Ai là bị đơn của vụ án lao động sau khi đơn vị chia tách?

Ngày đăng : 12:17, 19/04/2017

(Kiemsat.vn) – Ông Lê Cao T kiện Trường Trung học phổ thông bán công ND đã sa thải mình, nhưng sau đó trường này đã bị chia tách theo quyết định của UBND tỉnh, vậy đơn vị nào sẽ là bị đơn của vụ án lao động?

Nội dung vụ án “Kiện quyết định xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải”, giữa nguyên đơn là ông Lê Cao T; bị đơn là Trường trung học cơ sở ND; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố ĐL, Sở giáo dục đào tạo tỉnh LĐ và Trường trung học phổ thông BX như sau:

Quyết định số 436 QĐ/UB-TC ngày 28/8/1990 của UBND tỉnh LĐ về thành lập Trường Trung học phổ thông bán công ND (Trường bán công ND), chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của UBND thành phố ĐL, chịu sự chỉ đạo hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên ngành của Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh LĐ; là đơn vị sự nghiệp giáo dục hoạt động theo phương thức có thu và hạch toán độc lập, có con dấu và mở tài khoản riêng. Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh LĐ là cơ quan quyết định toàn bộ việc nâng bậc lương thường xuyên cho công chức, viên chức của trường và UBND tỉnh LĐ là cơ quan quyết định chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với lao động hợp đồng, trong đó có ông Lê Cao T.

Ngày 30/12/2004, ông Lê Cao T ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với (Trường bán công ND), trường dạy học sinh cấp II và cấp III. Quá trình dạy học, UBND tỉnh LĐ ra Quyết định số 1533/QĐ- UBND ngày 20/6/2005 về việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với ông Lê Cao T và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh LĐ ra Quyết định số 549/QĐ-SGD&ĐT ngày 30/6/2006 về việc nâng bậc lương cho ông Lê Cao T.

Ngày 12/12/2006, ông T có hành vi đánh học sinh. Trường bán công ND đã ra Quyết định số 01/QĐ-KL ngày 14/12/2006 về đình chỉ công tác tạm thời, sau đó ra Quyết định số 03/QĐ-KL ngày 06/02/2007 kỷ luật sa thải đối với ông T (Quyết định số 03).

Ông T khởi kiện tới Tòa án nhân dân thành phố ĐL yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 03, nhận ông trở lại làm việc, phải bồi thường lương và các khoản cho những ngày ông không được làm việc.

Kết quả giải quyết vụ án lần 1:

– Bản án sơ thẩm số 03/2008/LĐ-ST ngày 28/4/2008 của Tòa án nhân dân thành phố ĐL không chấp nhận yêu cầu của ông T.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Lê Cao T làm đơn kháng cáo.

– Bản án phúc thẩm số 01/2008/LĐ-PT ngày 16/9/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh LĐ không chấp nhận kháng cáo của ông T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

– Quyết định giám đốc thẩm số 05/2011/LĐ-GĐT ngày 27/9/2011: Hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử sơ thẩm lại với lý do hành vi vi phạm của ông T không thuộc một trong các hành vi vi phạm để áp dụng hình thức sa thải theo Điều 85 Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2006.

Trong quá trình giải quyết lại vụ án, Luật Giáo dục đã sửa đổi và không cho phép tồn tại loại hình trường bán công nên UBND tỉnh LĐ ra Quyết định số 1760/QĐ-UBND ngày 06/8/2010 về việc tách khối học sinh THPT (cấp III) ra khỏi Trường bán công ND chuyển sang Trường trung học phổ thông BX (Trường THPT BX); và UBND thành phố ĐL quyết định thành lập Trường trung học cơ sở ND (Trường THCS ND). Sau đó, giáo viên và học sinh của Trường bán công ND được chia tách về 02 trường mới được thành lập, cụ thể giáo viên và học sinh khối cấp III chuyển về Trường THPT BX, còn giáo viên và học sinh khối cấp II thì chuyển về Trường THCS ND. Địa điểm Trường bán công ND nay do Trường THCS ND sử dụng. Nếu ông T không bị kỷ luật thì sẽ được chuyển tới Trường THPT BX (do ông T dạy học sinh khối cấp III).

Như vậy, đến thời điểm giải quyết lại vụ án thì bị đơn là Trường THPT bán công ND không còn tồn tại nữa nên Tòa án nhân dân thành phố ĐL xác định Trường THCS ND là bị đơn.

Kết quả giải quyết vụ án lần 2:

Tại Bản án sơ thẩm số 09/2013/LĐ-ST ngày 17/9/2013 của Tòa án nhân dân thành phố ĐL: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Cao T; hủy Quyết định kỷ luật số 03/QĐ-KL ngày 06/02/2007 của Hiệu trưởng trường THCS ND và trường phải nhận ông T trở lại làm việc; buộc bị đơn phải thanh toán cho ông T số tiền 232.847.000đ, tiếp tục trả lương 4.600.000đ/tháng từ ngày 18/7/2013 cho tới khi nhận ông T trở lại làm việc, khôi phục mọi chế độ về bảo hiểm theo quy định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo. Hiệu trưởng Trường THCS ND kháng cáo với nội dung: Trường không phải là bị đơn vì không kế thừa quyền và nghĩa vụ của Trường THPT bán công ND, hiện trường chỉ dạy học sinh trung học cơ sở (học sinh cấp II) nên không thể nhận ông T trở lại trường vì ông T dạy học sinh Trung học phổ thông (học sinh cấp III). Còn ông T kháng cáo đề nghị phải xác định Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh LĐ là bị đơn vì Sở là cơ quan quản lý Trường THPT bán công ND.

Bản án phúc thẩm số 01/2014/LĐ-PT ngày 10/01/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh LĐ: Không chấp nhận kháng cáo của ông T, chấp nhận kháng cáo của Trường THCS ND, sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T.

Quá trình giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất về xác định bị đơn của vụ án, hoặc không còn bị đơn, cụ thể như sau:

Ý kiến thứ nhất (cùng quan điểm của Bản án sơ thẩm xét xử lần 2) cho rằng:

Theo Quyết định số 2766/QĐ-UBND của UBND tỉnh về thành lập Trường THCS ND thì trường tiếp nhận toàn bộ cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, học sinh khối THCS của Trường bán công ND. Xét đây là sự chuyển đổi hình thức tổ chức và loại hình đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục và Đào tạo, do vậy, căn cứ quy định tại các điều 95, 96 Bộ luật Dân sự năm 2005, điểm c khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, mặt khác, căn cứ Điều 2 (Giao Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố ĐL chỉ đạo các phòng chuyên môn của sở, các phòng chuyên môn của thành phố hướng dẫn hai trường có tên trên thực hiện việc tách và bàn giao giáo viên, học sinh theo cấp học đúng quy định hiện hành của Nhà nước), Quyết định số 1760/QĐ-UBND ngày 06/8/2010 của UBND tỉnh LĐ nên xác định Trường THCS ND là đơn vị kế thừa quyền và nghĩa vụ của Trường bán công ND. Xác định Trường THCS ND là bị đơn và UBND thành phố ĐL, Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh LĐ, Trường THPT BX là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Ý kiến thứ hai cho rằng, căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ và Thông tư số 10/2004/TT-BNV ngày 19/02/2004 của Bộ Nội vụ thì ông Lê Cao T và Trường bán công ND ký hợp đồng làm việc là đúng quy định. Quá trình làm việc, UBND tỉnh LĐ và Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quyết định việc chuyển lương và nâng bậc lương cho ông Lê Cao T.

Khi ông T vi phạm phải vận dụng Bộ luật Lao động để xử lý là đúng, tại thời điểm ông T khởi kiện, Tòa án xác định Trường bán công ND là bị đơn là đúng, tuy nhiên trong quá trình giải quyết vụ án, Trường bán công ND được tách làm 02 trường theo Quyết định số 1760/QĐ-UBND ngày 06/8/2010 của UBND tỉnh LĐ, khối cấp II chuyển về trường THCS ND còn khối cấp III chuyển về THPT BX, theo ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh LĐ “nếu ông T không bị sa thải thì sẽ được chuyển sang trường THPT BX vì ông T dạy học sinh cấp III).

Như vậy, Trường THPT BX và Trường THCS ND không phải là tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ của Trường bán công ND. Các đương sự đều thừa nhận Trường bán công ND đã bị giải thể. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, cần xác định đại diện theo pháp luật của UBND tỉnh LĐ là bị đơn vì là cơ quan cấp trên thành lập và giải thể Trường bán công ND, còn Sở giáo dục và đào tạo chỉ là cơ quan tham mưu cho tỉnh quản lý về chuyên môn.

Ý kiến thứ ba cho rằng, bản án sơ thẩm xác định Trường THCS ND là đơn vị kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của Trường THPT bán công ND là không đúng, vì:

Quá trình giải quyết vụ án Trường THPT bán công ND không còn tồn tại coi như đã bị giải thể thì quyền và nghĩa vụ chấm dứt theo Điều 384 Bộ luật Dân sự, do đó vụ án không còn bị đơn và căn cứ điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 cần đình chỉ giải quyết vụ án.

Nguyễn Thị Mai

Viện 3, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.