Bản án chung thân cho kẻ “vô tội”

Ngày đăng : 02:57, 04/05/2017

(Kiemsat.vn) - Sau hai ngày xét xử, vừa qua, VKSND tỉnh Bình Phước đã bảo vệ thành công quan điểm truy tố tù chung thân đối với Nguyễn Văn Đồng về tội giết người; trước đó, ngày 24/08/2015, bị cáo đã được Toà án tuyên không phạm tội.

Tóm tắt nội dung vụ án:

Khoảng 10h ngày 28/01/2013 Nguyễn Văn Đồng, điều khiển xe mô tô biển kiểm soát: 52S6 – 1324 đến chơi tại nhà Trần A Ửng, sinh năm 1965, trú tại Thôn 8, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Tại nhà Ửng còn có vợ Ửng là Hà Nàm Cú, sinh năm 1968, các con Ửng là Trần Ký Thảo, sinh năm 2007 và Trần Ký Cường, sinh năm 2011. Lúc này Ửng cùng Đồng uống rượu và đánh bài xì phé ăn tiền mỗi ván thắng, thua được số tiền từ 1.000đ đến 2.000đ ở ngoài vườn gần sân nhà Ửng. Khoảng 14h cùng ngày, Trần ký Moi điều khiển xe mô tô chở bà Cú đến quán tạp hóa của chị Trần Thị Bình, sinh năm 1971, trú tại Thôn 6, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước để mua đồ dùng trong gia đình, còn cháu Trần Ký Thảo và Trần Ký Cường đứng trước hiên nhà, thấy cháu Cường khóc nên ông Ửng nghỉ chơi đánh bài để bế Cường nhưng Đồng không đồng ý dẫn đến cãi vã, xô xát nhau. Trong lúc xô xát, Đồng cầm 01 viên gạch tàu và 01 khúc cây đánh ông Ửng làm rách da đầu chảy máu, viên gạch vỡ thành 4 mảnh. Ông Ửng đi ra ngồi cạnh giếng cách nhà 11m thì Đồng chạy đến đánh tiếp rồi đẩy ông Ửng rơi xuống giếng. Sau khi rời khỏi nhà bị hại lúc này khoảng 14h30 phút, Đồng về nhà thì khoảng 17h cùng ngày công an xã Đức liễu mời Đồng lên làm việc phát hiện đồng hồ của Đồng đang đeo có vết máu nên lập biên bản thu giữ sau đó cơ quan giám định kết luận máu dính trên đồng hồ thu giữ của Đồng là máu của bị hại Ửng.

vksnd tinh binh phuoc-tù chung thân cho kẻ vô tội
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Đồng

Ngày 17/08/2015, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xét xử và kéo dài thời gian nghị án đến 14 giờ 30 phút ngày 24/08/2015 tuyên án: Quyết định áp dụng khoản 1 Điều 107 BLTTHS tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn Đồng không phạm tội “Giết người” và quyết định trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa.

VKSND tỉnh Bình Phước đã ban hành quyết định kháng nghị đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh (TAND cấp cao 3) xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên Nguyễn Văn Đồng không phạm tội giết người để xét xử lại theo hướng tuyên bố Nguyễn Văn Đồng phạm tội giết người.

Ngày 24/02/2016, của TAND cấp cao 3 tuyên Bản án hình sự phúc thẩm số 72/2016/HS-PT huỷ bản án hình sự sơ thẩm số 28/2015/HSST ngày 24/8/2015 của TAND tỉnh Bình Phước với nhận định: Việc điều tra, thu thập chứng cứ của cấp sơ thẩm chưa đầy đủ, toàn diện mà tòa sơ thẩm đã tuyên bị cáo không phạm tội là không có căn cứ nên cần hủy toàn bộ để điều tra lại theo thủ tục chung… Sau một thời gian điều tra lại, ngày 29/11/2016, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước ban hành Cáo trạng số 50/Ctr-VKS tiếp tục truy tố Nguyễn Văn Đồng về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS.

vksnd tinh binh phuoc-ban-an-chung-than-cho-ke-vo-toi1

Bị cáo Nguyễn Văn Đồng tại phiên tòa xét xử

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 bị cáo Đồng vẫn không thừa nhận hành vi đánh và xô ông Ửng xuống giếng, khai báo nhiều nội dung không thống nhất theo hướng chối tội; các luật sư bào chữa cho bị cáo Đồng đưa ra những quan điểm bào chữa cho rằng quá trình điều tra đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự như: việc thu giữ vật chứng là chiếc đồng hồ có dính máu, mặc dù cơ quan điều tra có niêm phong có chữ ký của bị cáo Đồng cùng người thu giữ và niêm phong và được nghi nhận trong biên bản thu giữ vật chứng đã không lập biên bản riêng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; các vật chứng thu giữ tại hiện trường như 4 mảnh gạch vỡ, cây gỗ không được giám định vân tay, cho nên không có giá trị chứng mình; lời khai của nhân chứng Trấn Ký Thảo là con của bị hại có nhiều điểm chưa thống nhất…

Từ những luận cứ bào chữa trên, các luật sư đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố Nguyễn Văn Đồng không phạm tội “Giết người” và trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa.

Trên cơ sở xét hỏi công khai tại phiên tòa, đối chiếu với những tài liệu, kết luận giám định của cơ quan chuyên môn và chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra ban đầu và điều tra lại. Kiểm sát viên giữ quyền quyền công tố tại phiên tòa đã đưa ra những lời đối đáp sắc bén, có căn cứ để bác bỏ những nội dung luật sư đã đưa ra như: Về thời gian bị caó Đồng có mặt tại thời điểm vụ án xảy ra từ 10 giờ đến khoảng 14 giờ 30 phút ngày 28/01/2013, là khoảng thời gian ông Ửng bị chết được xác định bằng lời khai của các nhân chứng:

Nhân chứng Hà Nàm Cú và Trần Ký Moi: Xác định sau khi ông Ửng chở các em đi học chiều về, Moi mới đi cùng bà Cú ra quán tạp hóa Bình bán điều, mua đồ dùng hết khoảng 10 phút, rồi đi về ngang đường dừng lại mua kem hết khoảng 03 phút về đến nhà thấy Thảo và Cường đứng khóc (thực nghiệm thời gian đi, về, ở lại quán tạp hóa mua, bán hàng, và dừng mua kem hết khoảng 22 phút, 17 giây);

Nhân chứng Điểu BRé, Điểu Thị Khấp nói khi hai người chạy xe máy nhìn thấy Đồng chạy xe mô tô hướng ngược lại, địa điểm nhìn thấy Đồng cách nhà ông Ửng là 504 mét chạy tiếp đến nhà bị hại thì gặp Moi, Cú, Thảo đang đứng khóc (Chạy xe mô tô thực nghiệm mất 01 phút 36 giây);

Nhân chứng Nguyễn Thị Liễu xác định khi mình rời khỏi nhà chắc chắn là hơn 14 giờ, nhưng khi chạy xe đến đoạn đường cách nhà bị hại khoảng 1.200m gặp Đồng chạy xe ngược chiều không đội mũ bảo hiểm, chạy tiếp tục đến nhà bị hại thì gặp Moi, Cú, Thảo, vợ chồng Bré (chị Liễu chạy xe thực nghiệm từ chỗ gặp Đồng đến nhà bị hại hết 02 phút 49 giây);

Nhân chứng Trần Ký Thảo khai “ông Đồng dùng cây, gạch đánh và xô ba xuống giếng”. Nội dung này các nhân chứng khai ổn định. Bị cáo Đồng sau này khai 14 giờ rời khỏi hiện trường.
Lời khai của nhân chứng Trần Ký Thảo trong quá trình điều tra và tại các phiên tòa sơ thẩm đều khai ông Đồng dùng cây, gạch đánh và xô ba xuống giếng, có lời khai xác định nguyên nhân do em Cường khóc ba bế Cường không chơi bài nữa, nên ông Đồng đánh, có lời khai xác định đánh vào đầu tay chỉ ở trán và sau đầu, có lời khai khai được hành vi đánh (cầm cây đánh)… Mặc dù các lời khai chưa thống nhất, nhưng có thể nhận định đó là lời khai trung thực về việc Đồng có cầm một vật đánh vào người ông Ửng và xô ông Ửng xuống giếng. Lời khai này phù hợp với các vật chứng được thu giữ, các vết thương của bị hại, các kết quả giám định. Khai như vậy phù hợp với sự hiểu biết, người dân tộc thiểu số, tâm sinh lý của trẻ em 05-07 tuổi ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Về lời khai của bị can Nguyễn Văn Đồng thì không đồng nhất, có nhiều nội dung thay đổi theo hướng chối tội như:

Liên quan đến cái áo để lại hiện trường khi thì khai mặc ở nhà đến cởi ra để ở đó, về vội nên bỏ quên; sau này khai áo do để trong cốp xe mang đến cho Ửng, vì đã cho nên không mang về; khi rời khỏi hiện trường có những ai ở nhà Ửng khi thì khai có 02 cháu nhỏ còn Cú và Moi đâu không thấy (lởi khai ban đầu), khi thì khai có 02 cháu nhỏ và bà Cú, không thấy Moi đâu!

Về vật chứng là đồng hồ, Đồng khai là có người mang đồng hồ đi ra ngoài 40-50 phút sau đó mới mang về và nói có vết màu sẫm trên đồng hồ; khi đọc biên bản lập sẵn, đang lưỡng lự chưa ký thì bị một cán bộ đá vào chân nên phải ký. Nhưng tại phiên tòa, người thu giữ vật chứng có mặt tại phiên tòa thì Đồng lại không chỉ ra được là ai đá vào chân bị cáo.

Cán bộ công án xã thu giữ đồng hồ xác nhận tại tòa là thu của bị cáo và niêm phong ngay tại chỗ và cho bị cáo ký vào niên phong, đồng thời được ghi nhận và biên bản thu giữ, cho nên không cần thiết phải lập một biên bản niêm phong riêng là do nhận thức chưa đầy đủ về quy trình tố tụng. Cho nên, Kiểm sát viên khẳng định việc thiếu sót này không ảnh đến bản chất của sự việc cho nên vẫn có giá trị chứng minh, với kết luận của cơ quan Pháp y xác định vết mầu nâu dính trên quai đồng thồ thu giữ của bị cáo là máu người có AND của bị hại Trần A Ủng và bị cáo xác định đeo đồng hồ trong suốt quá trình ở nhà bị hại cho đến khi bị thu giữ. Càng có cơ sở khẳng định bị cáo có mặt tại hiện trường và đã thực hiện hành vi đánh ông Ửng và đã để lại dấu vết phạm tội.
Về hiện trường, vật chứng vụ án: hiện trường xác định bị xáo trộn, do thời gian bảo vệ lâu từ khi cơ quan chức năng tiếp cận đến khi khám nghiệm hiện trường qua một đêm, nhiều người dân đến xem, nhưng cơ bản các vị trí được xác định là vật chứng nằm vị trí ngay khi vụ án xảy ra như các mãnh vỡ của viên gạch tàu, cây, vết máu, vị trí chiếu để đánh bài, bị hại còn ở dưới giếng, vì gạch và cây có bề mặt sần xùi cho nên không có cơ sở để giám định vân tay.

Theo các kết luận giám định pháp y thì: 04 miếng gạch thu giữ xác định cùng một viên vỡ ra, các vết vỡ còn mới nằm ở ba vị trí khác nhau (bản ảnh), có một miếng có dính máu của bị hại thu giữ tại khu cạnh miệng giếng các miếng gạch này có thể gây ra các vết thương vùng chẩm bị hại; thanh gỗ kích thước 117cm x 4,3cm x 4cm (hộp chữ nhật) thu giữ ngay cạnh miệng giếng có thể gây ra vết thương vùng trán bị hại; giếng nước mà bị hại rơi xuống nếu va vào lòng giếng thì không thể gây ra các vết thương trên đầu bị hại Ửng.

vksnd tinh binh phuoc - chung thân cho kẻ vô tội
Hội đồng xét xử bị cáo Nguyễn Văn Đồng mức án chung thân về tội giết người

Sau phần tranh luận của Kiểm sát viên các luật sư không có ý kiến đối đáp gì thêm. Bản án sơ thẩm lần 2 đã nhận định VKSND tỉnh Bình Phước truy tố bị cáo Đồng về hành vi giết người là đúng người, đúng tội. HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Văn Đồng mức án chung thân về tội giết người như đề nghị của VKSND tỉnh Bình Phước. Quyết định của HĐXX không những thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và còn có tính giáo dục phòng ngừa chung nhất là đối với loại tội phạm giết người đang diễn ra phức tạp trên địa bàn tỉnh Bình Phước, đồng thời giải những nỗi oan khuất cho bị hại và lấy lại công bằng cho người nhà của bị hại.

Qua vụ án cho thấy trách nhiệm của Viện kiểm sát trong quá trình THQCT, KSĐT, KSXX các vụ án hình sự vừa không được để xảy ra oan, sai nhưng cũng không được bỏ lọt tội phạm. Đây là một trong những yêu cầu của nội dung cải cách tư pháp đồng thời thể hiện bản chất của người Kiểm sát viên là phải “Công tâm và bản lĩnh”.

Quốc Hân