đánh đổi bằng bất cứ thứ quý giá nào. Về nguyên tắc, không thể hy sinh tính mạng của người khác để bảo vệ bản thân, điều này không phù hợp với quy định về tình thế cấp thiết là hi sinh lợi ích nhỏ để bảo vệ lợi ích lớn và cũng không phù hợp với đạo đức xã hội.

– Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác được hiểu là hành vi thực hiện các quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính vì cẩu thả, hoặc vì quá tự tin gây hậu quả làm người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe.

– Tội vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra chết người, măc dù phải thấy trước và có thể thấy trước, hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.

Trở lại với nội dung của bài viết, ở đây tôi trao đổi về vấn đề nạn nhân, cũng như hậu quả và mối quan hệ nhân quả của sự việc trên. Theo đó, nạn nhân của tội vô ý làm chết người, có thể là bất cứ người nào, người thân, người quen hoặc là người hoàn toàn xa lạ… của người phạm tội, nhưng vì do sự vô ý hoặc quá tự tin của người phạm tội mà bản thân họ đã trở thành nạn nhân.

Về hậu quả và mối quan hệ nhân quả: Phải có hậu quả làm chết người xảy ra thì mới có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người, còn nếu hậu quả không xảy ra thì không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vô ý. Ở đây phải có mối quan hệ ràng buộc giữa hành vi vô ý và hậu quả chết người một cách biện chứng. Hành vi là nguyên nhân gây ra hậu quả và hành vi có trước hậu quả làm chết người xảy ra trên thực tế.

Với tình huống tác giả đưa ra, tình huống xe lao thẳng tới là nguy hiểm và theo phản xạ tự nhiên của con người khi thấy nguy hiểm sẽ phải có phản ứng là né tránh hoặc chạy, ở đây khi anh H nhìn thấy chiếc xe đang lao thẳng về phía mình và chị M, thì anh đã nhảy tránh và đồng thời đẩy chị M theo. Chính sự tác động bởi hành vi vô ý này mà đã dẫn tới cái chết của chị M, hành động nhảy tránh rồi đẩy chị M theo của anh H, khiến chị thiệt mạng. Hành vi này đã đủ cở sở để truy cứu trách nhiệm hình sự H về tội “Vô ý làm chết người” theo Điều 98 BLHS năm 1999.

Trên là quan điểm cá nhân tôi về bài viết, rất mong bạn đọc và đồng nghiệp cùng trao đổi và cho ý kiến./.

Cao Văn Huynh
TAQS khu vực 2 quân khu 4.